Một số thất bại khó tin của các điệp viên Anh

Cụm từ 'điệp viên Anh' gắn liền với hình tượng James Bond: Một quý ông mưu trí, thông minh và bách chiến bách thắng. Tuy nhiên, theo nhận xét của các nhà sử học Anh Adam Curtis, chuyên gia về tình báo Anh, nhân vật này không hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Ông khẳng định rằng ngoài những thành tựu, lịch sử tình báo Anh cũng ghi nhận một số thất bại, xuất phát từ sự thiếu chuyên nghiệp của các điệp viên. Xin giới thiệu một số thất bại khó tin nhất của các điệp viên Anh thế kỷ XX.

Thủ tướng cũng bị nghi làm gián điệp

James Bond, nhân vật bất khả chiến bại trong các cuốn sách của Ian Fleming, trở nên nổi tiếng khắp thế giới và cùng với ông là Cục Tình báo mật MI.6. Các cuốn sách của nhà văn, đặc biệt là các bộ phim chuyển thể, đã tạo ấn tượng rằng tất cả các điệp viên Anh đều cực kỳ thông minh, mưu trí, và có phong cách quý tộc Anh.

Thủ tướng Anh Harold Wilson.

Tuy nhiên, trong các tác phẩm của một nhà văn Anh nổi tiếng khác, John Le Carré, hình tượng điệp viên Anh gần với thực tế hơn nhiều. Trong các cuốn sách của mình, ông đã bóc trần “sự hoàn thiện” của các điệp viên và mô tả cuộc sống đời thường tẻ nhạt của họ. Le Carré biết rất rõ điều này: bản thân ông đã nhiều năm cộng tác với các cơ quan tình báo và hoạt động dưới vỏ bọc.

Mặc dù các câu chuyện của Fleming rất hấp dẫn, nhưng xem ra, sự hoài nghi của Le Carré lại gần với thực tế hơn. Adam Curtis cho rằng hình ảnh một điệp viên Anh cẩn trọng với cái đầu lạnh và trái tim nóng hoàn toàn trái ngược với thực tế.

Theo ông, hoang đường nhất là ý kiến cho rằng các điệp viên biết rõ mình làm gì. Ông khẳng định rằng thay vì quan sát thế giới một cách khách quan, các điệp viên Anh thường xây dựng các thuyết âm mưu. Đến mức các cơ quan tình báo thậm chí còn nghi ngờ Thủ tướng Anh Harold Wilson hợp tác với KGB.

Mọi chuyện bắt đầu từ cuộc “săn lùng phù thủy” sau khi phát hiện ra “Ngũ quái Cambridge” - nhóm điệp viên Anh được nhân viên tình báo Liên Xô Arnold Deitch tuyển mộ năm 1934. Trên thực tế, nhóm này có hơn 25 điệp viên, và những người nổi tiếng nhất trong số đó giữ những chức vụ rất cao trong các cơ quan ngoại giao và trực tiếp trong ngành tình báo Anh.

Ngay trong quá trình điều tra, sau khi phát hiện ra 4 điệp viên đầu tiên - Burgess, Maclean, Philby và Blunt - người ta bắt đầu khẩn trương tìm kiếm “nhân vật thứ năm”. Các nhân viên của MI.5 (cơ quan phản gián Anh) đã cáo buộc và nghi ngờ tất cả mọi người về tội phản quốc: từ Thủ tướng, người đứng đầu cơ quan tình báo đến các quan chức cấp cao khác.

Sự nghi ngờ lan sang cả giới báo chí. Nổi bật nhất là Peter Wright, cựu nhân viên phản gián và là tác giả cuốn sách “Spycatcher” (“Người bắt gián điệp”), người đã ra sức buộc tội Wilson làm gián điệp. Để chứng minh suy đoán của mình, ông ta đã vô tình tiết lộ rất nhiều bí mật quốc gia. Kết quả là tác phẩm này bị cấm ở Anh, nhưng có thể dễ dàng tìm thấy nó ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới.

Ngài Stephen Lander, cựu Tổng Giám đốc MI.5.

“Năm 1964, sau khi Harold Wilson trở thành Thủ tướng, James Angleton, Trưởng phòng phản gián của CIA, đã tới Anh để gặp Furnival Jones, Tổng Giám đốc MI.5. Angleton khẳng định rằng Wilson là điệp viên Liên Xô và đồng ý cung cấp thông tin chi tiết hơn với điều kiện không để nó lọt vào giới chính trị. Lời buộc tội thật vô lý, nhưng lưu ý vị thế của khách, người ta buộc phải xem xét nó một cách nghiêm túc”, - Peter Wright viết.

