Một tấm bia quý ở chùa Du Anh - động Hồ Công đang bị xuống cấp và lãng quên

Từ trung tâm TP Thanh Hóa đi ngược lên phía Tây khoảng 40 km theo Quốc lộ 45, đến huyện Vĩnh Lộc, du khách sẽ đến dãy núi Xuân Đài để thăm động Hồ Công - chùa Du Anh, một thắng tích của xứ Thanh đã được xếp hạng.

“Trùng tu Du Anh tự bi ký” - tấm bia quý đang bị thời gian bào mòn.

“Trùng tu Du Anh tự bi ký” - tấm bia quý đang bị thời gian bào mòn.

Đến đây du khách được tiếp cận với những bia ma nhai trên vách động Hồ Công khắc lại những bài thơ của các tao nhân, mặc khách, khi đến thăm động. Nổi bật nhất là các bài thơ của vua Lê Thánh tông, Lê Hiến tông, chúa Trịnh Sâm, Nguyễn Nghiễm, Ngô Thì Sỹ, Trương Đăng Quế, Trương Đăng Đản, Lưu Công Đạo, Hồ Tư Cung...

Ngoài những bia kể trên, nằm trong quần thể danh thắng chùa Du Anh - động Hồ Công còn có một tấm bia cực kỳ quý giá, đó là tấm bia đá “Trùng tu Du Anh tự bi ký”. Sách “Thanh Hóa tỉnh - Vĩnh Lộc huyện chí” của Lưu Công Đạo - là Tri huyện Vĩnh Lộc viết vào thời Gia Long năm thứ 15 (1816), giới thiệu về chùa Du Anh như sau: “Chùa dưới chân núi Xuân Đài, xã Thiên Vực, núi xếp thành bình phong chắn phía sau, bên tả hữu có hai nhánh ôm vòng lên phía trước. Phía bên trong đỉnh Trác Phong bằng phẳng mở ra các động vừa sâu vừa rộng, động cao âm u như cảnh tiên giới, nhân đó mà dựng chùa. Hai bên nách chùa lại có hai hồ nước do thiên nhiên tạo thành, bốn mùa trong vắt, nhìn xuống tận đáy. Phía trước chùa lại có một tượng hổ phục, một tượng voi quỳ, đều làm bằng đá. Từ xa nhìn lại như một bức họa vẽ. Tam quan của chùa hai bên đều xây đá cuốn. Bên ngoài lên phía Bắc khoảng vài chục bước, dưới chân núi có một phiến đá dựng đứng, nhân đó làm thành bia, cao chừng 5 thước, bốn mặt mỗi mặt rộng khoảng 7 tấc”.

Chùa được ông Trịnh Vĩnh Lộc dựng vào niên hiệu Hoằng Định (1601-1619) đời vua Lê Kính tông. Theo các nhà nghiên cứu, Trùng tu Xuân Đài sơn Hồ Công động Du Anh tự bi ở chùa Du Anh được tạo vào tháng 10 năm Hoằng Định thứ 6, từ mỏm đá nguyên khối nằm dưới chân núi Trác Phong đối diện với chùa Du Anh trong quần thể núi Xuân Đài, động Hồ Công. Khi xưa, ai đi lên phố huyện Vĩnh Lộc cũng thấy tấm bia này. Bia vuông 4 mặt, hai mặt 1 và 3 rộng hơn một chút (kích thước 1,90m x 1,60m). Chân bia cao 0,50m, rộng 2m được chạm ba lớp hình hoa sen đỡ lấy thân bia. Mái bia được tạo tác hình mai luyện. Mặt 1 và mặt 3 trán bia chạm khắc “lưỡng long chầu nhật” cầu kỳ, khá đẹp so với hai mặt 4 và 2. Mặt 1 và mặt 3 khắc nội dung văn bia và lạc khoản, mặt 2 và 4 khắc tên tuổi các tín thí từ vua, chúa, hoàng hậu, cung phi, quận công, hoàng thân quốc thích và người dân thường. Tên và văn bia khắc kiểu chữ khải, chân. Bia do Phùng Khắc Khoan soạn. Nội dung bia ghi: Đất Thiên Vực, huyện Vĩnh Phúc (nay là thôn Thọ Vực, xã Ninh Khang, huyện Vĩnh Lộc) ở phía Tây nước Việt có núi Xuân Đài, trong núi có động Hồ Công, trong động có pho tượng đá Hồ Công và Phí Trường Phòng - học trò của Hồ Công. Cạnh động có chùa Du Anh, sông Lỗi và sông Bưởi như đôi rồng uốn khúc, núi lớn bé tựa bầy phượng ngồi trông. Hoa cỏ xanh tươi, chim thú lượn nhảy, khói mây giăng mắc cửa động, chòm xóm đông đúc tụ họp bên sông gom nhặt thành thế giới một bầu. Thật là danh thắng không hai, thiền thiên đệ nhất của Tây Đô...

Trải qua thời gian, chùa Du Anh nhiều lần bị tàn phá. Các lần trùng tu sau này thu hẹp dần khuôn viên, bia trùng tu chùa Du Anh đã cách xa chùa bởi trường học, Quốc lộ 45, mấy năm trước địa phương lại cấp đất ở cho dân ở ngay khu vực bia. Vì vậy bia chùa Du Anh hiện nay ở trong vườn một nhà dân. Một tấm bia vô tiền khoáng hậu, đặc biệt quý hiếm như vậy, nhưng đang dần bị lãng quên, bị xuống cấp, không có biển giới thiệu, không có đường vào tham quan. Mưa nắng dãi dầu, bị tác động của thiên nhiên và con người, hiện nay bia đã hư hại nghiêm trọng, nứt nẻ nhiều vết, có nhiều chữ không đọc được. Nhà nghiên cứu, du khách tham quan phải xin nhà dân mở cửa cho vào thăm.

Nằm trong quần thể danh thắng di tích chùa Thông - động Hồ Công, bia trùng tu chùa Du Anh cần phải được bảo quản tốt. Hy vọng rằng các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương khảo sát, có kế hoạch tổng thể xây dựng khuôn viên bia, làm mái che mưa chống bào mòn chữ trong bia, mở đường vào khu bia, giới thiệu quảng bá với khách du lịch.

Bài và ảnh: Nguyễn Huy Miên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/mot-tam-bia-quy-o-chua-du-anh-dong-ho-cong-dang-bi-xuong-cap-va-lang-quen/190713.htm