Một thập kỷ sau sự kiện 'Sunsoft', nhà phát hành game online GOSU gây bất ngờ khi thường xuyên thua lỗ

Sự kiện của Sunsoft đã liên đới khiến toàn bộ hệ thống GOSU đã bị đình đốn một thời gian dài. Lãnh đạo GOSU thời điểm đó đã phải lên tiếng mong được cộng đồng game thủ tiếp tục quan tâm ủng hộ và chia sẻ những khó khăn khách quan với tiến độ triển khai trò chơi.

Đi vào hoạt động từ năm 2012, cho đến thời điểm hiện tại nhà phát hành game GOSU cho biết đang đứng trong khoảng top 5 nhà phát hành Game online tại Việt Nam với 37 triệu người dùng trong hệ sinh thái của mình.

Cách đây khoảng 1 thập kỷ, GOSU là cái tên đình đám khi cho ra mắt tựa game Cửu âm chân kinh từng làm điên đảo cộng đồng Game thủ. Tuy nhiên, hành trình phát triển của tựa Game này cũng gặp nhiều sóng gió.

GOSU có tới 37 triệu người dùng trong hệ sinh thái của mình.

Quãng năm 2013, GOSU được biết tới như 1 đơn vị hợp tác với SunSoft, cùng triển khai tựa game Cửu Âm Chân Kinh tại Việt Nam. SunSoft cũng là đơn vị đảm nhận vận hành toàn bộ hạ tầng kỹ thuật, máy chủ trò chơi.

Tuy nhiên, cơn bão ập đến với GOSU khi công ty SunSoft bị cơ quan chức năng điều tra hành vi phát hành game không giấy phép vào tháng 4.2013.

Theo thông tin trên báo giới, GOSU được biết tới như 1 đơn vị hợp tác với SunSoft, cùng triển khai tựa game Cửu Âm Chân Kinh tại Việt Nam.

Quá trình điều tra, cơ quan Công an đã khởi tố 3 bị can trong vụ án này, gồm: Lê Thanh Minh, 34 tuổi, trú tại Võ Thị Sáu, phường 6, quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sunsoft; Ngô Minh Thắng, 30 tuổi, trú tại phường Trường An và Nguyễn Quang Hưng, 34 tuổi, trú tại phường Xuân Phú, cùng ở TP Huế (Thừa Thiên- Huế), là hai lãnh đạo của Công ty Sunsoft.

Cơ quan điều tra xác định các bị can đã cố tình nhiều lần phát hành các trò chơi game online phong cách kiếm hiệp, tiên hiệp lên mạng internet mà không có sự cho phép của cơ quan chức năng. Qua đó, thu lời bất chính hàng tỷ đồng.

Sự kiện của Sunsoft đã liên đới khiến toàn bộ hệ thống GOSU đã bị đình đốn một thời gian dài. Lãnh đạo GOSU thời điểm đó đã phải lên tiếng mong được cộng đồng game thủ tiếp tục quan tâm ủng hộ và chia sẻ những khó khăn khách quan với tiến độ triển khai trò chơi.

Sau khi “cứu” được Cửu Âm Chân Kinh, GOSU đã liên tiếp cho ra đời hàng loạt tựa game có nguồn gốc từ Trung Quốc để thu hút game thủ nạp thẻ, mua vật phẩm. Đồng thời, GOSU đã cho ra mắt cổng thanh toán mang tên GOSU pay để người chơi có thể thao tác bỏ tiền ra mua thẻ để nạp vào các tựa game.

Dù có một hệ sinh thái vây quanh nhưng kết quả kinh doanh của GOSU không như mong đợi, trái lại có phần gây thất vọng khi nhiều năm báo lỗ hoặc lãi mỏng.

Cụ thể, theo ghi nhận trong giai đoạn 2018-2022, GOSU có tới ba năm báo lỗ (2019, 2020, 2022), năm 2018 GOSU chỉ báo lãi ở mức “cho có” với hơn 500 triệu đồng. Riêng năm 2021, năm đại dịch Covid-19 bùng phát, với việc giãn cách xã hội, người dân có nhiều thời gian ở nhà để chơi game, kết quả kinh doanh của GOSU đã tăng vọt khi báo lãi lên tới 16 tỷ đồng.

Cũng trong năm 2021, doanh thu của GOSU lần đầu tiên vọt qua mốc 200 tỷ đồng, tăng 417% so với doanh thu năm 2018. Sau năm “hoàng kim”, doanh thu của GOSU co lại về mức 145 tỷ trong năm 2022.

Theo dữ liệu về doanh nghiệp, Công ty cổ phần trực tuyến Gosu có địa chỉ tại số 108 phố Lò Đúc, phường Đống Mác, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội do Trần Trọng Kiên là người đại diện theo pháp luật. Vốn điều lệ đăng ký hiện tại là 200 tỷ đồng. Danh sách cổ đông sáng lập gồm: Lê Thị Nguyệt Minh (đã chuyển nhượng), Giáp Thị Giang, Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hoàng Lê Thùy Phương. Thời điểm hiện tại, CEO của GOSU là ông Lê Thanh Minh, người đại diện pháp luật là ông Trần Trọng Kiên.

Tú Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/mot-thap-ky-sau-su-kien-sunsoft-nha-phat-hanh-game-online-gosu-gay-bat-ngo-khi-thuong-xuyen-thua-lo-lai-cho-co--i355093/