Một thời cây buông

Cây buông (lá buông) một thời tạo nên sản phẩm mỹ nghệ, thân thiện với môi trường, có sức hấp dẫn với ngành du lịch, phù hợp với xu thế của thời đại. Hiện nay, rất cần ngành chức năng và người dân có chính sách bảo tồn, ý thức bảo vệ, phát triển cây buông.

Cây buông bị tàn phá.

Cây buông còn sót lại ở Hàm Tân.

Một thời

Những tưởng cây buông là một loài lâm sản phụ bình thường như bao loài cây lâm sản phụ khác, nhưng sau những ngày rong ruổi tìm hiểu ở vùng đất Hàm Tân, Tánh Linh tôi mới nhận ra cây buông có giá trị kinh tế bền vững. Loài cây này còn gọi cây kè theo tiếng địa phương có tán rộng, xanh mát, hiện ngành lâm nghiệp xếp nó thuộc diện lâm sản phụ, sinh trưởng chủ yếu ở vùng đất từ La Gi, Hàm Tân kéo dài đến Suối Kiết, huyện Tánh Linh.

Cây buông có tán rộng, xanh mát.

Vùng đất này nổi tiếng khô hạn, nóng như chảo lửa vào mùa khô, có lẽ vì thế nên “mẹ thiên nhiên” sản sinh cây buông che chở sự sống hồi sinh. Nhiều người con của vùng đất này, nhất là người lớn tuổi rất quý cây buông. Ông Phan Chính ở thị xã La Gi là một trong số người đầu tiên tôi tìm đến khi biết ông có bài viết về cây buông đăng trên web của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận. Ông kể, vào những năm đất nước chưa sạch bóng quân thù, rừng lá buông trải dài từ chân núi Mây Tàu, Núi Bể, Láng Gòn của huyện Hàm Tân đến Suối Kiết, Gia Huynh của huyện Tánh Linh và Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, tạo thành khu tam giác rừng lá của 3 tỉnh cũ Bình Tuy, Long Khánh, Phước Tuy… Giá trị và công dụng của cây có từ thời kỳ mở đất lập làng, từ thân, lá cho đến sóng lá đều có thể biến thành những công cụ, vật dụng trong gia đình như: che vách, lợp nhà. Nhất là trong kháng chiến chống Pháp, người dân tản cư vào rừng sâu sinh sống, hưởng ứng chủ trương vườn không nhà trống. Lá non còn nguyên bắp, gọi là búp buông, phơi khô chế tác nhiều thứ như đan bao bì, nón lá, áo tơi, đũa… Sau ngày giải phóng, buông được ngành lâm nghiệp xếp vào nhóm lâm sản phụ, là nguyên liệu cho ngành tiểu thủ công nghiệp ở Hàm Tân, La Gi. Các Hợp tác xã như Tiên Tiến, Đoàn Kết, 19/5… đã tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động. Thời đó, học sinh vừa học bài vừa tranh thủ đan lá buông để mang lại thu nhập thêm cho gia đình…”.

Rừng buông một thời để nhớ (ảnh Phan Chính).

Với bà Thu Đông ở Suối Kiết, huyện Tánh Linh, nơi cách xa La Gi hàng chục cây số, trích dẫn trong kho truyện nghề làm buông của mình rằng: “Bà từng làm nghề mành sáo hay còn gọi là rèm cửa từ lá buông ở xã Tân Hà, huyện Hàm Tân vào thập niên 1990. Sau đó bà chuyển về Suối Kiết vì nơi đây còn nhiều cây buông hơn. Loại cây này “tự sinh tự diệt”, nó ra buồng rồi chết, không nhân rộng ra trồng được như những cây khác. Chính vì vậy, buông ở đây ngày một cạn kiệt, phần vì con người phá để chuyển sang cây trồng khác, phần vì khai thác vô tội vạ, cây không kịp phát triển. Nhớ không nhầm vào những năm 1997, có hợp tác xã bảo tồn cây buông nhưng bất thành”.

