Mùa dâu tây ở Cò Nòi

Mùa này, những vườn dâu tây Ichi bắt đầu chín rộ. Khắp nẻo rừng Cò Nòi, huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) sáng rực màu xanh của lá, màu đỏ của dâu bắt đầu vào vụ chín. Qua 9 năm được trồng trên vùng đất mới, những cây dâu có nguồn gốc Nhật Bản đã thành 'cây bản địa', trở thành cây xóa đói giảm nghèo chủ lực của vùng đất nơi đây.

Theo ông Nguyễn Văn Thêm, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng bản Bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, toàn bản hiện có khoảng hơn 90ha dâu tây. Hiện nay, cây dâu đang là cây chủ lực chính ở bản, đã góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương. Trước năm 2017, người dân ở đây chủ yếu trồng mía, chăn nuôi heo, trồng nhãn, giá cả bấp bênh nên gặp nhiều khó khăn.

 "Rừng" dâu tây ở bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỖ TRUNG

"Rừng" dâu tây ở bản Tân Thảo, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Từ năm 2018, khi giống dâu của Nhật Bản được đưa về bản, xã, kinh tế bà con đã dần ổn định. “Phải thừa nhận, cây dâu tây hợp với khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây. 2-3 năm gần đây, giống cây này càng phát triển mạnh. Giờ, mỗi cân dâu tây vài trăm ngàn, thậm chí có thời điểm xuống giá vài chục ngàn, nhưng người dân vẫn có lãi”, ông Thêm chia sẻ.

 Quang cảnh những vườn dâu tây. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quang cảnh những vườn dâu tây. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ông Nguyễn Anh Thu, Chủ tịch UBND xã Cò Nòi cho biết, kể từ khi cây dâu tây xuất hiện ở Cò Nòi cũng là lúc bà con bỏ tập quán canh tác mạnh nhà nào biết nhà nấy, để đoàn kết tập trung trong Hợp tác xã Dâu tây Ichi farm.

 Từ những năm 2017-2018, cây dâu tây được trồng ở xã Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Từ những năm 2017-2018, cây dâu tây được trồng ở xã Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cũng theo lãnh đạo xã Cò Nòi, tính chung, toàn huyện Mai Sơn, diện tích trồng dâu tây ước khoảng 500ha, riêng bản Tân Thảo, diện tích gần 100ha, dâu tây được bà con trồng nhiều là giống cây Hana của Nhật Bản, giống này cho chất lượng vượt trội so với các cây dâu thông thường. Khi chín, có vị ngọt đậm và thơm ngon không khác giống dâu bản địa.

 Cây dâu tây dần trở thành cây trồng chủ lực của xã Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cây dâu tây dần trở thành cây trồng chủ lực của xã Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Sau mỗi năm thu hoạch, tính lợi nhuận mỗi hộ lãi được 100-300 triệu đồng. Đa phần sản phẩm dâu tây được định hướng trồng theo tiêu chuẩn Vietgap được kiểm soát từ giống, nguồn đất, nguồn nước.

 Những vườn dâu tây thẳng tắp tới vô tận. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Những vườn dâu tây thẳng tắp tới vô tận. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Quả dâu tây Cò Nòi sau nhiều năm có thương hiệu hiện đã và đang được mở rộng ra khỏi vùng trồng và bán tới tay rất nhiều khách hàng ở 2 địa phương lớn là Hà Nội và TPHCM.

 Từ nay tới Tết Nguyên đán, những vườn dâu tây này được tỉa những quả chín trước để dịp tết các quả khác được chín đều hơn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Từ nay tới Tết Nguyên đán, những vườn dâu tây này được tỉa những quả chín trước để dịp tết các quả khác được chín đều hơn. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Chị Ngọc Mai, Chủ tịch Hợp tác xã Dâu tây Ichi farm cho biết, mùa này, mỗi vườn diện tích khoảng 5ha sẽ cho sản lượng khoảng 150 tấn dâu tây. Khoảng 7 năm trở lại đây, việc mở rộng diện tích dâu tây đã tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

 Vườn dâu tây trải khắp các mảnh đất ở Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Vườn dâu tây trải khắp các mảnh đất ở Cò Nòi. Ảnh: ĐỖ TRUNG

“Với giống dâu Hana từ Nhật, chất lượng vượt trội so với các loại khác, khi quả dâu đến tay khách hàng luôn nhận được những đánh giá tốt. Dâu Hana không bị chua, có độ ngọt hậu hĩnh. Giống dâu này có thể vận chuyển đi xa vì quả khá khỏe, để được dài ngày mà không bị trầy xước”, chị Ngọc Mai cho biết.

Theo chị Mai, do sản lượng năm nay gấp đôi năm trước nên hợp tác xã đang tính toán để phát triển mở rộng thị trường ra các tỉnh, thậm chí vận chuyển bằng đường hàng không về vào thị trường miền Nam.

>>> Một số hình ảnh thu hoạch dâu tây ở Cò Nòi:

ĐỖ TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/mua-dau-tay-o-co-noi-post721677.html