Mưa lớn 2 ngày, nhiều khu dân cư ở miền Trung bị cô lập

Mưa lớn liên tục 2 ngày khiến đập tràn ở xã miền núi huyện Đakrông, Quảng Trị, ngập sâu, gây chia cắt, cô lập hơn 700 hộ dân.

 Đập tràn qua xã A Vao ngập sâu trong lũ. Ảnh: H.D.

Đập tràn qua xã A Vao ngập sâu trong lũ. Ảnh: H.D.

Mưa lớn liên tục trong 2 ngày khiến các đập tràn tại huyện Đakrông, Hướng Hóa (Quảng Trị) bị ngập sâu, gây chia cắt nhiều tuyến đường vào các xã. Sự việc khiến hàng trăm hộ dân gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại.

Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã A Vao (huyện Đakrông, Quảng Trị), cho biết mưa lớn kéo dài khiến các đập tràn qua xã ngập sâu 50 cm, chảy xiết gây chia cắt hơn 700 hộ dân.

"Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chốt chặn để ngăn người dân đi qua", ông Hùng nói.

 Đập tràn qua xã A Vao ngập sâu trong lũ. Ảnh: H.D.

Đập tràn qua xã A Vao ngập sâu trong lũ. Ảnh: H.D.

Ông Hồ Văn Hùng cho biết 700 hộ với 3.500 nhân khẩu bị cô lập sau khi đập tràn, tuyến đường vào xã bị chia cắt do nước sông dâng cao. Theo ông, chính quyền địa phương đã chuẩn bị thực phẩm, thuốc men... để phòng bị lũ chia cắt dài ngày.

Do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc, từ ngày 9-10/10, Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to với lượng từ 100-200 mm, có nơi cao gần 300 mm như ở khu vực hồ chứa nước Truồi, huyện Phú Lộc.

Tại huyện Phú Lộc, tuyến đường quốc lộ 1 qua xã Lộc Trì bị ngập sâu trên 50 cm kéo dài gần 200 m. Sự việc khiến nhiều phương tiện giao thông qua đoạn này gặp nhiều khó khăn.

Các tuyến đường thuộc 3 thôn (xã Lộc Trì) ven khu vực đầm phá gồm thôn Đông Lưu, Đông Hải, Lê Thiện bị ngập, người dân không thể đi lại được.

 Tuyến quốc lộ 1 qua Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong nước. Ảnh: V.T.

Tuyến quốc lộ 1 qua Thừa Thiên - Huế ngập sâu trong nước. Ảnh: V.T.

Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã lệnh điều chỉnh vận hành điều tiết hồ chứa thủy điện Hương Điền từ 7h30 sáng 10/10.

Theo đó, nhà điều hành thủy điện Hương Điền sẽ tăng lưu lượng xả nước qua tràn và tuabin với lưu lượng tăng dần từ 500-1.000 m3/giây. Việc điều chỉnh vận hành sẽ tùy theo lưu lượng thực tế về hồ. Thời gian bắt đầu tăng dần lưu lượng từ lúc 11h30.

Ngày 10/10, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, Quảng Nam, cho biết do mưa lớn trong 2 ngày 9 và 10/10, khu vực cầu Nước Oa đã ngập sâu gây chia cắt huyện Bắc Trà My và Nam Trà My.

"Chúng tôi đang theo dõi tình hình mưa lũ để ứng phó kịp thời. Địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm cho người dân nếu tình hình mưa lũ kéo dài gây chia cắt lâu ngày", ông Dũng nói.

Trong khi đó, tại vùng "rốn lũ" huyện Đại Lộc, nước lũ đã ngập sâu khoảng 1 m trên tuyến ĐT609 nối từ trung tâm huyện lên các xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Sơn. Công an xã Đại Lãnh đã bố trí lực lượng không cho người và phương tiện qua lại đoạn ngập sâu để đảm bảo an toàn.

 Mưa lớn gây ngập khu dân cư Mỹ Thạch Trung ở TP Tam Kỳ. Ảnh: Thanh Đức.

Mưa lớn gây ngập khu dân cư Mỹ Thạch Trung ở TP Tam Kỳ. Ảnh: Thanh Đức.

Tại xã Đại Hưng, huyện Đại Lộc, từ sáng 10/10, nước lũ lên nhanh đã gây cô lập, chia cắt nhiều khu dân cư trên địa bàn xã. Lực lượng Công an xã Đại Hưng tổ chức ứng trực, sẵn sàng hỗ trợ người dân vùng trũng thấp di dời đến nơi an toàn khi có yêu cầu.

Ông Phạm Quang Hiển, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, cho hay mưa lớn đã gây chia cắt xã với trung tâm huyện Đại Lộc. Chính quyền địa phương căng dây cấm người dân qua cầu, đường có nước ngập sâu.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam, do mưa lớn, nhiều tuyến quốc lộ ngập sâu gây ách tắc giao thông. Trong đó, quốc lộ 14B qua xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) ngập hơn 50 cm, quốc lộ 14H qua huyện Duy Xuyên bị ngập 50 cm... Các tuyến quốc lộ 1, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Hồ Chí Minh, đường Trường Sơn Đông vẫn lưu thông bình thường.

 Chính quyền xã Đại Hưng căng dây cấm phương tiện lưu thông qua khu vực nước lớn. Ảnh: H.Q.

Chính quyền xã Đại Hưng căng dây cấm phương tiện lưu thông qua khu vực nước lớn. Ảnh: H.Q.

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam cho biết trong 6 giờ qua (từ 22h ngày 9/10 - 4h ngày 10/10), các địa phương trong tỉnh đã có mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to nơi như: Giao Thủy 162 mm, đập Hà Thanh 158 mm, Câu Lâu 150 mm, Hội An 118 mm, Ái Nghĩa 120 mm… Dự báo những giờ tới, các địa phương trong tỉnh tiếp tục mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến mưa rất to.

UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình, diễn biến của mưa lũ, tình hình thời tiết nguy hiểm trên biển để kịp thời tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”.

Các huyện, thị, thành phố phải rà soát các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn, nơi dễ sạt lở đất, trên các sông, suối, hồ chứa nước; kiên quyết di dời, sơ tán người dân, phương tiện, tài sản tại những nơi nguy hiểm, có nguy cơ ảnh hưởng của ngập sâu, sạt lở, lũ quét.

Sở Giáo dục và Đào tạo, các địa phương và các trường chủ động quyết định cho học sinh, sinh viên, học viên nghỉ học tùy tình hình thực tế diễn biến của mưa lũ tại các địa phương.

Điền Quang - Thanh Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mua-lon-2-ngay-nhieu-khu-dan-cu-o-mien-trung-bi-co-lap-post1363760.html