Mủ di, mu dích, mũ ni...

Trong tập sách 'Những bước lang thang trên vỉa hè' của gã Bình Nguyên Lộc (NXB Hội Nhà văn tái bản-2017), có dẫn lại câu hát xưa của người miền Nam: Thượng thơ bán giấy/ Thủ Ngữ treo cờ/ Nào ai núp bụi núp bờ/ Mủ di đánh dạo/ Bây giờ bỏ em.

Núp là nấp, là ẩn. Nếu nhà văn Bình Nguyên Lộc viết “mủ di”, có bản khác lại in “mũ ni”, điều này hết sức bình thường, bởi lẽ do phổ biến theo lối truyền miệng nên nhiều câu ca dao có sự dị biệt cũng là điều dễ hiểu.

So sánh giữa “mủ di” và “mũ ni” ta thấy mũ ni dễ hiểu hơn. Thành ngữ có câu “Mũ ni che tai”, là loại mũ mà phía sau có diềm che kín cả tai và gáy, các nhà sư, bậc tu hành thường hay đội; và đã đi vào thơ ca như “Nào mũ ni, nào áo thâm/ Đi đâu chẳng đội để ong châm” (Hồ Xuân Hương); ngay cả người già cũng đội như một cách giữ ấm - nghĩa bóng câu này nhằm chỉ thái độ dửng dưng, không màng đến sự đời, không quan tâm đến việc của thiên hạ, an thường thủ phận, bỏ ngoài tai, không thèm nghe, tọc mạch chuyện của kẻ khác.

Sinh hoạt đờn ca, hát xướng của người miền Nam thời trước (ảnh tư liệu)

Với trường hợp “mũ ni đánh dạo”, ta hiểu ra làm sao?

Có thể ngầm hiểu người đội mũ ni (cầm đàn/ đờn) đi đánh dạo chăng? Cũng được. Nhưng xét ra “mủ di” hợp lý hơn, vì rằng, theo nhà văn Bình Nguyên Lộc: “Học giả Thuần Phong cho biết mũ di là musique” (SĐD, tr.160). Rõ ràng mủ di là từ vay mượn tiếng Pháp nhằm chỉ về âm nhạc, do đó, người đó cầm đàn đi đánh dạo như một cách vui chơi hoặc vì kế sinh nhai gì đó. Tuy nhiên, khi đọc “Nam Kỳ phong tục diễn ca” in năm 1909 tại Sài Gòn của ông Nguyễn Liên Phong, ta lại thấy từ musique lại phiên âm mu-dích:

Mu-dích nơi các bồn kèn

Vui lòng hứng chí nghe bèn giải khuây

“Bồn Kèn” ở đâu? Rằng, con đường Lê Lợi thuộc loại xưa nhất Sài Gòn, thời Pháp thuộc mang số 13; năm 1865 Pháp cho đổi tên thành đường Bonard; từ năm 1955 đổi thành Lê Lợi cho đến nay. Ai cũng thừa biết rằng, theo năm tháng thì “vật đổi sao dời”, kể cả cách gọi sự vật / sự việc cũng khác đi, vì thế, tôi nghĩ sẽ là một hữu ích khi nhắc lại nơi này còn có một vị trí gọi là “Bồn Kèn” - nay vẫn còn đó, là vị trí giao nhau giữa hai đại lộ lớn Charner (Nguyễn Huệ) và Bonard (Lê Lợi, quận 1) - nơi có nhiều khách sạn, cửa hàng kinh doanh thương hiệu lớn không chỉ của một thời. Nơi ấy ngày trước, vào cuối tuần thường có đoàn quân nhạc Pháp đến đàn ca hát xướng góp vui.

Với những dẫn chứng trên, ta thấy từ “musique”, có người đọc “mủ di/ mủ ni/ mu dích” cũng bình thường. Nói như thế vì có những từ nước ngoài, mỗi người phát âm mỗi phách theo cách của họ, chẳng hạn khi ta viết/ đọc Vít-tô Huy-gô, Vích-tô Uy-tô, Vít-tô Hu-gô, Vích-to Huy-gô tưởng là… bốn ông nhưng thật cũng nhằm chỉ mỗi ông nhà văn Victor Hugo. Cái sự phiên âm của danh từ riêng ra tiếng Việt dẫn đến sự bất cập là thế.

