Một vài kỷ niệm gửi những 'người bạn' Nhật Bản yêu quý của tôi!

Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn đẹp nhất, rực rỡ nhất với nhiều mốc son đáng nhớ.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cùng các đại biểu cắt băng Khai mạc Lễ hội Xin chào Việt Nam tại tỉnh Aichi, tháng 9/2013.

Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Đoàn Xuân Hưng cùng các đại biểu cắt băng Khai mạc Lễ hội Xin chào Việt Nam tại tỉnh Aichi, tháng 9/2013.

Tôi rất may mắn có những năm tháng đầy ý nghĩa trên cương vị Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản (12/2011-7/2015), thời điểm quan hệ hai nước chính thức bước sang một giai đoạn hợp tác mới - nâng cấp thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á. Tôi tự hào vì đã được làm việc cùng nhiều thế hệ nhà ngoại giao và đại sứ của hai nước, cùng góp công sức nhỏ bé của mình vào mối quan hệ tốt đẹp đó.

Các bạn Nhật Bản của tôi! Ba năm và bảy tháng được đại diện cho Việt Nam tại đất nước tươi đẹp của các bạn thực sự là khoảng thời gian tuyệt vời trong cuộc đời ngoại giao của tôi, nhiều kỷ niệm đáng nhớ, không bao giờ quên.

Sự khởi đầu không thể thuận lợi hơn

Tôi nhớ rất rõ bất ngờ đầu tiên là khi vừa đặt chân đến Tokyo nhận nhiệm vụ mới (sáng 9/12/2011), đã nhận được lời mời tham dự bữa tiệc chào đón từ Liên minh Nghị sĩ hữu nghị ngay tối hôm sau.

Bữa tiệc khá trọng thị khi có sự hiện diện của cựu Thủ tướng Nhật Bản cùng nhiều nghị sĩ Quốc hội, một số bộ trưởng và cả những người bạn Nhật Bản của Việt Nam.

Tôi rất bất ngờ vì bạn đã dành cho tôi sự ưu ái đặc biệt, vượt qua mọi nghi lễ ngoại giao. Theo thông lệ lễ tân, sau khi trình bản sao Quốc thư, đại sứ mới bổ nhiệm mới được phép tiếp xúc ngoại giao ở mức hạn chế (thường ở mức Vụ trưởng Bộ Ngoại giao trở xuống).

Càng bất ngờ hơn khi từng vị bộ trưởng, nghị sĩ đều phát biểu chào mừng đại sứ mới của Việt Nam, giới thiệu về bản thân và lĩnh vực phụ trách, đồng thời bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ tôi trong công việc.

Đặc biệt, ngài cựu Thủ tướng còn ra lấy thức ăn vào đĩa và đưa cho tôi, tươi cười thân thiện và dí dỏm nói: “Đại sứ tranh thủ ăn đi, cứ để các ông ấy phát biểu”.

Tôi cũng nhớ, trước đó, khi gặp ông tại cuộc chiêu đãi Thủ tướng ta đang thăm chính thức Nhật Bản năm 2011, ông lại gần chủ động nói: “Tôi biết việc ông được cử sang làm đại sứ tại Nhật Bản. Chúng tôi biết rất rõ về ông và rất hoan nghênh!”.

Sự thân thiện của ông thật sự đã tạo ấn tượng mạnh với tôi. Dường như bỏ qua mọi nghi lễ xã giao, sau này, ông còn nhiều lần mời tôi đến nhà ăn cơm, kể cả vào thăm từ đường của gia đình.

…Một sự khởi đầu không thể thuận lợi hơn!

Từ nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới

Để chuẩn bị cho chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã mời Lãnh đạo Bộ Ngoại giao và tôi (khi đó đang về nước công tác) tới trao đổi công việc.

Chủ tịch nước và Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã thống nhất đến lúc bàn việc nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới. Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản khi đó là “Đối tác chiến lược” - đạt được trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh năm 2009.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tham dự Đại hội thành lập Hội Hữu nghị tỉnh Mie-Việt Nam, tháng 6/2013.

