Mùa bình thường

Ẩm thực Việt Nam giờ đây, tại nơi này không chỉ còn gói gọn mỗi phở và nem. Việc mua cho được một suất ăn đậm chất Việt, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết rất có ý nghĩa đối với người Việt...

1. Chị chặt gà bằng một con dao cùn.

“Cộp, cộp, cộp”

Từng nhát dao bổ xuống chắc nịch, dùng lực để bù cho độ sắc. Những miếng gà luộc mọng nước với lớp da vàng ươm, thơm phức, căng bóng nhờ bôi mỡ, trộn với nghệ tươi giã nhỏ bằng cái “panh xô” tết lại từ đầu các ngọn hành, xếp ngăn nắp trên một chiếc dĩa sứ trắng ngà, hoa văn gợi một mùa sum họp ấm áp.

Một góc thành phố New York, Mỹ - Ảnh: K.T

Căn bếp bé xíu trải đầy những tờ New York Times đã cũ. Thời gian ghi nơi tờ báo đã ngưng lại, xa lắc xa lơ tự bao giờ. Trên cái bếp điện yếu ớt là một nồi nước dùng to đùng đang sôi liu riu. Măng khô đã luộc qua nhiều bận, tước từng mảnh mong manh như sợi chỉ.

Từng dảnh ngò cắt nhỏ để sẵn bên rổ miến dong đã ngâm nở, chờ ráo nước. Chị đuổi tất thảy chúng tôi ra khỏi bếp. Cả gia chủ cũng chỉ dám thập thò đợi lệnh là hí hửng nhào vô bưng cỗ bàn chuẩn bị sẵn ra bày biện ở phòng khách.

Bên ngoài gió thốc từng cơn. Sáng Thứ 7 mùa đông lạnh lẽo ở khu Upper West Side của quận Manhattan, sinh viên Trường Columbia chắc vẫn còn ngủ nướng sau một tuần vất vả.

Một ngày không phải Tết - ở Việt Nam thì chưa đến, ở Mỹ lại càng không.

Có chút nhộn nhịp, chộn rộn ở phố Tàu thôi, tận đẩu tận đâu. Ấy thế mà căn hộ nhỏ đã ấm sực, thơm nức mùi cỗ Việt.

“Ăn lấy ngày”, chủ nhà cười xòa giải thích việc bỗng dưng triệu tập “năm trăm anh em” ở rải rác khắp New York vào một ngày cuối tuần không thể bình thường hơn.

Chị gái nghỉ đông nên tranh thủ bay từ San Francisco sang bờ Đông thăm thú. Bạn bè ở New York toàn người Hà Nội hoặc ở miền Bắc đã lâu nên càng được dịp trổ tài nấu những món quen thuộc: nem rán, thịt đông, canh bóng thả, su hào, cà rốt tỉa hoa rồi xào cùng dầu hào, nấm hương thơm nhức mũi.

Một con cá mú to thật to đã được tẩm ướp kỹ càng, đặt vào một cái liễn lớn, rải đầy thìa là, cà chua, hành tây xung quanh.

Tôi, một cư dân đến từ Quảng Trị không có gì để góp, chỉ cắp nách một hộp dưa chua tự muối với vài dảnh tỏi, bắt tàu lặn lội từ East Village lên để bỏ vào món cá um chua, ấy vậy mà lại được khen tới tấp.

Tác giả bài báo tại New York, Mỹ - Ảnh: K.T

“Chẳng nhớ lần cuối được ăn dưa chua là bao giờ nữa. Giòn tan chưa này,” người chị học ở miền Trung Tây nước Mỹ ra chiều cảm thán. Ở chỗ chị, đi chợ châu Á thực là khó. Tôi được thể mở điện thoại ra khoe công thức muối dưa “danh bất hư truyền” mà mẹ tôi truyền lại, cả bí kíp chọn thịt ngon, cá tươi đành đạch. “Đơn giản thôi, cứ tới chợ là bật messenger lên gọi mẹ, mẹ chỉ món nào là mua món ấy. Về đến nhà, lại bật messenger lên, làm trình tự như mẹ hướng dẫn, thế là có ngay “món ngon nhớ lâu”, đảm bảo chuẩn không cần chỉnh,” tôi phấn khích.

Cả bọn gật gù rồi lặng đi một lúc lâu - một phần vì nhớ nhà, một phần vì thương mẹ giữa đêm hôm bị dựng dậy chỉ để hỗ trợ cách thức ủ món muối dưa chuẩn vị Quảng Trị cho đứa con lơ ngơ ở bên kia bán cầu.

Mọi người ngồi quây bên mâm cỗ dã chiến. Cái bếp điện mini vẫn kêu rè rè ở bên để giữ nóng cho món cá um dưa nồng nàn mùi thân thuộc. Nếu là ở quê, giờ này chắc đã phát ngấy với thịt thà từ những buổi tiệc tất niên nhà này sang nhà khác liên tu bất tận. Nhưng ở nơi đây, chỉ thoảng qua mùi cá um dưa lan man trong căn bếp nhỏ, tưởng như một sự ngoái vọng của ký ức xưa cũ.

Khi cả lũ đã no kềnh và chuẩn bị dừng đũa, người chị ngăn lại rồi lật đật chạy vội vào bếp bưng ra nồi miến nấu măng trộn lẫn lòng gà nghi ngút khói.

“Ăn tí miến cho nhẹ bụng”, chị bảo rồi thoăn thoắt múc vào những cái tô lô xô mỗi cái một phách, chắc chủ nhà đã chịu khó “huy động” được ở đâu đó về trong suốt hai năm học ngắn ngủi nơi xứ người.