Ngoài từ “musique”, ta còn có thể đưa ra dẫn chứng khác, thí dụ, ca dao miền Nam có câu:

Dưa leo chấm với cá kèo

Bởi con nhà nghèo, đi học noọc-man

“Noọc-man” nhưng cũng có cách ghi “nột manh” là phiên âm của từ normale/ École normale là trường đào tạo giáo viên dạy bậc tiểu học. “Bởi anh nhà nghèo” nên với học sư phạm, chứ nếu giàu có thì trường này không phải là lựa chọn hàng đầu. Chẳng lẽ quan niệm ngày xưa cũng giống như nay: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa, qua loa Sư phạm”, “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”? Nay, vì lý do gì thì ta đã biết, còn ngày xưa thì sao? Do buổi giao thời Pháp-Việt, một trong những điều quan trọng cấp bách mà người Pháp mong muốn đào tạo gấp, càng nhiều càng tốt đội ngũ giáo viên thông thạo chữ Quốc ngữ, chữ Pháp nên mức học phí “thoáng” hơn so với các trường khác chăng? Do học phí không cao nên mới dẫn tới lựa chọn “Bởi con nhà nghèo, đi học noọc-man”?

Không phải thế đâu. Khi người Pháp bình định xong sang nước Nam ta, một trong những việc trước nhất của họ là mở trường thông ngôn, dạy chữ quốc ngữ, tiếng Pháp, nhiều người không tán thành, vẫn giữ lấy chữ Nôm, chữ Hán, xem đó là chữ của “thánh hiền” như một cách biểu hiện lòng yêu nước. Thế nhưng, nhà nước Lang Sa ra lệnh, ra chỉ tiêu mỗi làng mỗi xã phải tìm cho đủ số lượng học sinh cho mỗi niên khóa. Trước tình thế này, nhiều nhà giàu đối phó bằng cách bỏ tiền ra thuê… con nhà nghèo đi học thế cho con mình. Tóm lại, “Bởi con nhà nghèo, đi học noọc-man” là đề cập đến các trường sư phạm vừa nêu trong hoản cảnh vừa nêu. Nay, các từ “mu dích”, “Noọc-man”… đã biến mất, đơn giản vì tiếng Việt đã có từ thay thế, không phải vay mượn.

Ngày trước, sự vay mượn này là một lẽ tất yếu, một nhu cầu hoàn toàn “hợp thời trang”, đúng “model” trong giao thoa văn hóa Pháp-Việt. Có nhiều nhà nghiên cứu đã tìm ra sự “giao duyên” này trong thơ, hát nói, ngâm khúc, hát ru con... nhưng chưa đề cập đến lãnh vực đờn ca tài tử.

Ở miền Nam, trước khi loại hình nghệ thuật cải lương ra đời với cột mốc tạm thời chấp nhận là năm 1918 thì các nghệ sĩ đờn ca tài tử lúc còn “ca ra bộ” cũng đã sử dụng tiếng Pháp. Trong tập sách Sài Gòn năm xưa in năm 1968, cụ Vương Hồng Sển đã trưng ra được sự “giao duyên” ấy theo điệu hát Tứ đại, đó là bài “Tây Nam du” dài 43 câu. Bài này, nay nhờ truy cập vào thư viện điện tử Pháp tôi mới biết đã in trong tập sách tại Sài Gòn năm 1912, ngoài bìa ghi có hình vẽ 6 người đang chơi đàn và ghi: “Bài ca mới - Lục tài tử (Tous droits réservés), chủ bút Nguyễn Hữu Phước, édité M. Mẫn Thiệp”.