Theo lịch sử Đảng xã Suối Kiết và các nguồn tư liệu khác do lãnh đạo xã Suối Kiết cung cấp, năm 2001, UBND tỉnh giao cho HTX Lâm Nông nghiệp Suối Kiết 814 ha đất lâm nghiệp thuộc Tiểu khu 332 quản lý phục hồi, nuôi dưỡng, bảo tồn gen, trồng và phát triển cây buông nhằm để phát triển sản xuất, chế biến mặt hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu góp phần nâng cao đời sống nhân dân, ổn định tình hình an ninh trật tự, bảo vệ môi trường. Nhưng diện tích buông ngày càng thu hẹp do người dân xâm lấn chặt phá trồng cây có giá trị kinh tế cao như cao su, cây ăn quả khác chỉ còn lại 294 ha. Số diện tích đất này hiện các xã viên của HTX canh tác cao su, điều sau khi UBND huyện Tánh Linh có quyết định giải thể HTX vào năm 2013. UBND tỉnh đã đưa diện tích đất này ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng.

Một nhà vườn ý thức giữ lại cây buông.

Bùi Chí Linh cũng như nhiều người dân khác trong vùng khao khát cây buông hồi sinh.

Nhà ông Thông cũng giữ lại cây buông vì biết loài cây "tự sinh tự diệt".

Khao khát trở lại

Nhân dân trong vùng bao gồm cả cán bộ địa phương ai cũng khẳng định, nó là loài cây “tự sinh tự diệt” khó nhân bản. Với những minh chứng, nhiều cơ sở du lịch vào đây xin bứng cây buông về trồng, nhưng đều chết. "Tôi cũng đã từng bứng cho người quen ở Phan Thiết mang về trồng, nhưng cũng không sống được. Loài cây này mọc lên ở đâu thì để yên chỗ đó nó tự phát triển, chứ bứng chuyển đi nơi khác trồng là nó chết. Vì sao cây chết, chỉ có chuyên gia nghiên cứu về nó thì mới biết, người dân ở đây cứ nghĩ loài cây này mọc lên từ rễ chứ không phải từ hạt vì ươm thử rồi nhưng không đạt”, ông Nguyễn Thông, trưởng thôn 3, xã Suối Kiết, người “bắc cầu” cho tôi gặp bà Thu Đông nói trong lúc dẫn tôi đến rẫy cao su của nhà mình có nhiều cây buông và một nhà vườn đang bảo vệ vài cây để làm kiểng. “Gia đình tôi từng một thời làm đũa buông cung cấp nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Sau này không làm nữa vì cây buông bị chặt phá không còn nguyên liệu, gia đình hiện đang giữ lại một số cây trong rẫy cao su”, ông Thông chia sẻ.

Chị Võ Thị Quý thu mua lá buông.

Lời ông Thông nói làm tôi nhớ đến hình ảnh Bùi Chí Linh, thôn Suối Giêng, xã Tân Đức, huyện Hàm Tân mệt nhoài người ngồi phịch xuống hiên nhà sau một ngày đi săn búp cây buông chở về nhà. Linh chống hai tay ngả người về phía sau nói: “Hôm nay em về sớm, có hôm chiều tối mới về vì phải đi tìm buông. Trước đây, ra khỏi nhà là chặt được búp, bây giờ đi hàng chục km không có buông. Cái nghề này mệt nhưng lại có ăn hơn nghề khác, vì không lo đầu ra, cứ có búp buông tươi hoặc phơi khô là có người tìm đến thu mua”.

