Mùa con ong đi lấy mật

Theo lẽ thường, mùa nào cũng thế, cứ có hoa là ong sẽ đi lấy mật. Thế nhưng, vì sao người ta vẫn thường mặc định một cột mốc vô hình rằng: Tháng Ba - mùa con ong đi lấy mật?

Niềm vui mùa mật ngọt.

Niềm vui mùa mật ngọt.

Đấy là một câu trong bài hát “Tháng Ba Tây Nguyên” của nhạc sỹ Văn Thắng, phổ thơ Thân Như Thơ. Đối với vùng cao Tây Bắc, có thể bài hát này không quá nổi tiếng nhưng câu hát “Tháng Ba - mùa con ong đi lấy mật” gần như đã trở thành mặc định không chỉ với người nuôi ong, mà còn với tất cả nông dân quanh năm ngóng đợi mùa màng. Với nông dân, con ong là bạn. Ong cần mẫn lấy mật, vô tình thụ phấn cho cây trồng, góp công tạo nên mùa màng bội thu. Ong là thiên địch, giúp người dân tiêu diệt nhiều loại sâu hại. Vào mùa xuân, khi tiết trời ấm dần lên, trăm hoa đua nở, rộ nhất là vào độ tháng Ba. Vậy quả thực, nói tháng Ba là mùa để ong đi lấy mật là quan điểm không mấy ai phủ nhận.

Đầu tháng Ba, nắng ấm gọi cây cối thức giấc sau một mùa đông dài, trên khắp các triền đồi, hoa rừng chen nhau nở, khắp các vườn vải, vườn nhãn, hoa cũng vào mùa. Chúng tôi ghé trại ong của anh Cao Văn Chiến - một trong những người nuôi ong quy mô lớn nhất nhì xã Xuân Quang (Bảo Thắng) nói riêng và trong tỉnh nói chung. Anh Chiến khẳng định chắc nịch với chúng tôi: Mùa nào ong cũng đi lấy mật, cứ hoa nở là ong sẽ đi lấy mật. Thế nhưng, mùa này ong lấy được nhiều mật nhất và mật ong mùa này cũng là ngon nhất, nên ai cũng cho rằng, tháng Ba là mùa ong đi lấy mật. Từ tháng Ba đến tháng Sáu, ong cho quay mật khoảng 8 đợt, sau đó cho ong nghỉ, hạn chế khai thác để tách đàn, nhân giống. Nhà nông coi ong là bạn, còn ong coi chúng ta là “ngân hàng” để trữ mật, ong sẽ gắn bó khi chúng ta đảm bảo chúng luôn đủ mật để nuôi ong non vào mùa chúng không lấy được mật. Để đảm bảo được điều đó, người nuôi ong phải giữ đủ lượng mật cho ong khi ong cần. Tuy nhiên, để có được năng suất mật lớn, người nuôi ong sẽ di chuyển đàn ong đến nơi có nguồn hoa mới để chúng có thể tiếp tục khai thác mật quanh năm. Nếu không có mật để nuôi ong non, ong sẽ bay đi.

Anh Chiến mặc bộ đồ bảo hộ màu trắng và cẩn thận lý giải tập tính của ong, bản chất ong là mù màu, nếu mặc đồ màu trắng, ong sẽ ít đốt, những người mặc đồ màu đen hoặc tối màu dễ bị ong tấn công. Anh cũng không quên dặn chúng tôi đi lại nhẹ nhàng, bởi ong sẽ tấn công tập trung một mục tiêu khi chúng cảm thấy bị đe dọa, nếu thực hiện mọi thao tác nhẹ nhàng, kể cả việc lấy mật, rất ít trường hợp bị ong đốt.

Anh Chiến hiện làm chủ 5 trại nuôi ong với tổng gần 1.000 đàn ong cả nội lẫn ngoại. Mỗi mùa, anh tìm nơi hợp lý để đặt đõ ong, sao cho chúng có thể kiếm được nhiều mật nhất có thể. Con đường để chinh phục con ong của anh Chiến cũng trải qua không ít gian nan. Với hơn 20 năm làm nghề nuôi ong, anh Chiến “hiểu con ong như hiểu chính mình” để từ đó có thể từng giữ được ong, tách đàn, nuôi ong lấy mật và bán giống, bán vật tư nghề ong. Tâm huyết với nghề, sản phẩm mật ong của anh Chiến và một số hộ ở xã Xuân Quang đã được xây dựng thương hiệu, trở thành một trong những sản phẩm OCOP của tỉnh.

