MTTQ Việt Nam xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ở nước ta hiện nay

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đóng vai trò nòng cốt. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: 'Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước'. Bài viết phân tích giá trị truyền thống đoàn kết dân tộc của ông cha ta đến thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế và vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trong suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, đấu tranh chống thiên tai và địch họa đã hun đúc tinh thần đoàn kết, yêu thương, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; là tài sản vô giá làm nên sức mạnh nội sinh đưa dân tộc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Trong lịch sử, ông cha ta rất coi trọng việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, huy động lực lượng đông đảo của Nhân dân trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Dưới thời nhà Trần, đã xây dựng khối đại đoàn kết bền chặt “Vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục” nên đã ba lần chiến thắng giặc Nguyên - Mông, kẻ thù có sức mạnh “đánh đâu thắng đó” chinh phục Á - Âu, nhưng lại bị thất bại bởi sức mạnh đoàn kết của một dân tộc Việt nhỏ bé.

Trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh do Lê Lợi lãnh đạo, quy mô cuộc khởi nghĩa lúc đầu chỉ ở địa phương, nhưng được tiếp sức từ sự đoàn kết, ủng hộ của Nhân dân đã trở thành cuộc khởi nghĩa quy mô toàn dân, toàn quốc đánh đổ chế độ thống trị nhà Minh để thống nhất “giang sơn” trở lại nước Đại Việt độc lập, tự chủ.

Đồng thời, lịch sử cũng đã chứng minh “mệnh trời là ở lòng dân”, triều đại nào không được sự ủng hộ, giúp đỡ, đoàn kết của Nhân dân thì dẫn đến thất bại như triều đại nhà Hồ. Trong sách Đại việt sử ký toàn thư đã ghi câu nói của Hồ Nguyên Trừng con trai vua Hồ Quý Ly: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo”.

Tổng kết lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta từ quá khứ đến hiện tại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Sử ta dạy cho ta bài học: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do. Trái lại, lúc nào dân ta không đoàn kết thì bị nước ngoài xâm lấn” và Người cũng nhận xét:

“Lòng yêu nước và sự đoàn kết của nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi. Nhờ lực lượng ấy mà tổ tiên ta đã đánh thắng quân Nguyên, quân Minh, đã giữ vững quyền tự do, tự chủ. Nhờ lực lượng ấy mà chúng ta cách mạng thành công, giành được độc lập. Nhờ lực lượng ấy mà sức kháng chiến của ta ngày càng mạnh”.

Theo số liệu thống kê của các nhà nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, trong 1.921 bài viết của Người có tới 839 bài, Người đề cập đến vấn đề đoàn kết thống nhất và có tới 1.809 lần Người dùng từ “đoàn kết”, “đại đoàn kết”.

Trong Di chúc của Người, chỉ có chưa đầy 20 dòng nói về Đảng, nhưng đã có đến 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc đến “đoàn kết”. Người khẳng định: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Thực hiện tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta kế thừa và phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc và xác định đại đoàn kết dân tộc là một nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, coi trọng công tác Mặt trận để tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể làm nòng cốt để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đại đoàn kết dân tộc là đường lối cơ bản và nhất quán của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng. Kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc, ở mỗi thời kỳ, căn cứ vào tình hình và nhiệm vụ cách mạng Đảng ta đã đề ra những chủ trương cụ thể về đại đoàn kết dân tộc.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023.

ẢNH: KỲ ANH

Trong hơn 90 năm qua, với những hình thức tổ chức và tên gọi của Mặt trận có những thay đổi cho phù hợp với chiến lược tập hợp, đoàn kết toàn dân tộc, nhưng vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Mặt trận, về cơ bản là nhất quán nhằm xây dựng mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với Nhân dân, giữa Nhân dân với Đảng.

Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ngày 18/11/1930: Từ Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay, trải qua lịch sử vẻ vang hơn 90 năm, Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã phát huy truyền thống đoàn kết của dân tộc, nhân lên gấp bội tinh thần yêu nước của mọi người dân Việt Nam, đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân trong Mặt trận Dân tộc thống nhất thành một lực lượng hùng mạnh để đánh đuổi thực dân đế quốc, giành lại độc lập cho Tổ quốc, đem lại tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Phản đế liên minh: Tháng 3/1935, Đại hội lần thứ nhất của Đảng đã thông qua Nghị quyết về công tác phản đế liên minh, quyết định thành lập và thông qua Điều lệ của tổ chức nhằm tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông Dương. Điều lệ của Phản đế liên minh rộng và linh hoạt hơn Điều lệ Hội phản đế đồng minh.

Bất kỳ người hoặc đoàn thể nào thừa nhận nghị quyết, Điều lệ và thường xuyên nộp hội phí thì được thừa nhận là hội viên. Phản đế liên minh là hình thức tổ chức tập hợp tất cả các lực lượng phản đế toàn Đông Dương, bao gồm các bộ phận hay toàn thể đảng phái, đoàn thể, tổ chức, lớp, nhóm có tính chất cách mạng kể cả những phần tử lẻ tẻ.

Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế (tháng 10/1936): Chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế được phổ biến qua tài liệu chung quanh vấn đề chính sách mới ngày 30/10/1936 khắc phục những sai lầm về nhận thức và hành động trong quá trình thực hiện liên minh thời kỳ trước.

Việc tập hợp lực lượng trong Mặt trận được công khai qua bức thư ngỏ của Đảng Cộng sản Đông Dương gửi cho Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp bày tỏ sự đồng minh với nhân dân Pháp, kêu gọi ban hành một số quyền tự do dân chủ cơ bản cho nhân dân Đông Dương và hô hào tất cả các đảng phái chính trị, tất cả các tầng lớp nhân dân Đông Dương tham gia Mặt trận nhân dân Đông Dương.

Mặt trận Dân chủ Đông Dương (tháng 6/1938): Sau khi Mặt trận Nhân dân Pháp lên cầm quyền với bản chương trình hành động, trong đó có nêu việc thành lập một ủy ban của nghị viện điều tra tình hình chính trị và kinh tế ở các thuộc địa, cùng với nhiều nước thuộc địa khác các nhà yêu nước Việt Nam kêu gọi "tiến tới một cuộc Đông Dương Đại hội" sáng kiến đó được Đảng Cộng sản Đông Dương ủng hộ bằng bức thư ngỏ tháng 8/1936 nêu 12 nguyện vọng cụ thể làm cơ sở cho Đông Dương Đại hội, lời kêu gọi đã dấy lên một phong trào đấu tranh sôi nổi trong Nhân dân cả nước.

Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương (tháng 11/1939): Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, Mặt trận Dân chủ Đông Dương bị thực dân Pháp thẳng tay đàn áp. Cùng với sự đầu hàng thỏa hiệp của thực dân Pháp với phát xít Nhật, vấn đề sống còn của các dân tộc Đông Dương đã đặt ra.

Tháng 11/1939, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo, chuyển cuộc vận động Mặt trận Dân chủ thành Mặt trận Dân tộc thống nhất chống chiến tranh đế quốc với tên gọi chính thức: Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế Đông Dương nhằm liên hiệp tất cả các dân tộc Đông Dương, các giai tầng, đảng phái, cá nhân có tinh thần phản đế muốn giải phóng dân tộc chống đế quốc, bè lũ tay sai của chúng và vua chúa bản xứ phản bội quyền lợi dân tộc. Các tổ chức phản đế phát triển nhanh chóng dưới hình thức bí mật và công khai.

Mặt trận Việt Nam Độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh, tháng 5/1941): Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng phát xít Nhật. Tại Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời ngày 19/5/1941, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh làm cờ của Việt Minh.

Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (29/5/1946): Năm 1946, giữa lúc nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn, một Ban Vận động thành lập Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam gồm 27 người với đại biểu Việt Minh là Hồ Chí Minh, được thành lập nhằm mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc.

