Một số vấn đề đặt ra với công tác tiếp công dân ở thành phố Lào Cai

Cần thừa nhận một điều rõ ràng rằng việc chưa làm tròn trách nhiệm, sự thiếu vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ, công chức ở cơ sở và cơ quan chuyên môn là một trong những nguyên nhân gia tăng số lượt tiếp, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân.

Câu chuyện này thấy rõ ở thành phố Lào Cai, nơi mà trung bình mỗi tháng các xã, phường và Ban Tiếp công dân của UBND thành phố Lào Cai đón tiếp khoảng 63 lượt công dân tới thắc mắc, có ý kiến và đơn, thư về các vấn đề như đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng và các nội dung về xây dựng đô thị, chế độ, chính sách.

Năm 2022, các xã, phường và Ban Tiếp công dân của UBND thành phố Lào Cai tiếp 749 lượt công dân với 1.009 công dân tới kiến nghị, phản ánh, gửi đơn, thư khiếu nại, tố cáo; có 12 đoàn khiếu kiện đông người trong năm qua, trong đó Ban Tiếp công dân của thành phố tiếp và tham gia giải quyết 6 đoàn. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thành phố Lào Cai tiếp tục tiếp 335 lượt với 417 công dân tới kiến nghị, phản ánh, gửi đơn, thư (chiếm 24,5% số lượt tiếp công dân toàn tỉnh), trong đó có 4 đoàn đông người, riêng Ban Tiếp công dân thành phố tiếp 140 lượt với 173 công dân. Các kiến nghị, phản ánh và khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu về nội dung đất đai, thực hiện chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng (chiếm 83% trong năm 2022 và 74% số đơn, thư trong 6 tháng đầu năm 2023).

Qua phân tích, đánh giá cho thấy nguyên nhân phát sinh các vụ, việc công dân kiến nghị, phản ánh, có đơn, thư khiếu nại, tố cáo phần lớn là bởi hệ thống pháp luật, chế độ, chính sách còn một số hạn chế (nhất là trong lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng, lĩnh vực môi trường...), thiếu đồng bộ, thường xuyên thay đổi, nhiều bất cập, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Trong quản lý đất đai có một phần là do các vấn đề lịch sử để lại, nhiều vụ, việc xảy ra đã lâu, đến nay không còn đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh, kết luận rõ bản chất sự việc nên khó giải quyết triệt để. Một số vụ, việc khó, phức tạp phải xin ý kiến của cấp tỉnh, thậm chí chờ Trung ương trả lời và hướng dẫn, khiến thời gian giải quyết kéo dài. Ngoài ra, còn một số vụ, việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị kéo dài do các trường hợp công dân đã được các cấp giải quyết đúng thẩm quyền nhưng vẫn cố đeo bám vụ việc, làm phức tạp thêm tình hình.

 Những kiến nghị của công dân thành phố Lào Cai trong các buổi tiếp cử tri nếu sớm được giải quyết, làm sáng tỏ sẽ hạn chế việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Những kiến nghị của công dân thành phố Lào Cai trong các buổi tiếp cử tri nếu sớm được giải quyết, làm sáng tỏ sẽ hạn chế việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Liên, Chánh Thanh tra thành phố Lào Cai, bên cạnh nguyên nhân khách quan, nếu nhìn sự việc một cách công bằng thì không thể không kể tới việc thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức cơ quan chuyên môn chưa thực sự trách nhiệm; tại một số xã, phường, cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ chuyên trách thiếu quan tâm đúng mực việc tiếp, giải quyết kiến nghị, phản ánh của công dân, dẫn đến gia tăng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Thống kê chung trong khoảng 5 năm trở lại đây, trên địa bàn tỉnh (trong đó có phần lớn ở thành phố Lào Cai), có 9,8% đơn, thư khiếu nại đủ điều kiện thụ lý, giải quyết của công dân được xác định là đúng, 10,4% là đúng một phần.

Có nhiều việc quyền lợi của người dân đã rõ ràng nhưng lại không được giải quyết kịp thời. Điều đó cho thấy: Hoặc cán bộ chuyên môn trách nhiệm chưa cao, hoặc do trình độ, năng lực hạn chế, sợ sai, không dám làm, không dám tham mưu thực hiện.

Ông Nguyễn Ngọc Liên, Chánh Thanh tra thành phố Lào Cai

Để chứng minh cho nhận định đó, lãnh đạo Thanh tra thành phố Lào Cai đã nêu một số ví dụ điển hình. Đó là trường hợp công dân Nguyễn Văn Ng., trú tại phường Xuân Tăng từng nhiều lần thảo đơn, thư đề nghị tới Ban Tiếp công dân thành phố đề nghị được đáp ứng quyền lợi khi bị thu hồi đất. Nội dung đã được chuyển cho cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương nhưng việc giải quyết không thấu đáo, thiếu kịp thời, chỉ đến khi thành viên Ban Tiếp công dân cùng sâu sát, ông Ng. mới được nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng và đến tháng 6/2023 ông mới được cấp đất tái định cư.

Hoặc trường hợp ông Lưu Quý Nh., trú tại phường Bắc Lệnh. Năm 2008, ông Nh. phải di chuyển khẩn cấp đến nơi ở mới do thiên tai, bão lũ và ông được cấp 1 lô đất tái định cư. Phần đất cũ của ông Nh. không được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thu hồi, thống kê, giải phóng mặt bằng (lỗi thuộc về cơ quan thực thi nhiệm vụ) nên 2 người con của ông Nh. vẫn cư trú tại đây.

Năm 2013, một dự án đầu tư lấy đến phần đất (cũ) của ông Nh. nhưng không giao đất tái định cư cho 2 người con trai của ông Nh. Nhiều lần ông Nh. và con ông có ý kiến phản ánh nhưng không được giải quyết. Năm 2019, gia đình ông chính thức có đơn đến Ban Tiếp công dân thành phố Lào Cai, việc phối hợp giải quyết sau đó được tiến hành. Đến năm 2021, các con của ông Nh. được cấp đất tái định cư và sự việc khép lại.

Theo lãnh đạo cơ quan Thanh tra thành phố Lào Cai, để giảm bớt các vụ, việc tiếp công dân và đơn, thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo thì bên cạnh việc nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, việc cần thiết là nêu cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở, các cơ quan chuyên môn, nhất là đội ngũ cán bộ chuyên trách. Trong từng trường hợp cụ thể cần có sự vào cuộc quyết liệt, giải quyết triệt để từ cơ sở, tránh tình trạng “đá bóng lên trên”, hạn chế sự việc “cái xảy nảy cái ung”, để người dân bức xúc, khiếu kiện kéo dài, đông người, vượt cấp và phức tạp. Bên cạnh đó là phát huy vai trò của ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát, phản biện và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/mot-so-van-de-dat-ra-voi-cong-tac-tiep-cong-dan-o-thanh-pho-lao-cai-post373656.html