Đại sứ Đoàn Xuân Hưng tham dự Đại hội thành lập Hội Hữu nghị tỉnh Mie-Việt Nam, tháng 6/2013.

Tôi được giao nhiệm vụ thăm dò và trao đổi với phía bạn về việc này. Ở Tokyo, tôi xin gặp Thượng Nghị sĩ Seko Hiroshige, Phó Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản, Cố vấn đối ngoại hàng đầu của Thủ tướng Abe khi đó.

Chúng tôi đã thống nhất lập kênh liên hệ trực tiếp giữa Đại sứ Việt Nam và Văn phòng Nội các Nhật Bản ngay trong chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Abe Shinzo tới Việt Nam, đầu năm 2013.

Khi trao đổi về khả năng nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới, Thượng Nghị sĩ Seko Hiroshige cho biết cá nhân ông hoàn toàn nhất trí đã đến lúc cần nâng cấp quan hệ và ông tin chắc Thủ tướng Abe sẽ đồng ý.

Về từ ngữ, tên gọi ông mong muốn hai bên tìm một từ phản ánh được đặc trưng mối quan hệ hai nước. Sau này, Bộ Ngoại giao hai bên đã thống nhất trong Tuyên bố chung nhân chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 3/2014 là nâng cấp quan hệ lên “Đối tác chiến lược sâu rộng…”.

Mới đây, khi ôn lại kỷ niệm với tôi, ông Seko Hiroshige vẫn tự hào về việc lựa chọn từ “Đối tác chiến lược sâu rộng…”, vì nó phản ánh sự đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản.

Ông Seko Hiroshige sau này làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại, Công nghiệp Nhật Bản, nay là Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền tại Thượng viện Nhật Bản.

Đến khai mở… hợp tác nông nghiệp

Nhật Bản vốn là một trong những quốc gia bảo hộ ngành nông nghiệp ở một mức độ rất cao.

Nhưng Việt Nam đã từng bước gợi mở, rồi tiến tới hợp tác thành công, đẩy mạnh liên kết nông nghiệp giữa hai nước. Chúng ta đã dùng sự chân thành để thuyết phục và chia sẻ để bạn nhận thấy còn nhiều “khoảng trống” trong nông nghiệp mà hai bên có thể bổ sung cho nhau và hợp tác cùng có lợi.

Tôi đã trải qua nhiều cảm xúc trong quá trình thuyết phục Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) cử đoàn doanh nghiệp sang thăm Đồng bằng sông Cửu Long năm 2014. Kết quả là một bất ngờ lớn, khi có khoảng 40 thành viên JCCI đăng ký tham gia. Đây có lẽ là đoàn doanh nghiệp Nhật Bản lớn đầu tiên đến thăm Đồng bằng sông Cửu Long.

Dịp đó, tôi được phép về nước để đi cùng Đoàn thăm Cần Thơ, Hậu Giang và Đồng Tháp. Chuyến thăm đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác và từng bước giúp quả xoài Việt Nam thâm nhập thị trường Nhật Bản và vươn ra thế giới.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh và Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ibaraki, Nhật Bản Toyufumi Kakurai ký thỏa thuận hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng nông nghiệp đến tỉnh Ibaraki, ngày 15/5/2014, tại Nhật Bản.

Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh và Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp tỉnh Ibaraki, Nhật Bản Toyufumi Kakurai ký thỏa thuận hợp tác phái cử và tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng nông nghiệp đến tỉnh Ibaraki, ngày 15/5/2014, tại Nhật Bản.

Ngay trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hợp tác nông nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trở thành một trong những điểm nhấn. Lần đầu tiên, Chủ tịch nước thăm tỉnh Ibaraki (địa phương sản xuất nông nghiệp lớn thứ hai Nhật Bản, có nhiều cơ sở nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp hiện đại nhất), tạo cú hích lớn cho hợp tác địa phương với Ibaraki nói riêng và với các địa phương Nhật Bản nói chung.

Đoàn Xuân Hưng

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mot-vai-ky-niem-gui-nhung-nguoi-ban-nhat-ban-yeu-quy-cua-toi-251919.html