Mặt trận Liên Việt (3/3/1951): Năm 1951, trong lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã đi vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, yêu cầu tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết động viên toàn dân ta tập trung sức người sức của đẩy mạnh kháng chiến trở nên cấp bách.

Với các chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng Lao động Việt Nam và sự ủng hộ tích cực của các Đảng Xã hội, Đảng Dân chủ, các tổ chức xã hội, các nhân sĩ trí thức trong Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt, hai tổ chức Mặt trận được hợp nhất thành Mặt trận Liên Việt.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (10/10/1955): Đế quốc Mỹ thế chân thực dân Pháp và phá hoại Hiệp định Giơnevơ âm mưu chiếm đóng miền Nam chia cắt đất nước. Cách mạng Việt Nam lúc này có hai nhiệm vụ chiến lược là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Trong bối cảnh đó, ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời với mục đích đoàn kết mọi lực lượng dân tộc và dân chủ, đấu tranh đánh bại âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và tay sai, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960): Trong cao trào đồng khởi của đồng bào miền Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam ra đời (20/12/1960) nhằm đoàn kết toàn dân đánh bại chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ “ngụy quyền”, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.

Với đường lối đúng đắn ấy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước, để cùng nhau chống Mỹ cứu nước.

Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam (20/4/1968): Trong cao trào tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân (1968) Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra đời (20/4/1968).

Kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã góp sức động viên thúc đẩy các phong trào đấu tranh, tăng thêm sức mạnh cho khối đoàn kết toàn dân trong công cuộc chống Mỹ cứu nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (4/2/1977): Sau khi giành được độc lập, để thống nhất Tổ quốc, đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức Mặt trận trong cả nước. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ ngày 31/1 - 4/2/1977 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các nhân vật tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, phấn đấu xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ của toàn dân tộc: “Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Từ khi nước nhà thống nhất, đặc biệt là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với tư cách là tổ chức liên minh chính trị, là một bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng của khối đại đoàn kết toàn dân; nơi tập hợp và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, đoàn kết động viên Nhân dân cùng nhau khắc phục mọi khó khăn gian khổ, phấn đấu vươn lên giành những thành tựu to lớn về kinh tế, chính trị, xã hội thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới…, góp phần quan trọng nâng cao vị thế, hình ảnh của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay tiếp nối vai trò lịch sử của các tổ chức Mặt trận, tiếp tục tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên cơ sở kết nạp các thành viên tổ chức, thành viên cá nhân tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp.

Các tổ chức thành viên cũng tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; nông dân có phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; thanh niên có phong trào "Học tập sáng tạo vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, “Sáng tạo trẻ”, “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”; phụ nữ có phong trào “Phụ nữ chung sức xây dựng nông thôn mới", “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; lực lượng cựu chiến binh có phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế”; Quân đội có phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”;

Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam duy trì phong trào “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Hội Khuyến học Việt Nam có phong trào “Thi đua khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời”; Hội Người cao tuổi Việt Nam triển khai “Chương trình người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi Việt Nam”;

Phong trào “Xây dựng chùa tinh tiến” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; trong đồng bào Công giáo có cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư - sống tốt đời, đẹp đạo”; Liên minh Hợp tác xã Việt Nam triển khai phong trào thi đua “Hợp tác xã tiên phong trong xóa đói, giảm nghèo - xây dựng nông thôn mới”…

Mặt trận Tổ quốc các cấp đã tập hợp đông đảo các giai tầng, các lực lượng trong xã hội phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống đoàn kết dân tộc dưới ngọn cờ cách mạng của Đảng, của Mặt trận, ra sức tuyên truyền, vận động, tập hợp Nhân dân thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” để thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi, diễn biến phức tạp. Nhân dân ta phải đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức do tác động tiêu cực của kinh tế thế giới cũng như khó khăn nội tại của kinh tế vĩ mô chưa thật vững chắc, còn tiềm ẩn các yếu tố mất ổn định.