Anh Phạm Thanh Tình kiểm tra đàn ong của gia đình.

Anh Phạm Thanh Tình kiểm tra đàn ong của gia đình.

Tại Lào Cai, nuôi ong không phải nghề mới, nhưng người nuôi ong quy mô trong tỉnh thì chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Anh Phạm Thanh Tình, xã Bảo Hà (Bảo Yên) kế thừa nghề nuôi ong từ bố - cựu chiến binh Phạm Thanh Xuân, người khai sinh thương hiệu mật ong Thanh Xuân nổi tiếng của Lào Cai. Anh Tình làm quen với ong từ nhỏ, dành cả tuổi thanh xuân để cùng đàn ong rong ruổi khắp mọi miền đất nước. Cuối tháng Hai, anh chất những đõ ong của mình lên chiếc xe tải cỡ lớn, di chuyển lên huyện Bắc Hà để tìm chỗ dựng trại cho ong đi lấy mật. Sau khi tìm được vị trí đặt ong, những con ong “trinh sát” sẽ bắt đầu làm nhiệm vụ, đi tìm nguồn hoa và “nghiên cứu” địa hình. Mùa này, đàn ong của anh Tình sẽ lấy mật hoa rừng, sau khi khai thác xong sẽ được chuyển sang vùng hoa nhãn để khai thác mật nhãn. Mỗi mùa hoa, ong cho một loại mật riêng. Anh Tình là người khá dí dỏm và hơi nghệ sỹ. Anh nói nửa đùa nửa thật: Ngày nào ong không đốt là nhớ lắm, thấy khó chịu, phải lục tục đi mở nắp đàn ong, trêu cho đốt “đủ liều”, nó không đốt lại thấy lo. Ong mà làm sao thì chẳng biết “chơi” với ai!

Trên những chuyến chuyển ong đến vùng hoa mới, người nuôi ong ăn cùng ong, ngủ cùng ong, bầu bạn cùng ong. Thế nên, chia sẻ của anh Tình là dễ hiểu, bởi nếu đàn ong có dấu hiệu lạ, người nuôi ong lại lo lắng, mất ăn mất ngủ. Ví như ngày “xấu trời”, ong lấy mật ở những cây hoa có phun thuốc bảo vệ thực vật khiến ong bị chết hoặc gặp năm thời tiết thất thường, nguồn hoa ít, ong không lấy đủ mật… Những nỗi lo của người nuôi ong cũng cứ quẩn quanh như thế, chỉ mong mưa gió thuận hòa, con ong cần mẫn lấy mật, cây trái đậu quả sum suê.

Khí hậu ở miền Bắc chia 4 mùa rõ rệt và mùa xuân là mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, hoa lá tốt tươi, thời tiết ấm áp và cũng là mùa ong đi gom mật ngọt. Để gọi đàn ong về thụ phấn cho hoa, những nông trại trồng cây ăn quả cũng chủ động không phun thuốc bảo vệ thực vật vào mùa hoa nở, góp phần bảo vệ đàn ong cũng như tăng hiệu quả thụ phấn của khu vườn. Mỗi mùa hoa tàn, khi đàn ong rời đi, chủ những đàn ong để lại cho chủ vườn những chai mật ngon để tỏ lòng cảm kích, rồi chủ vườn, chủ ong lại hẹn gặp lại vào mùa hoa của những tháng Ba sau. Tháng Ba năm đó, nếu thời tiết thuận lợi, ong gom được nhiều mật ngọt cho người nuôi ong cũng là những dấu hiệu lạc quan cho những nhà nông trông đợi mùa màng bội thu vào mùa hè, mùa thu sắp tới. Thế rồi, cứ sang xuân hoa nở, người ta lại ngân lên câu hát: “Tháng Ba - mùa con ong đi lấy mật”, rồi con ong, nông dân lại cùng nhau cần mẫn gom mật ngọt cho đời…

Thúy Phượng

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/van-hoa-van-nghe/mua-con-ong-di-lay-mat-z8n20200331161514896.htm