Một tuần 'sống chậm' ở Dubai

Khung cảnh ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) trong tuần vừa qua dường như là 'ngày tận thế' đối với những cư dân đã quen với thiên nhiên yên bình của đô thị trên sa mạc đầy nắng.

Những chiếc ô tô bị bỏ lại giữa đại lộ hiện đại ngập nước của Dubai sau cơn mưa lũ. Nguồn: AP.

Thiên tai bất thường

Thành phố này chưa từng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên nào có quy mô lớn như trận mưa lũ diễn ra hôm 15-16/4 kể từ khi hồ sơ thống kê bắt đầu được thiết lập từ năm 1949. Thế nhưng, sự tàn phá mà nó để lại chỉ trở nên rõ ràng hơn sau khi cơn lũ đi qua.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) nói chung và thành phố Dubai nói riêng đã chứng kiến trận mưa lớn nhất trong 75 năm, vốn là mức tương đương lượng mưa trung bình 2 năm ở UAE và chỉ rơi trong vòng 48 giờ, khiến cuộc sống của nhiều người ở trung tâm du lịch và tài chính hào nhoáng của thế giới gần như dừng lại. Sự hỗn loạn xảy ra sau đó chỉ tồn tại trong thời gian ngắn nhưng nó đã làm nổi bật vấn đề của Dubai: một thành phố hiện đại dễ bị tổn thương trước thiên tai.

Khi đường băng của sân bay quốc tế Dubai bị chìm dưới nước, các chuyến bay tại một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới đều bị hủy. Các trung tâm thương mại hào nhoáng ngập trong nước khi mưa đổ từ trần nhà xuống, thang máy trong các tòa nhà chọc trời ngừng hoạt động, buộc người dân phải leo cầu thang bộ lên hàng chục tầng. Không kịp trở về nhà, một số tài xế phải ngủ trong xe do đường bị tắc.

Dubai có một mô hình nhân khẩu học độc đáo. 92% trong số 3,5 triệu người sống và làm việc tại thành phố là người nước ngoài đến từ 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, họ chủ yếu bị thu hút bởi chính sách miễn thuế và lối sống thoải mái. Đây cũng là điểm đến du lịch tốt thứ hai trên thế giới với hơn 17 triệu du khách đến vào năm 2023 để hưởng ánh nắng ấm áp, những quán ăn ngon và khu mua sắm sang trọng.

Sự gián đoạn do mưa lũ trong tuần trước đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, từ khách du lịch, người lao động nhập cư đến cộng đồng công dân thiểu số và người phương Tây xa xứ. Chính quyền thành phố đã kêu gọi người dân ở nhà, nhưng nhiều người vẫn mạo hiểm ra ngoài và không thể quay lại do đường phố ngập nước.

Trên đường Sheikh Zayed, đường cao tốc 16 làn ở Dubai với những tòa nhà chọc trời bằng kính lấp lánh, những người lái xe cho biết, tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng xảy ra ở một số khu vực, nhiều ô tô tìm cách đi ngược chiều để thoát khỏi ùn tắc. Tại trung tâm tài chính Dubai - nơi đặt trụ sở hoạt động của một số ngân hàng hàng đầu thế giới - những chiếc ô tô sang trọng gần như chìm hoàn toàn trong nước khi đường phố biến thành hồ. Tại thành phố kênh đào nhân tạo Dubai Marina - điểm đến ưa thích của du khách phương Tây và Nga, đồ đạc của các nhà hàng và quán cà phê gần đó đã bị dòng nước cuốn trôi.

Thiệt hại đáng kể

Mưa thường khan hiếm ở vùng Vịnh Ba Tư, vì vậy, quy hoạch đô thị không tính đến khả năng xảy ra bão lớn.

Dubai được xây dựng trên cát, một môi trường tự nhiên khiến nước thấm vào đất rất dễ dàng. Nhưng bằng cách xây dựng một lượng lớn bê tông lên trên địa hình tự nhiên của thành phố, các nhà phát triển đô thị đã ngăn đất hút nước một cách hiệu quả. Kiến trúc sư Ana Arsky - CEO của công ty khởi nghiệp môi trường 4 Habitos Para Mudar o Mundo cho biết: “Thành phố từng có những nơi thoát nước tự nhiên đưa nước trực tiếp đến các tầng ngậm nước và sau đó vào nguồn nước dự trữ. Nhưng sau khi lát đường nhựa, chúng không còn tồn tại nữa".

Khi nước rút, đường phố ngổn ngang những mảnh vụn. Hình ảnh trên các phương tiện truyền thông địa phương cho thấy, những con đường cao tốc với những làn ô tô bị bỏ hoang. Ông Avinash Babur - Giám đốc Điều hành của InsuranceMarket.ae, nhà môi giới bảo hiểm ở UAE cho biết, thiệt hại kinh tế do cơn bão gây ra có thể lên tới hàng tỷ dirham (1 dirham tương đương 0,27 USD), ảnh hưởng đáng kể đến phương tiện, tài sản và cơ sở hạ tầng.

“Thiệt hại hiện tại là đáng kể, với những ảnh hưởng đáng chú ý đến cả tài sản công và tư, bao gồm cả cơ sở hạ tầng quan trọng. Mặc dù Dubai từng trải qua nhiều cơn bão trong quá khứ nhưng cường độ đặc biệt của sự kiện này đã đặt ra những thách thức mới” - ông Babur nói và cho biết, số lượng cuộc gọi và yêu cầu tìm đến các công ty bảo hiểm đã tăng gấp 10 lần, cùng với đó, nhu cầu bảo hiểm về nhà ở cũng tăng cao.

Khi một số cư dân bị mắc kẹt trong những ngôi nhà không có điện và không thể rời đi do nước ngập bên ngoài, một số người đã chọn cách bơi qua dòng nước. Đối với nhiều người, việc bị hạn chế đi lại gợi nhớ đến đợt phong tỏa vì Covid-19 vào năm 2020. Phụ thuộc rất nhiều vào du khách và vốn từ nước ngoài, thời điểm đó, Dubai là một trong những thành phố đầu tiên dỡ bỏ lệnh phong tỏa do số lượng khách du lịch và giá bất động sản giảm, đồng thời, nước này cũng là một trong những quốc gia đầu tiên đạt được 100% tỷ lệ tiêm chủng vào tháng 11/2021.

Theo ông Babur, tình hình hiện tại mang đến cho Dubai cơ hội “thể hiện khả năng phục hồi nhanh chóng tương tự như cách mà thành phố thành công trong đại dịch Covid-19”.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, trận lũ lụt ở Dubai đã chứng minh kỹ thuật xây dựng đô thị đang thất bại trong cuộc thử nghiệm lớn về biến đổi khí hậu. Trong thế giới đang chứng kiến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng tăng, cho dù đô thị có quy mô và hiện đại đến đâu, nó cũng đang thể hiện sự thua cuộc trước những trận lụt vô tiền khoáng hậu.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mot-tuan-song-cham-o-dubai-10278372.html