Peter Wright coi một số chuyến công tác ở Liên Xô là chứng cứ chính chống lại Wilson và mô tả tỉ mỉ việc những người cộng sản tuyển mộ Thủ tướng mà không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào.

“Có lẽ, bí mật quốc gia thực sự nằm ở chỗ các điệp viên Anh làm việc không tốt lắm và hiểu biết thế giới không nhiều lắm”, - nhà sử học Adam Curtis viết về những người đồng bào của mình.

Nạn nhân tiếp theo

Việc phát hiện các điệp viên Cambridge dẫn đến những cuộc truy lùng ráo riết trong chính cơ quan tình báo: các điệp viên cố gắng tìm được càng nhiều kẻ phản bội càng tốt để chứng minh rằng họ phạm sai lầm không phải vì thiếu trình độ chuyên môn, mà vì hoạt động phá hoại. Nạn nhân tiếp theo là Graham Mitchell. Điệp viên thành đạt và sinh viên tốt nghiệp Đại học Oxford này rất giỏi chơi cờ thư tín và thậm chí còn đứng thứ năm thế giới về môn thể thao trí tuệ này.

“Graham Mitchell là một người thông minh nhưng yếu đuối”, - Peter Wright, đồng nghiệp của ông, viết. Quan điểm của ông ta là: để quản lý một lưới điệp viên rộng lớn trong các cộng đồng người lưu vong ở nước ngoài, kể cả các cộng đồng ở Ba Lan và Tiệp Khắc cần tuyển mộ thật nhiều điệp viên hai mang. Theo Wright, Mitchell tin rằng sẽ có lúc các điệp viên hai mang này xâm nhập vào lưới điệp viên ngầm và trở nên hữu ích. Điều này chưa bao giờ xảy ra.

Mitchell còn nổi tiếng là người xây dựng phương pháp kiểm tra lòng trung thành của các viên chức chính phủ. Phương pháp của ông rất khác với phương pháp của Mỹ. Nếu ở Mỹ, theo phương pháp của Thượng nghị sĩ McCarthy, có gần 10.000 người bị sa thải và 15.000 người xin từ chức, thì sau 35 năm kiểm tra, người Anh chỉ sa thải 25 người! Và họ đã làm điều này cực kỳ thận trọng, không có những tuyên bố ồn ào. Thông thường, những kẻ bị tình nghi lặng lẽ chuyển sang các công việc “an toàn”, nơi họ không phải làm bất cứ điều gì quan trọng hoặc bí mật.

Tuy nhiên, mặc dù danh tiếng lừng lẫy như vậy, nhưng bản thân Mitchell cũng trở thành nạn nhân của sự nghi ngờ. Các đồng nghiệp cho rằng ông tiết lộ bí mật của đất nước trong những bức thư mô tả các nước cờ - ông vẫn tiếp tục chơi cờ thư tín với các kỳ thủ nghiệp dư và chuyên nghiệp khác, kể cả ở Liên Xô. Áp lực của các đồng nghiệp lớn đến mức Mitchell buộc phải nghỉ hưu sớm hơn nhiều so với dự định: ông không muốn bị điều tra.

Peter Wright, tác giả cuốn sách “Spycatcher”.

Năm 2017, sử dụng chương trình máy tính Komodo, một kỳ thủ nghiệp dư đã chơi lại ván cờ mà đại kiện tướng Mitchell thực hiện năm 1950. Ván cờ này cũng bị nghi ngờ chứa mật mã dành cho “các bạn” Liên Xô.

Theo dữ liệu của thử nghiệm phần mềm, cả ván cờ không có một nước đi nào đáng ngờ. Trong mỗi nước đi mới, các luật chơi đều được tuân thủ đầy đủ. Tác giả kết luận rằng nếu các đồng nghiệp của Mitchell am hiểu chút ít về cờ vua, họ sẽ thấy mọi lời buộc tội đều vô căn cứ.

Sự bướng bỉnh và thiếu tin tưởng

Adam Curtis coi ví dụ nổi bật nhất về sự bướng bỉnh và thiếu tin tưởng của các điệp viên Anh là câu chuyện của Michael Bettaney, nhân viên phản gián một thời gian dài được cơ quan này coi là “lý tưởng”. Ông ta được tuyển mộ khi đang học tại Đại học Oxford. Michael Bettaney là một người kỳ cục: ông ta tôn thờ Adolf Hitler và hát quốc ca Đức Quốc xã mọi nơi mọi lúc. Mặc dù vậy, cơ quan tình báo vẫn coi Bettaney là ứng cử viên phù hợp nhất: ông ta vượt qua tất cả các bài kiểm tra và được tuyển mộ.

