Mùa hè trở thành phép thử sinh tồn khi sức nóng ngày càng khắc nghiệt

Những người làm việc ngoài trời, đặc biệt là những người trong ngành nông nghiệp và xây dựng, chỉ là một trong những nhóm đối tượng mà đối với họ mùa hè trở thành một thử thách sinh tồn.

Công nhân sửa chữa tuyến đường bị hư hại do nắng nóng tại Houston, Texas, Mỹ, ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân sửa chữa tuyến đường bị hư hại do nắng nóng tại Houston, Texas, Mỹ, ngày 27/6. Ảnh: AFP/TTXVN

Estela Martinez thường mặc một áo sơ mi bên trong và áo khoác mỏng để bảo vệ cơ thể khỏi cái nắng gay gắt khi ra đồng. Là một nhân viên nông trại, cô kiếm sống bằng cách dành cả ngày dưới cái nóng khắc nghiệt của Florida. Estela mang theo nhiều chai nước và núp dưới bóng râm máy kéo chạy chậm.

Nhưng gần đây, khi các kỷ lục về nhiệt độ khắc nghiệt chồng chất, Estela nói rằng cái nóng khiến công việc của cô ấy trở nên khó chịu hơn. Hơn 50 mức nhiệt độ cao kỷ lục đã được thiết lập trên khắp Florida kể từ đầu tháng 6 và độ ẩm cao cũng khiến nắng nóng trở nên nguy hiểm hơn.

“Sức nóng rất mạnh và tôi dễ đổ mồ hôi hơn rất nhiều. Tôi chưa bao giờ cảm thấy nóng như thế này sau rất nhiều năm làm việc trên cánh đồng”, Estela chia sẻ. Mỗi ngày làm việc là một bài tập về sức bền đối với nữ nông dân này.

Những người làm việc ngoài trời, đặc biệt là những người trong ngành nông nghiệp và xây dựng, chỉ là một trong những nhóm mà đối với họ mùa hè trở thành một thử thách sinh tồn. Mùa hè cũng ngày càng nguy hiểm hơn đối với những người vô gia cư, cộng đồng da màu, gia đình có thu nhập thấp và người già.

Theo dữ liệu thống kê của Dịch vụ thời tiết quốc gia Mỹ, nhiệt độ cướp đi sinh mạng nhiều người Mỹ hơn bất kỳ thảm họa nào khác liên quan đến thời tiết. Biến đổi khí hậu đang khiến những sự kiện cực đoan này trở nên dữ dội và thường xuyên hơn.

Cảnh báo về mức nhiệt nguy hiểm đã được ban hành ở Texas và Arizona trong hơn 30 ngày liên tiếp. Hàng chục kỷ lục về nhiệt sẽ thiết lập vào cuối tuần này tại nhiều khu vực trải dài từ Rio Grande đến Tây Bắc Thái Bình Dương.

Thung lũng Trung tâm California phải đối mặt với đợt nắng nóng lịch sử với nhiệt độ ở một số địa điểm được dự báo vượt quá 48,8 độ C.

Tại Phoenix, tháng 7 chứng kiến khởi đầu nóng nhất trong lịch sử. Cho đến nay, nhiệt độ mỗi ngày đều trên 43,3 độ C và dự báo sẽ duy trì nhiệt độ như vậy trong tuần tới, có khả năng thiết lập khoảng thời gian nhiệt độ kéo dài nhất cao hơn 43 độ C trong lịch sử của thành phố.

Theo một báo cáo y tế của Quận Maricopa, hơn 400 người đã thiệt mạng tại trung tâm Phoenix vào mùa hè năm ngoái do các tình trạng sức khỏe liên quan đến nắng nóng, với những người vô gia cư chiếm tỷ lệ lớn nhất trong số người chết. Hầu hết những trường hợp tử vong xảy ra ngoài trời.

David Hondula, một quan chức cấp cao phụ trách về nắng nóng của Phoenix, cho biết đó là lý do tại sao ông ấy áp dụng một cách tiếp cận khác để giữ cho cư dân — đặc biệt là những người vô gia cư — mát mẻ, khỏe mạnh và an toàn, khi thành phố tiếp tục đối mặt với đợt nắng nóng có khả năng phá kỷ lục.

Thay vì các trung tâm làm mát, thành phố hiện đang gọi các cơ sở này là “trung tâm nghỉ ngơi” để người dân hiểu rõ rằng họ được phép ngủ, nghỉ ngơi và tìm nơi trú ẩn trong thời tiết nắng nóng.

Kristina Dahl, nhà khoa học thuộc Liên minh các nhà khoa học khí hậu (USC), cho biết những người làm việc ngoài trời như Estela có nguy cơ mắc bệnh hoặc tử vong cao hơn nhiều vì nhiệt độ quá cao.

Chuyên gia Dahl nói với hãng tin CNN: “Khi nói đến việc bảo vệ sức khỏe của những người làm việc ngoài trời trong thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, thực sự chỉ có ba điều cơ bản - nước, bóng râm và nghỉ ngơi. Tuy nhiên, nghỉ ngơi để giữ an toàn trong cái nóng có thể dẫn đến mất thu nhập. Chúng ta cần đảm bảo rằng chúng ta đang bảo vệ tiền lương của họ để họ không phải đánh đổi thu nhập với sức khỏe”.

Pablo Ortiz, nhà khoa học cấp cao về nước và khí hậu tại UCS, cho hay hầu hết những người làm nông đều sống trong các gia đình có thu nhập thấp. Sau khi trải qua những giờ dài gian khổ dưới ánh nắng mặt trời, họ trở về nhà và không đủ khả năng bật điều hòa. Điều đó đặt ra một nguy cơ sức khỏe chết người khác khi nhiệt độ ban đêm trở nên tồi tệ hơn.

Ông Ortiz chỉ ra: “Biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ ban đêm cũng tăng lên. Vì vậy, có nhiều hôm nắng nóng không giảm được bao nhiêu, không có điều hòa thì họ cũng không nghỉ ngơi. Sau đó, họ lại phảiđi làm sớm hôm sau”.

Vivek Shandas, giáo sư về thích ứng với khí hậu và chính sách đô thị tại Đại học bang Portland, cho biết chủng tộc cũng là một chỉ báo mạnh mẽ về những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ nhiệt độ khắc nghiệt. Một nghiên cứu gần đây cho thấy các khu dân cư và cộng đồng có thu nhập thấp có nhiều người da màu, gốc Tây Ban Nha và châu Á phải chịu nhiệt độ cao hơn đáng kể so với các khu dân cư giàu có hơn và chủ yếu là người da trắng.

Giới chuyên gia nhấn mạnh các thành phố phải bảo vệ các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất bằng cách đẩy nhanh việc trồng thêm nhiều cây xanh và không gian xanh, không chỉ cung cấp bóng mát mà còn ngăn nhiệt độ tăng quá cao vào ban ngày. Bên cạnh đó, các địa phương cũng nên cung cấp các thiết bị làm mát và phân phối các thiết bị điều hòa không khí một cách bền vững và giá cả phải chăng. Trướcmột kịch bản nhiệt độ toàn cầu tiếp tục bị phá vỡ, các giải pháp cần phải được triển khai nhanh chóng.

Bảo Hà/Báo Tin tức (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/mua-he-tro-thanh-phep-thu-sinh-ton-khi-suc-nong-ngay-cang-khac-nghiet-20230714061005408.htm