Mùa phượng cháy

Có ai đó quan sát, chiêm ngưỡng và chiêm nghiệm, rằng mùa phượng cháy là mùa thi của học trò cuối cấp phổ thông? Người đó nói đúng. Khi những chùm búp xanh non của phượng dần nhú ra thì tâm trạng của những “sĩ tử” tương lai hồi hộp, vừa lo lắng bận rộn ôn bài, vừa bâng khuâng buồn nhớ, chuẩn bị giã từ trường lớp thân quen, bỏ lại phía sau quãng đời hồn nhiên, thần tiên nhất không bao giờ trở lại.

Thế rồi, những ngày đầy nắng của tháng năm cũng đến. Những ngày thi cũng đến thật rồi. Phượng bắt đầu bung lên một màu đỏ thắm, rực trời, náo nức. Ve bắt đầu râm ran “hòa tấu” những “bản nhạc” đầu tiên chào đón cái màu hoa đỏ “làm nền” để kêu gào hết mình, đến nỗi xác xơ như những cánh phượng tả tơi, rơi hồng mái phố, rắc đỏ sân trường trong nắng gió thênh thang.

Cũng là một màu đỏ cháy lên – nếu hoa gạo từ khi nở đến lúc rụng, thường ngắn, đơn độc những nơi như đầu làng, bờ ao, ven đê hay chân đồi lộng gió…, thì hoa phượng lại rừng rực cả một vòm trời, cháy hết mình, cống hiến hàng tháng dài: Trước mùa thi, sau mùa thi. Tức cả một mùa hè nóng bỏng. Thì kia “những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng/ Em chở mùa hè của tôi đi đâu”. Những tà áo dài tha thướt của nữ sinh, dù là màu tím, da trời, thiên thanh hay trắng màu tinh khiết – khi những cánh phượng đậu bờ vai hoặc vô tình nơi vòm ngực tràn trề, thì tựa như thêu vào đó “mùa hè” ước vọng; còn tà áo màu đỏ của thiếu nữ lại nhuộm thêm sắc màu hoa phượng, khi “di động” đã làm ai đó ngẩn ngơ, thờ thẫn, để “Em đi lửa cháy trong bao mắt/ Anh biến thành tro em biết không”? (Vũ Quần Phương).

Trên dải đất hình chữ S của chúng ta, khắp Bắc – Trung – Nam đâu đâu cũng bời bời cháy đỏ trời hoa phượng. Thì đó, Hải Phòng được mệnh danh là “Thành phố hoa phượng đỏ” mà bây giờ có hẳn một Lễ hội đặc trưng đó thôi. Hà Nội, dù xuân về đã có hoa đào thương nhớ của Nhật Tân, Nghi Tàm là thương hiệu; nồng nàn hoa sữa lúc sang thu…, nhưng trên các đường Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo, Tăng Bạt Hổ, ven hồ Thiền Quang, Hồ Tây và Trúc Bạch rồi khắp các công viên…, ai bảo phượng không thi nhau cháy lên cùng “Thủ đô mến yêu của ta”, không “linh thiêng và hào hoa” nơi Thăng Long – Đông Đô nghìn tuổi? Đường lên Tây Bắc quanh co, phượng như những vòng cung lửa; dọc Quốc lộ 2 lên thành phố trẻ Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), những cành phượng uốn éo như bàn tay của người trung du vẫy chào ta lên Đền Hùng thăm viếng tổ tiên rồi thả hồn trong mù sương lành lạnh của Sa Pa.

Phượng cháy khắp nơi, khắp các ngả đường, khắp các cơ quan công sở, nơi công cộng, cả khu công nghiệp âm vang tiếng còi tầm. Thế nhưng, cái màu hoa đỏ cháy trong các khuôn viên trường học kia mới là rực rỡ nhất thì phải. Bởi vào đúng mùa thi. Ngay cả những người rời xa đèn sách lâu rồi vẫn bồi hồi, xao xuyến “thấy mùa phượng nở ta ngỡ gặp mùa thi/ Cũng mùa phượng nở hai chúng mình ra đi”. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã nói hộ tâm trạng bao người cái thời khắc giã từ, luyến nhớ đến nao lòng ấy.

Một loài hoa như biểu tượng cho một thời không thể nào quên trong mỗi người; một loài hoa mang theo hành trang là học thức và nhân cách để “cất cánh”, hỏi sao không “cháy” mãi trong ta suốt cuộc đời dài dằng dặc, đâu chỉ ở mùa thi?

Tản văn của: ĐỨC DŨNG (Hà Nội)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202306/mua-phuong-chay-b631074/