Hiện nay, Đảng ta xác định tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức lối sống gắn liền với tệ tham nhũng, quan liêu, lãng phí là một trong những nguy cơ lớn, gây thiệt hại đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, uy tín của Đảng và Nhà nước bị giảm sút, lòng tin của Nhân dân bị suy yếu, đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ và an ninh của đất nước.

Để tiếp tục thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đòi hỏi tiếp tục đổi mới và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện và nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước, thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, động viên mọi tiềm năng, trí tuệ của cả dân tộc.

Trong bối cảnh quốc tế hiện nay, yếu tố dân tộc trở thành một đặc điểm cực kỳ quan trọng. Các thế lực thù địch lợi dụng yếu tố dân tộc để gây mất ổn định chính trị ở nhiều nước, dẫn tới chia rẽ, khủng hoảng cho nhiều dân tộc.

Ở Việt Nam, các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước cũng không ngừng gây chia rẽ trong nội bộ dân tộc và Nhân dân. Vì vậy, Đảng ta luôn luôn coi trọng chiến lược đại đoàn kết dân tộc. Chỉ có đoàn kết thật sự mới có ổn định đất nước và chế độ mới vững mạnh.

Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là khoảng thời gian lâu dài. Các giai cấp, tầng lớp, các dân tộc và tôn giáo vẫn tồn tại. Cùng với sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường là sự phân hóa giàu - nghèo. Nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp ra đời.

Sự phát triển của khoa học, sự giao lưu tư tưởng, văn hóa không ngừng tác động đến lối sống và nếp nghĩ của mọi tầng lớp, mọi người trong xã hội. Những yếu tố về kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống diễn ra hết sức đa dạng và phức tạp, đòi hỏi sự lãnh đạo và quản lý đất nước có hiệu quả, tạo nên động lực phát triển của đất nước và dân tộc.

Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng duy nhất cầm quyền, với nhiều thuận lợi cơ bản nhưng cũng đề phòng nguy cơ chuyên quyền, độc đoán, xa dân. Để khắc phục nguy cơ đó, cần đảm bảo mở rộng và thực hiện dân chủ hóa xã hội, đòi hỏi phải phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội.

Những đặc trưng ấy tồn tại khách quan và do đó nhu cầu xây dựng liên minh chính trị trong nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội không hề giảm bớt mà ngày càng tăng lên, đòi hòi sự liên minh rộng rãi hơn, chặt chẽ hơn, đầy đủ hơn.

Trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với nền dân chủ ngày càng được hoàn thiện thì vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân ngày càng quan trọng, càng được mở rộng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định:

"Chính sách Mặt trận là chính sách rất quan trọng. Công tác Mặt trận là công tác rất quan trọng trong toàn bộ công tác cách mạng", "Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân cũng như trong cách mạng xã hội chủ nghĩa, Mặt trận dân tộc thống nhất vẫn là một trong những lực lượng to lớn của cách mạng nước ta"1.

Nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong hệ thống chính trị và đời sống xã hội là một yêu cầu khách quan có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định chính trị - xã hội của đất nước. Để tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ sau:

Một là, tiếp tục quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy hơn nữa vai trò, vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong việc tiếp tục củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy dân chủ, tăng cường sự đồng thuận xã hội, thực hiện đại đoàn kết từ cơ sở, trong từng cộng đồng dân cư trên phạm vi toàn quốc.

Hai là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm tốt công tác động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển.

Ba là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và hướng dẫn Nhân dân phát huy quyền làm chủ, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, góp phần cùng các tổ chức đảng tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Tham gia với các cơ quan trong hệ thống chính trị xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và tích cực hội nhập quốc tế, góp phần cùng đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước nhằm củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 9, tr.103.

Nguyễn Hữu Dũng - Tiến sĩ, Phó Chủ tịch

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Nguồn Mặt Trận: http://tapchimattran.vn/nghien-cuu/mttq-viet-nam-xay-dung-khoi-dai-doan-ket-toan-dan-toc-trong-boi-canh-hoi-nhap-quoc-te-o-nuoc-ta-hien-nay-53647.html