Cơ sở thu mua lá buông lớn nhất huyện Hàm Tân của bà Võ Thị Quý ở xã Tân Hà, khuất sau nghĩa trang vắng lạnh và rừng keo âm u, xa khu dân cư. Bà đang thu mua búp buông tươi của một cặp vợ chồng trẻ nhớ lại những năm tháng khởi nghiệp cách đây hơn 20 năm đầy khó khăn. Đến nay bà đã gầy dựng được rất nhiều mối thu mua lá buông trong và ngoài tỉnh, nhất là ở các tỉnh phía Bắc, phía Nam như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bến Tre, Đồng Nai, Nha Trang, Hà Nội. Họ thu mua để làm hàng thủ công mỹ nghệ gồm giỏ xách, mành treo cửa, lồng chụp đèn, nón, dép, giỏ xách, giỏ đựng quà, cây ghim hoa, đũa ăn… Giọng bà chùn xuống vẻ tiếc nuối: “Trước kia một ngày mình thu mua 4 - 5 tấn, hiện nay chỉ khoảng vài trăm kg/ngày mà không có để thu mua. Hiện nay cây buông bị người ta chặt phá hết rồi!”.

Người dân từ Hàm Tân đến Tánh Linh xem cây buông là nguồn sống, nhưng không biết còn được bao lâu vì buông đang ngày càng cạn kiệt.

Đừng bỏ cây buông

Chia sẻ với nhiều người về số phận cây buông trong tâm trạng tôi nghĩ các ngành chức năng liên quan có chính sách kế thừa bảo tồn cây buông. Vì nó là cây nguyên liệu phục vụ ngành thủ công mỹ nghệ, gắn liền với đời sống người dân của vùng đất một thời. Tuy nó có giá trị kinh tế không cao bằng các loại cây trồng khác, nhưng ổn định và bền vững. Hiện cây buông đang được nhiều người "săn tìm" vì các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, bảo vệ môi trường, tăng sức hấp dẫn ngành du lịch, phù hợp với xu thế của thời đại khi con người ngày càng hướng về thiên nhiên. Sử dụng hàng thủ công mỹ nghệ làm từ nguyên liệu thiên nhiên vừa đẹp, độc lạ lại vừa có lợi cho sức khỏe và môi trường.

Hàng thủ công mỹ nghệ làm từ lá buông do chị Quý cung cấp.

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hàm Tân Đặng Thành Công, người có tuổi thơ gắn liền với cây buông cũng nhận thấy cây buông có nhiều công dụng, đang là nguyên liệu rất cần cho ngành tiểu thủ công mỹ nghệ hiện nay. “Ngoài làm hàng thủ công mỹ nghệ, cây buông còn tạo ra thức ăn cho con người như nấm buông, bột biêng dùng chế biến trong bữa ăn hàng ngày... Cho đến nay tỉnh cũng như huyện chưa có chính sách phát triển, bảo tồn cây buông, vẫn còn xem nó là lâm sản phụ của rừng”, ông Công nói.

Như vừa mất đi một vật gì quý giá, tôi nghĩ đến cây thanh long dễ nhân bản - một loại cây trồng chủ lực của tỉnh hiện nay, từng là cây ăn quả bình thường chẳng ai muốn đoái hoài, nay nó lại trở thành cây trồng chủ lực của Bình Thuận nhiều người biết đến. Nếu cây buông được quan tâm bảo vệ thì nó trở thành cây đặc thù và độc quyền của vùng đất vì đầu ra của cây buông ổn định. Chỉ có vậy mới bảo vệ được cây buông, mang lại thu nhập bền vững cho người dân. Ngoài ra còn bảo vệ môi trường, tạo thêm không gian xanh phát triển du lịch và thêm sản phẩm nông nghiệp - một trong những lĩnh vực trụ cột kinh tế của tỉnh.

“Ngoài làm hàng thủ công mỹ nghệ, cây buông còn tạo ra thức ăn cho con người như nấm buông, bột biêng dùng chế biến trong bữa ăn hàng ngày... Cho đến nay tỉnh cũng như huyện chưa có chính sách phát triển, bảo tồn cây buông, vẫn còn xem nó là lâm sản phụ của rừng”.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/mot-thoi-cay-buong-118008.html