Sự “giao duyên” này đã phản ánh tâm lý dễ dàng thích ứng, tiếp nhận cái mới ở người miền Nam. Và, bây giờ, ta hãy trở về với câu hát xưa:

Mủ di đánh dạo

Bây giờ bỏ em

Qua những dẫn chứng trên, ta có thể kết luận cái sự “đánh dạo/ mũ di đánh dạo” là liên quan đến âm nhạc - bởi nhà văn Bình Nguyên Lộc đã khẳng định: “Học giả Thuần Phong cho biết Mũ di là Musique”. Lập luận này, chắc quá đi chứ? Chưa chắc. Nếu chỉ là thế, câu ca dao trên không phản ánh được hai yếu tố: (1) Người bình dân đặt ra khi Pháp mới sang xâm lược nước Nam ta, qua đó nói lên sự thay lòng đổi dạ trong tình nghĩa vợ chồng, tham tiền bỏ ngãi; (2) Sự du nhập của tiếng Tây ba rọi trong lời ăn tiếng nói thời ấy. Theo văn bản trong Sài Gòn năm xưa (NXB Khai Trí -1968) của học giả Vương Hồng Sển:

Thượng thơ, Phó soái, Thủ Ngữ treo cờ… hò hơ

Bu-don (bouillon), ôm-lết (omelette), bí-tết (beefsteak), xà-xây (sacré)… ờ…

Mũ ni (menu) đánh đạo, bây giờ mày bỏ tao… hớ hơ…”.

Dinh Thượng thơ xây dựng vào năm 1864; từ năm 1964 là Dinh Thủ hiến, rồi Bộ Kinh tế của chế độ Sài Gòn cũ - nay là trụ sở của Sở Thông tin - Truyền thông, Sở Tài Nguyên - Môi Trường. Phó soái/ dinh Phó Soái, tức Dinh Thống đốc Nam Kỳ, nay là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh. Còn cột cờ Thủ ngữ, nay thuộc đường Tôn Đức Thắng, quận 1. Cột cờ Thủ Ngữ xây dựng năm 1865 trước Sở Thương cảng Sài Gòn, thời nhà Nguyễn gọi là trạm sông Gia Tân.

Với câu hát trên, học giả Vương Hồng Sển cho biết “tích tuồng” như sau: “Thân làm một mụ già trầu, một chị bếp dốt nát, ngờ đâu khi tâm hồn bị kích thích quá độ, lại sản xuất mấy câu bất hủ làm vầy, vừa lâm ly thống thiết, vừa tế nhị, bình dân. Đố ai sửa chữa hoặc thêm bớt được chữ nào. Ban đầu chị kể đường dài từ trước dinh Thượng thơ trải qua dinh Phó Soái, đoạn đến bờ sông… kể các thức ăn gồm hầm bà lằng và hổ lốn: nào nước xúp bù don, nào thịt bít tết, v.v… và v.v… Vừa kể chị vừa nhắc ngày thường chồng vợ nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức, té ra mấy câu “đánh đạo khuyên đời” này mới rõ dẫu chép ra ắt không đầy tờ giấy lộn ra món ăn (menu): khổ ơi là khổ! Nào khi cực nhọc thức khuya dậy sớm có nhau, bây giờ mới vừa kha khá, ông chồng tôi đành coi nhẹ tình tấm mẳn với tôi, Trời ơi là Trời…” (tr.109).

Thiết tưởng, qua giải thích này, ta đã hiểu rõ ý nghĩa của câu hát này, xin không bình luận gì thêm. Nếu bàn thêm vẫn là từ “đánh đạo/ mũ ni đánh đạo”.

“Đánh” trong ngữ cảnh này chính là nói như “đánh tiếng” là lên tiếng cho người ta biết một việc, một chuyện gì đó, ở đây “đánh đạo” là nói về đạo nghĩa, đạo lý sống ở đời. Dù chỉ bán thức ăn (như đã liệt kê) nhưng họ thường “nhỏ to thủ thỉ luận câu đạo đức”, vậy mà bây giờ chồng lại bỏ người đầu ấp tay gối, trái với những gì lời ân nghĩa đã từng nói với nhau, là lời than phiền, chê trách con người phụ bạc.

Tiếc thay, do không hiểu như vậy nên “Những bước lang thang” trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc từ bản in Thịnh Ký (1966) đến bản in của NXB Hội Nhà văn (2017); từ bản in “Sài Gòn năm xưa” (1968) đến Vương Hồng Sển - Tạp bút năm Ất Hội 1995 (NXB Trẻ - 2022) hai từ “đánh đạo” đã in thành “đánh dạo”. Do morat hay do biên tập?

Lê Minh Quốc

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/so-tay/mu-di-mu-dich-mu-ni--i706987/