Mưa lũ chia cắt nhiều khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Do ảnh hưởng của hoàn lưu siêu bão số 4, thời điểm hiện tại, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vẫn còn gió giật và mưa vừa đến mưa to. Đáng chú ý, nhiều địa phương khu vực miền núi bị ngập lụt gây chia cắt cục bộ.

Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tại trên địa bàn các huyện miền núi Đakrông, Hướng Hóa, nước trên các con sông đang dâng cao, bình quân từ 0,5-1,5m so với mực nước bình thường, khiến một số ngầm tràn bị ngập lụt, gây chia cắt giao thông.

Ngập lụt gây chia cắt xã miền núi Vĩnh Ô.

Ngập lụt gây chia cắt xã miền núi Vĩnh Ô.

Theo ghi nhận của PV Báo CAND, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông, đoạn cầu Treo Đakrông đi Tà Rụt bị sạt lở tại 3 điểm, gồm km14, 15 và 17; cầu tràn km28 đi thôn Xi Pa, xã Tà Long bị ngập sâu gần 1m, gây chia cắt hoàn toàn.

Cầu tràn Nguồn Rào, Hướng Sơn (Hướng Hóa) chìm trong biển nước.

Cầu tràn Nguồn Rào, Hướng Sơn (Hướng Hóa) chìm trong biển nước.

Tại xã miền núi Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh, ông Trần Văn Tặng, Chủ tịch UBND xã cho biết, do mưa lớn, nước suối dâng cao đã cuốn trôi chiếc cầu tạm bằng sắt nối thôn Thúc và thôn Cây Tăm với khu vực trung tâm xã vào rạng sáng 28/9, khiến hơn 330 hộ dân với gần 1.400 nhân khẩu trên địa bàn bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.

Hiện, chính quyền cơ sở đang phối hợp các lực lượng chức năng tổ chức công tác khắc phục hậu quả bão lụt, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Tại tỉnh Kon Tum, mưa lớn gây ngập cầu, đường Hồ Chí Minh qua tỉnh đã bị ách tắc. Trưa 28/9, bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum cho biết, do ảnh hưởng của bão Noru nên cầu Đắk Long nằm trên đường Hồ Chí Minh (thuộc địa giới hành chính xã Đắk Môn, huyện Đắk Glei) đã bị ngập khoảng 1m, khiến giao thông bị ách tắc hoàn toàn. Tình trạng ngập xảy ra từ khoảng 7h30’ sáng nay.

Lực lượng chức năng túc trực 2 bên đầu cầu, không cho người và phương tiện qua lại.

Lực lượng chức năng túc trực 2 bên đầu cầu, không cho người và phương tiện qua lại.

Cũng theo bà Y Thanh, hiện các phương tiện từ tỉnh Kon Tum đi tỉnh Quảng Nam và ngược lại đều phải dừng lại 2 bên cầu. Để đảm bảo an toàn, địa phương đã thành lập 2 tổ công tác túc trực 2 bên cầu, không cho người dân, phương tiện qua lại. Đồng thời, huyện đã có phương án hỗ trợ ăn uống tạm thời cho người đi đường bị mắc kẹt do nước lũ dâng cao.

Trong khi đó, một lãnh đạo UBND xã Đắk Môn thông tin, nước suối Đắk Long vẫn đang dâng cao, nếu thời tiết còn mưa thì tình trạng ngập này sẽ còn tiếp tục kéo dài.

Mặc dù không gây thiệt hại về người, song bão số 4 cũng đã gây thiệt hại lớn về tài sản cho 2 tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi. Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam chiều 28/9 cho biết, thống kê sơ bộ, bão số 4 đã làm 72 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng (Phú Ninh 11 nhà, Hiệp Đức 25 nhà, Phước Sơn 13 nhà, Bắc Trà My 22 nhà, Tây Giang 1 nhà); 2 trường học bị tốc mái, hư hỏng tại huyện Quế Sơn; 7 trụ sở làm việc của Công an tỉnh và các địa phương bị thiệt hại.

Về nông nghiệp, có 212ha lúa rẫy bị thiệt hại (Phước Sơn 200ha, Hiệp Đức 11,5ha); 266ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại trên địa bàn huyện Hiệp Đức (keo, cao su).

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ sau bão số 4 tại TP Tam Kỳ.

Cán bộ Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Nam dọn dẹp cây xanh bị ngã đổ sau bão số 4 tại TP Tam Kỳ.

Công an xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn tham gia khắc phục hậu quả bão số 4.

Công an xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn tham gia khắc phục hậu quả bão số 4.

Tại âu thuyền thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, huyện Núi Thành đã có 1 tàu cá bị chìm; tại xã Tam Quang chìm 1 ghe cá; tại xã đảo Tam Hải, huyện Núi Thành chìm 2 tàu câu mực; tại âu thuyền Hồng Triều chìm 1 tàu lưới vây. Nhiều tuyến đường giao thông tại các huyện miền núi như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My,… bị hư hỏng nặng, giao thông đi lại khó khăn.

Hiện lũ trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang lên và sẽ đạt đỉnh ở mức 8.4m, trên mức báo động II 0.4m, sau đó xuống chậm. Trên sông Thu Bồn, lũ đạt đỉnh và xuống chậm; cụ thể tại Giao Thủy đạt đỉnh ở mức 7.2m, thấp hơn báo động II 0.3m, tại Câu Lâu đạt đỉnh ở mức 3m, ở mức báo động II; tại Hội An đạt đỉnh ở mức 1.65m, trên báo động II 0.15m. Lũ trên sông Tam Kỳ đạt đỉnh ở mức 1.9m, trên báo động I 0.2m.

Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 10h30 ngày 28/9, mặc dù không gây thiệt hại về người, song bão số 4 đã gây thiệt hại lớn về tài sản. Thống kê sơ bộ có 3 nhà ở bị sập đổ (Bình Sơn 1 nhà, Sơn Tây 2 nhà); 633 nhà bị tốc mái, chủ yếu hư hỏng nhẹ; 7 điểm trường học bị tốc mái, hư hỏng; 1 nhà công vụ Trạm Y tế xã Sơn Liên, huyện Sơn Tây bị tốc mái hoàn toàn.

Về sản xuất nông nghiệp có 172,5ha diện tích hoa màu, rau, 70ha hành tại huyện Lý Sơn bị hư hỏng;…

Thanh Bình - Chí Hào- Ngọc Thi

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/mua-lu-chia-cat-nhieu-khu-vuc-mien-trung-va-tay-nguyen-i669051/