MSB nói gì về sự cố 'bay hơi' tiền gửi ngân hàng vừa qua?

Sự cố vừa qua đã được MSB đưa ra công an. Nếu vì cán bộ biến chất và quy trình thực hiện đúng thì khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ.

Thông tin trên được Phó Chủ tịch HĐQT MSB Nguyễn Hoàng An đưa ra tại ĐHĐCĐ Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam diễn ra sáng nay (23/4).

Khách hàng có thể được thanh toán đầy đủ

Trả lời câu hỏi của cổ đông về sự cố liên quan đến tiền gửi bị “bốc hơi” thời gian qua, Tổng Giám đốc MSB Nguyễn Hoàng Linh cho biết, các khách hàng chân chính tham gia hoạt động của MSB luôn được ngân hàng đảm bảo quyền lợi.

Sự việc vừa qua là do MSB chủ động phát hiện ra và đưa ra cơ quan công an để làm rõ vụ việc. MSB luôn tôn trọng phán quyết của cơ quan chức năng để đảm bảo quyền lợi của khách hàng, nếu là khách hàng chân chính.

"Mất tiền trên hệ thống ngân hàng là không hề đơn giản. Nếu thực hiện đầy đủ các khâu kiểm tra, giám sát thì chúng ta có thể tránh được các rủi ro trong việc gửi tiền", ông Linh cho biết.

Chia sẻ về ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng từ sự cố vừa qua, ông Linh cho rằng, các khách hàng của MSB đều là khách hàng rất thông minh và có khả năng đánh giá thông tin. Vì vậy, số dư tiền gửi không bị ảnh hưởng.

"Hàng năm, MSB trích ra hàng nghìn tỷ để dự phòng rủi ro cho các hoạt động, do đó, sự cố nêu trên không thể ảnh hưởng tới hoạt động ngân hàng", ông Linh nhấn mạnh.

Sự cố tiền gửi vừa qua không ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng

Nói thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch HĐQT MSB Nguyễn Hoàng An cho biết, khi ngân hàng càng hiện đại, các đối tượng càng lợi dụng để chiếm quyền kiểm soát, chiếm tiền khách hàng. Thực tế không riêng MSB, việc tội phạm lợi dụng chiếm tiền, chiếm quyền kiểm soát diễn ra rất phổ biến.

Theo ông An, sự cố vừa qua đã được MSB đưa ra công an, nếu vì cán bộ biến chất và quy trình thực hiện đúng thì khách hàng sẽ được thanh toán đầy đủ. Vụ việc đã được đưa ra từ tháng 10 năm ngoái và đang đợi kết luận của cơ quan.

Về việc Ngân hàng có kế hoạch phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược không? Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh trả lời, ngân hàng vẫn để ngỏ phương án này và hiện đã làm việc với một số đối tác. “Năm ngoái, chúng tôi đã làm việc hai tổ chức, trong đó có tổ chức đến từ Đức. Quy mô tài sản, vốn điều lệ của MSB hiện đã đáp ứng được yêu cầu NHNN, tiêu chuẩn Basel … nên không cần tăng vốn. Thay vào đó, ngân hàng muốn cổ đông nước ngoài mang lại giá trị về quản trị rủi ro, phát triển kinh doanh, chuyển đổi số. Nếu có kế hoạch phát hành thì sẽ báo cáo chia sẻ chi tiết hơn cho cổ đông”, Tổng Giám đốc thông tin.

Đặt mục tiêu tăng lợi nhuận 17%

Thông tin tại ĐHĐCĐ về tình hình kinh doanh, Tổng giám đốc MSB cho biết, đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 280.000 tỷ đồng, tăng trên 4%. Tăng trưởng tín dụng ước đạt 5,6%, tiền gửi khách hàng tăng 4%.

Quý 1/2024, ngân hàng này đã ghi nhận khoản lãi gần 600 tỷ đồng từ mảng kinh doanh ngoại hối, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm ngoái.

Biên lợi nhuận (NIM) tổng thể đạt 3,87%; tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trên tổng tiền gửi dự kiến lên mức trên 29%, cao hơn gần 3 điểm % so với hồi cuối năm 2023.

MSB ghi nhận LNTT tăng nhẹ so với cùng kỳ 2023

Về định hướng năm 2024, ngân hàng này chú trọng hoạt động quản lý và đa dạng hóa nguồn vốn, đặc biệt là các nguồn vốn chi phí thấp thông qua việc thu hút tiền gửi không kỳ hạn và các nguồn tài chính xanh từ thị trường quốc tế.

ĐHĐCĐ cũng thông qua kế hoạch kinh doanh của MSB trong năm 2024. Theo đó, dựa trên bối cảnh kinh tế còn tiềm ẩn rủi ro, MSB đặt mục tiêu thận trọng với chỉ tiêu tổng tài sản đạt 280.000 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2023. Vốn huy động tại thị trường 1 và trái phiếu huy động vốn đạt 178.900 tỷ đồng, tăng 27% so với năm trước. Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng ở mức 18% và tùy thuộc vào sự phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước từng thời kỳ.

MSB dự kiến lợi nhuận trước thuế tăng 17% so với năm 2023, đạt 6.800 tỷ đồng. Ngân hàng này cũng bám sát việc kiểm soát tốt nợ xấu dưới 3%. Tại thời điểm 31/3/2024, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất dự kiến ở mức gần 12,2%, cao hơn nhiều so với mức tối thiểu 8% theo quy định.

Bên cạnh đó, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, vị thế về vốn điều lệ, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vốn ở mức tốt, MSB cũng trình ĐHĐCĐ phương án tăng vốn điều lệ lên 26.000 tỷ đồng thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 30% từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối.

Lệ Giang

Nguồn Thị Trường Tài Chính: https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/ngan-hang/msb-noi-gi-ve-su-co-bay-hoi-tien-gui-ngan-hang-vua-qua-122252.html