Mùa đi đón cơn mưa

Những tiếng sấm ùng oàng, những hạt mưa lách tách về đêm báo hiệu mùa mưa đã đến và nông dân lại tất bật chuẩn bị vào mùa làm đất cấy lúa, cả thiên nhiên lẫn con người như hòa cùng một nhịp, chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mùa vụ mới.

Tưởng như thiên nhiên đã định, độ tháng Tư, đất trời vùng cao sẽ đón những cơn mưa rào. Khi cơn mưa ào ào đổ xuống, những khe cạn được “hồi sinh”, các mạch ngầm được làm đầy tuôn ra những dòng nước mát lạnh, theo dòng chảy của những mùa cũ đổ về những tràn ruộng khắp bản làng. Ấy cũng là lúc mùa sản xuất bắt đầu, người dân bắt tay vào cày, cấy.

Người dân Sa Pa mỗi năm chỉ cấy một vụ lúa vì ở vùng cao mùa đông là khô hạn, thiếu nước; bởi thế, hằng năm họ đều ngóng đợi những cơn mưa rào đầu mùa để bắt đầu vào vụ. Trước khi cơn mưa đầu tiên rơi xuống, người dân đã vỡ đất, làm bờ, khơi thông sẵn những con lạch dẫn nước để đợi mưa về.

Nông dân Sa Pa đợi mưa xuống để bắt tay vào sản xuất vụ lúa duy nhất trong năm.

Thung lũng Mường Hoa nằm “kẹp” giữa hai dải núi lớn, những tràn ruộng bậc thang bám vào sườn của Hoàng Liên Sơn hùng vĩ mà lên cao dần. Để gieo cấy, những mảnh ruộng trong thung lũng này cần dẫn nước từ những khe nằm rải rác bên các sườn núi. Ruộng càng xa nguồn thì càng khó lấy nước. Mùa mưa đến gần, người dân trong thung lũng Mường Hoa bắt đầu công việc cày lật những mảnh ruộng để phơi cho đất khô nẻ chân chim. Theo tính toán, độ hai tuần nữa, những cơn mưa rào sẽ đổ xuống, các khe nước “dư dả” hơn, đủ nước đổ đầy các mảnh ruộng thì người dân sẽ lấy nước về ruộng và bắt đầu bừa cho đất tơi ra và cấy những nhánh mạ non xuống.

Nông dân xã Tả Van tu sửa các công trình thủy lợi trước mùa mưa đến.

Cánh đồng Tả Van Giáy, xã Tả Van (thị xã Sa Pa) nằm giữa lòng thung lũng Mường Hoa. Biết mùa mưa đang tới gần, người dân nơi đây đã sớm bắt tay vào việc nạo vét, sửa chữa, kiên cố lại những công trình thủy lợi để chờ những cơn mưa. Thông thường, trên mỗi tràn ruộng sẽ có vài chục hộ dân có đất sản xuất được hưởng lợi từ một hệ thống dẫn nước chung. Bởi vậy, chẳng ai bảo ai, mỗi hộ dân một người góp công để sửa công trình chung này trước mỗi vụ sản xuất.

Cứ tầm đầu tháng Tư là chúng tôi bắt đầu làm ruộng. Việc đầu tiên là tu sửa các mương dẫn nước, làm sao để tránh việc thất thoát, đảm bảo nước chảy thông suốt từ đầu nguồn tới những mảnh ruộng cuối cùng của hệ thống tưới này. Giờ chúng tôi đã đắp xong những con mương rồi, chỉ đợi mưa xuống thôi. Khoảng một hai tuần nữa là người dân bắt đầu gieo mạ, trong tháng Năm, giữa mùa mưa, ruộng nào cũng lấy đủ nước là vào vụ cấy”.

Ông Nông Văn Bình, xã Tả Van (thị xã Sa Pa)

Nguồn nước hạn chế, địa hình dốc, bị chia cắt chính là những yếu tố bất lợi cho sản xuất lúa ở vùng cao. Để đảm bảo lương thực, những mảnh đất dốc, nhiều đá, người dân thường trồng những cây trồng cạn như: ngô, đậu tương, lạc… Những diện tích bằng phẳng hơn, gần nguồn nước sẽ được đắp lại thành từng tràn ruộng bậc thang để cấy lúa nước. Thuận theo tự nhiên, người dân vùng cao nắm rõ từng quy luật của mùa vụ để có thể thích ứng, chung sống thuận hòa giữa núi rừng vùng cao có điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bởi sản xuất phụ thuộc phần lớn vào điều kiện tự nhiên, nên cứ đến cuối xuân, đầu hạ, người dân lại chuẩn bị đợi những cơn mưa xuống để hối hả cùng bước vào những vòng quay của thời vụ, những ngóng đợi quen thuộc của mùa màng.

Không chỉ những thửa ruộng bậc thang ở vùng cao mong mùa mưa đến sớm mà ngay cả những chân ruộng vùng thấp, lúa đã cấy xong, bén rễ cũng đang ngóng đợi những cơn mưa đầu hạ. Người dân vùng thấp cấy lúa xuân từ tháng Giêng, Hai, những cơn mưa rào với tiếng sấm đùng đoàng, với “chớp đông nhay nháy” là thời điểm gọi những khóm lúa vươn cao, trỗ đòng đòng.

Trên cánh đồng thôn Trung Đô, xã Bảo Nhai (Bắc Hà), những khóm lúa đã cấy hơn một tháng đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ. Tranh thủ giờ trưa hoặc cuối buổi chiều, người dân ra thăm đồng, theo dõi lượng nước và tình hình sâu bệnh cho lúa. Vừa đắp lại lối thoát nước trên mảnh ruộng đã bắt đầu cạn, anh Hoàng Văn Đức, giải thích: “Để lúa tốt thì tùy từng thời điểm cần tháo cạn hoặc để nước ngập phần gốc. Mấy hôm trước, tôi tháo cạn bớt nước trên ruộng, để lúa “khô chân” một thời gian ngắn. Xem dự báo thời tiết mấy hôm tới có mưa, tôi đắp lại bờ để chuẩn bị đón nước mưa về lại ruộng. Lấy nước lần tới này lúa sẽ bắt đầu vào “thì con gái”. Giai đoạn này quan trọng lắm, quyết định năng suất của cả vụ chiêm”.

Tại Lào Cai, lượng mưa phân bố trong năm không đều, thường tập trung chủ yếu từ tháng Tư đến tháng Mười hằng năm. Thế nên, đây cũng là mùa sản xuất chính của người dân vùng cao vì trong sản xuất nông nghiệp thì “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Tiết trời ấm dần, lượng mưa dồi dào hơn khi bắt đầu vào đầu hạ. Đây cũng là thời điểm giúp đảm bảo nguồn nước tưới cho người dân sản xuất. Mùa mưa sắp tới, nông dân Lào Cai đã chuẩn bị sẵn sàng cho vụ sản xuất, chờ đón những cơn mưa.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mua-di-don-con-mua-post367343.html