Mùa Vu lan nghĩ về nghi thức 'Bông hồng cài áo'

Từ khi Phật giáo gia nhập vào Việt Nam, ngày Lễ Vu lan (ngày rằm tháng Bảy hằng năm) đã trở thành truyền thống của tinh thần báo hiếu, báo ân, phù hợp với tinh thần tín ngưỡng tôn thờ tổ tiên thiêng liêng của người dân Việt. Qua quá trình du nhập và phát triển hơn 2.000 năm tại Việt Nam, đến nay giá trị văn hóa này đã trở thành một đạo nghĩa của dân tộc; trong đó, nghi thức 'Bông hồng cài áo' mang một ý nghĩa rất đặc biệt.

Trong Lễ Vu lan của người Việt Nam từ lâu đã có nghi thức “Bông hồng cài áo”. Theo nhiều tư liệu ghi chép, Thiền sư Thích Nhất Hạnh - giảng viên, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội và là nhà sư nổi tiếng của Phật giáo trong nước và thế giới là người đề xuất nghi thức này. Trong chuyến thăm Nhật Bản vào thập niên 1960, Thiền sư thấy người Nhật Bản cài hoa cẩm chướng lên ngực trong Lễ Vu lan, những người mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa đỏ.

Năm 1962, Thiền sư viết Tùy bút Bông hồng cài áo nói về một tập tục cài hoa lên áo mà ông đã gặp ở Nhật Bản đậm tính nhân văn. Khi chuyển hóa hình thức này về Việt Nam, ông chọn hoa hồng làm biểu tượng cho Lễ Vu lan báo hiếu.

Sau đó, Tùy bút Bông hồng cài áo được in ra nhiều lần; vào mỗi dịp Vu lan một số các chùa bắt đầu tổ chức nghi thức “Bông hồng cài áo”. Từ đó, Lễ Bông hồng cài áo đã trở thành một nét đẹp truyền thống đến nay.

Vào năm 1963, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đọc được bản Tùy bút Bông hồng cái áo của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, cùng với niềm yêu kính mẹ vốn dĩ rất dạt dào, đã cho nhạc sĩ nguồn cảm hứng phổ thành ca khúc Bông hồng cài áo nổi tiếng suốt 60 năm qua. Đây được xem là một trong những bài nhạc Việt hay nhất viết về mẹ, bên cạnh Lòng mẹ của Y Vân, Đèn khuya của Lam Phương… Thật vậy, những tác phẩm viết về 2 đấng sinh thành luôn cho người ta những cảm xúc đặc biệt, nhất là mỗi dịp Vu Lan.

Có lẽ vì vậy mà Vu lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người phải biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn…

Từ một nghi thức mang màu sắc văn hóa Phật giáo, Lễ Vu lan dần trở thành một nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống của người Việt Nam. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và phát triển, một số loại hình văn hóa mới du nhập vào nước ta đã ít nhiều làm phai mờ một số nét đẹp truyền thống văn hóa của người Việt, thì việc phát huy nét đẹp hiếu kính với ông bà, cha mẹ càng cần phải quan tâm, nhất là giáo dục cho giới trẻ.

Nghi thức "Bông hồng cài áo" được tổ chức tại chùa Sắc Tứ Linh Thứu (huyện Châu Thành).

Tại nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, mùa Vu lan thường diễn ra từ đầu tháng 7 đến ngày rằm tháng 7, tùy theo điều kiện của mỗi nơi có thể tổ chức thời gian cho phù hợp. Nhân mùa Vu lan, tại các chùa dành thời gian để nhắc lại ý nghĩa đích thực của việc báo hiếu, hàm ý sâu xa của nghi thức cài hoa hồng; nhắc nhớ mỗi người luôn nhớ niệm bốn trọng ân, giữ tâm thiện lương, thực hành tinh thần đoàn kết, đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống, đó chính là nghĩa cử cao đẹp của việc báo ân, báo hiếu đến thầy tổ và hai đấng sinh thành.

Dâng hoa cho các bậc cha mẹ bày tỏ tấm lòng hiếu kính của con đối với cha mẹ.

Theo Sư cô Thích nữ Trung Tường, Thư ký chùa Sắc Tứ Linh Thứu (huyện Châu Thành), tại Lễ Vu lan, các chùa thường tổ chức cho phật tử cầu an cho những người cha mẹ còn sống được bình an; cầu siêu để vong linh ông bà, cha mẹ đã khuất được siêu sinh tịnh độ.

Đặc biệt, Lễ “Bông hồng cài áo” trong mùa Vu lan là một nghi thức mang nhiều ý nghĩa nhân văn. Tại buổi lễ này, mỗi người sẽ được cài lên áo mình những bông hoa hồng mang ý nghĩa tượng trưng, người được cài bông hồng trắng để không quên cha mẹ mình đã khuất; người được cài bông hồng đỏ sẽ cảm thấy mình hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ mà biết sống sao cho cha mẹ khỏi phiền lòng...

Vu lan là dịp để các phật tử trở về chùa nghe nói về đạo hiếu, bổn phận làm con đối với công ơn sinh thành của cha mẹ.

Qua hàng ngàn năm, Vu lan Khánh Hội đã trở thành nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt, là nét sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống. Mở rộng ra, ngày Lễ Vu lan không chỉ mang đậm nét nhân văn, mà còn làm rạng rỡ đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

GIA TUỆ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/dien-dan/202308/mua-vu-lan-nghi-ve-nghi-thuc-bong-hong-cai-ao-988920/