Chúng tôi lắc đầu không hiểu được cái logic đã ăn no rồi lại nên ăn thêm cho nhẹ bụng, dù trong lòng chợt thấy ấm áp vô ngần. Ấm áp bởi không chỉ vì không khí sum vầy và đồ ăn ngon, mà còn cảm giác như được bảo bọc bởi một người mà lời nói ra thân thuộc như mẹ mình.

2. “Giúp em giữ bí mật, lên lấy đồ một mình thôi nhé!”.

Tin nhắn đến từ người bạn thân hồi học phổ thông của bạn cùng nhà. Cậu chàng muốn tạo bất ngờ cho người bạn duy nhất còn ở lại Mỹ sau COVID-19 bằng cách thức đêm canh cho bằng được giờ mở bán suất quà Tết của nhà hàng Việt Nam mới nổi.

Những món ăn, thức tráng miệng quen thuộc như bún bò, bún thịt nướng, bánh khoái, bún đậu mắm tôm, bánh bò hay bánh rán lúc lắc đang dần chiếm được sự khao khát khám phá của những thực khách sành sỏi nơi thành phố lớn nhất nhì nước Mỹ.

Món ăn ngày Tết của sinh viên người Việt học tập ở New York, Mỹ - Ảnh: K.T

Ẩm thực Việt Nam giờ đây, tại nơi này không chỉ còn gói gọn mỗi phở và nem. Việc mua cho được một suất ăn đậm chất Việt, đặc biệt là trong những dịp lễ, Tết rất có ý nghĩa đối với người Việt. Điều thú vị là ngày càng phải chứng kiến sự “chen ngang” khốc liệt khi xếp hàng để được thưởng thức ẩm thực Việt đến từ những người bạn ở các quốc gia khác. Chỉ 15 phút sau khi mở bán, các đơn hàng đã được đặt hết. Và sau đó là một tuần chờ đợi đằng đẵng để nhận hàng.

Nỗi hồi hộp đã khiến tôi phải buột miệng tiết lộ kế hoạch với cô bạn cùng nhà và thế là sau trận bão tuyết duy nhất của mùa đông, trong cái lạnh âm 10 độ C, hai chị em bắt tàu lên mạn phía Bắc của thành phố, hí hửng đi nhận món quà.

Nhà hàng nhỏ nhắn và trang trí dễ thương, nằm ngay mặt phố lớn. Thực khách thưởng thức tại quán đủ màu da, sắc tộc, riêng hàng dài đứng chờ nhận túi đồ Tết toàn người Việt Nam.

Người ta để tất cả thức quà trong một cái hộp đan bằng nứa, kẹp một tờ giấy đỏ ghi thực đơn kèm chú giải tiếng Anh. Riêng cặp bánh chưng to - món chủ công của ẩm thực Việt mỗi độ Tết đến, xuân về - vì quá khổ nên chúng tôi phải xách tay, đung đưa như một niềm kiêu hãnh.

Chúng tôi về nhà, mở hết đồ ăn ra bày lên bàn chụp ảnh để cảm ơn người bạn phương xa rất tinh ý và chịu khó. Bữa tất niên đầm ấm và thịnh soạn với đặc sản từ cả ba miền: thịt nấu đông, thịt kho trứng, mắm tôm chua, củ kiệu dưa hành, xôi gấc, nem chua, chả giò và bánh bột lọc Quảng Trị nữa.

Sáng mồng Một, tôi dậy sớm gỡ bánh chưng ra chiên với dầu ăn như người ta vẫn dạy trên mạng. Người bạn cùng nhà ngó vào, có vẻ ngờ vực trước cái chảo xôn xao những nếp, đậu và thịt.

“Trust the progress,” tôi bảo bạn.

“Tin vào quá trình đi” - đấy là câu cửa miệng của giới trẻ New York, nôm na cũng như “vạn sự khởi đầu nan” ở mình vậy đó. Thật là một câu hợp lý để vỗ về nhau ngày đầu năm mới.

3. Tôi mặc lên người chiếc áo dài cách tân cũ bạn tặng bên ngoài bộ đồ giữ nhiệt, quàng chiếc khăn lông to sụ.

“Thế nào, không tệ chứ hả?”- tôi hỏi cô bạn cùng nhà.

“Rất xinh”, bạn cười xởi lởi và bấm máy liên tục khi tôi tạo dáng bên cạnh cái máy in để kịp gửi về nhà báo cáo với ba mẹ. Ngoài trời lạnh thôi rồi nhưng có nắng và hanh. Sau trận bão, tuyết tan ra, nhớp nháp và chảy thành dòng xuống ống cống, róc rách như những con suối nhỏ.

Tôi đi bộ đến trường. Bộ áo dài như một bí mật ẩn dưới lớp áo choàng chấm đất.

Buổi trưa yên tĩnh ở East Village, cả khu phố vắng vẻ. Có tiếng lọc cọc kéo làn đi chợ của một bà cụ già, bóng đổ xuống đường như một chỉ dấu của thời gian cứ di động mãi...

“Một trưa nắng vui cho bao tâm hồn”, tôi khẽ hát, một bài hát xao xuyến tâm can về mùa xuân đầu tiên của nhạc sĩ tài danh Văn Cao. Lời hát như neo lại chút ấm áp trong tiết trời lạnh giá nơi xứ người...

Ở New York, đấy là ngày 1 tháng 2.

Ở Việt Nam, mùa bình thường đã sang ngày... New York, tháng 2/2022

Đào Khoa Thư

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-hoa/mua-binh-thuong/183447.htm