Chuyến công tác đầu tiên đã thay đổi cuộc sống của Bettaney. Ông ta được điều động tham gia chiến đấu với quân đội Cộng hòa Ireland và bị thương mấy lần. Một lần, Bettaney tận mắt chứng kiến một trong những đồng đội của mình bị bắn vào đầu gối. Vốn là kẻ yếu bóng vía, trải nghiệm này khiến ông ta hoàn toàn suy sụp.

Trở về London, Bettaney biến thành một con người khác hẳn. Ông ta thất vọng về nghề nghiệp và rút ra kết luận rằng mình đang hợp tác với một tổ chức tham nhũng và kém cỏi. Bettaney bắt đầu uống rượu. Sau đó, nói với các đồng nghiệp rằng ông đã thay đổi quan điểm và trở thành người cộng sản.

Bất chấp sự thay đổi đó, ban lãnh đạo MI5 vẫn quyết định đề bạt ông. Bettany đã vượt qua tất cả các bài kiểm tra cần thiết và các chuyên gia lại coi ông là điệp viên lý tưởng - nhưng bây giờ là đối với người Nga. Trong khi đó, càng ngày Bettaney càng mất cân bằng và không kiểm soát được cảm xúc. Tháng 10/1982, ông bị xét xử vì hành vi côn đồ và say rượu, đồng thời bị phạt hành chính.

Tin đồn đến tai các nhân viên MI.5, và chỉ lúc bấy giờ họ mới bắt đầu nghi ngờ có điều gì đó không ổn. Hai cuộc điều tra nội bộ được tiến hành song song. Các điệp viên phát hiện ra Bettaney đánh cắp một số lượng lớn tài liệu mật nội bộ và giấu trong nhà mình.

Kẻ phản bội bị bắt vào lúc đang lấy những tài liệu quan trọng nhất từ kho lưu trữ và nhét vào hộp thư của Bí thư thứ hai Đại sứ quán Liên Xô Arkady Guk. Chỉ đến lúc đó, MI5 mới hoàn toàn nhận ra thủ phạm và đưa Bettaney ra xét xử. Ông ta nhận bản án 23 năm tù.

Nhà văn Anh John Le Carré.

Thí nghiệm trên chuột

Nhưng không chỉ có con người mà cả lũ chuột cũng đã từng làm cho thanh danh của tình báo Anh bị hoen ố. Năm 2001, Tổng giám đốc MI.5, ngài Stephen Lander, kể rằng vào những năm 1970, trong thời gian Chiến tranh Lạnh, cơ quan này dự định sử dụng “một đội chuột được huấn luyện bài bản” để truy bắt gián điệp, bọn khủng bố và biệt kích. Trước đó, cơ quan này đã thí nghiệm thành công với động vật: họ dạy chim ưng bắt bồ câu đưa thư. Tuy nhiên, thí nghiệm trên chuột lại thất bại hoàn toàn.

Biết tin các nhà khoa học Canada phát hiện ra loài gặm nhấm có khả năng phát hiện nồng độ Adrenaline trong cơ thể người tăng lên qua mồ hôi, các điệp viên cho rằng khả năng này của chuột sẽ giúp họ xác định những kẻ khả nghi và ngăn chặn tội phạm khi tham gia giao thông. Tài liệu về việc “sử dụng chuột vì mục đích bảo mật” hiện vẫn còn trong kho lưu trữ.

Kế hoạch được thực hiện như sau: tại quầy làm thủ tục nhập cảnh ở các sân bay, người ta đặt một lồng chuột. Một chiếc quạt điện được lắp ở phía hành khách và thổi gió vào đoàn người đang xếp hàng, đưa mùi mồ hôi tới lồng chuột. Khi một người quá mất bình tĩnh, chuột sẽ phản ứng ngay lập tức. Ngài Stephen Lander cho biết ý tưởng này đã được áp dụng vào thực tế tại một trong những sân bay ở nước ngoài.

Tuy nhiên, thay cho việc lùng bắt gián điệp hoặc bọn khủng bố, những chú chuột lại phát hiện ra những người sợ đi máy bay. Các nguồn tin an ninh Anh cũng chỉ ra rằng chuột không thể phân biệt được mồ hôi của kẻ vi phạm pháp luật với mồ hôi của những hành khách mệt mỏi vì phải kéo vali của mình. Thí nghiệm được thực hiện với số tiền khổng lồ đã bị hủy bỏ. Số phận của những chú chuột buộc phải ngửi mồ hôi người vì lợi ích của đất nước cho đến nay vẫn không được làm rõ.

Trần Đình

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/mot-so-that-bai-kho-tin-cua-cac-diep-vien-anh-i729163/