Một số quy định cơ bản

Pháp luật về thủ đô trên thế giới rất đa dạng ở các nhà nước liên bang và các nhà nước đơn nhất. Trên thế giới, nhiều nước đã ban hành Luật Thủ đô như: Cộng hòa Kazakhstan; Liên bang Malaysia; Thổ Nhĩ Kỳ… Một số nước có quy chế về thủ đô như Nga hoặc pháp luật về thủ đô nằm trong các văn bản như Trung Quốc… Các văn bản này đều quy định địa vị pháp lý, vai trò vị trí và cơ cấu của Chính quyền thủ đô.

Địa vị pháp lý, vai trò của thủ đô

Địa vị pháp lý và vai trò của thủ đô thường được quy định ngay trong Hiến pháp (Liên bang Nga, Belarus, Kazkhastan, Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Pháp, Bỉ, Canada) hoặc cả trong Hiến pháp và trong luật về chế định thủ đô (Liên bang Nga, Belarus). Ví dụ, khoản 1 Điều 3 Luật Thủ đô Liên bang Malaysia quy định: “Thành phố Kuala Lumpur là Thủ đô của Liên Bang Malaysia”. Hoặc Điều 1 Quy chế thành phố Moscow cũng có quy định tương tự: “Thành phố Moscow là một đơn vị hành chính nhà nước, là thành phố cấp Liên Bang và là Thủ đô của Liên Bang Nga”. Thủ đô Brussels của Vương quốc Bỉ cũng được quy định trong Hiến pháp (Điều 194). Ngoài việc khẳng định thành phố đó là thủ đô của đất nước, một số luật còn quy định cụ thể hơn về địa vị pháp lý của thành phố Thủ đô.

Chẳng hạn như Luật Thủ đô Cộng hòa Kazkhastan quy định: “Thành phố Astana - Thủ đô của Cộng hòa Kazakhstan là: Trung tâm chính trị và hành chính của đất nước; Nơi lưu trữ bản Hiến pháp gốc, mẫu Quốc kỳ và Quốc huy của Cộng hòa Kazakhstan, những báu vật này được cất giữ trong Dinh Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan “Akopda”. Ở thủ đô có Dinh Tổng thống; trụ sở làm việc của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án Tối cao và các cơ quan Nhà nước trung ương của Cộng hòa Kazakhstan”.

Thổ Nhĩ Kỳ coi Thủ đô là một pháp nhân công quản lý ít nhất 3 đô thị cấp quận hoặc đô thị loại 1, mà không định nghĩa Thủ đô là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... của đất nước.

Trung Quốc xác định Bắc Kinh là trung tâm chính trị và văn hóa của đất nước, là thành phố nổi tiếng về lịch sử và văn hóa. Trung Quốc không xác định thủ đô Bắc Kinh là trung tâm kinh tế, thương mại, mà yêu cầu “việc phát triển của kinh tế đô thị phải phù hợp với tính chất và đặc trưng của thành phố. Cấu trúc công nghiệp phải được điều chỉnh và tối ưu hóa, tập trung phát triển ngành công nghiệp có công nghệ cao và công nghệ mới, công nghiệp địa chất cần được phát triển và hạn chế chặt chẽ ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng, sử dụng lượng nước lớn, cần nhiều sự chuyên chở, chiếm không gian lớn, hoặc gây ra ô nhiễm nghiêm trọng”.

Trung tâm thành phố Astana, thủ đô Kazakhstan. Nguồn: britannica.com

Cơ cấu chính quyền thủ đô

Cơ cấu tổ chức của chính quyền thủ đô thường gồm 3 thiết chế cơ bản: cơ quan dân cử, cơ quan hành chính và người đứng đầu thành phố với các tên gọi khác nhau:

- Cơ quan dân cử: Hội đồng thành phố (Nga), Hội đồng Đại biểu (Belarus, Kazkhastan) Hội đồng Lập pháp (Ấn Độ), Hội đồng Thủ đô (Thổ Nhĩ Kỳ)...

- Cơ quan hành chính: Ban Điều hành Thủ đô (Thổ Nhĩ Kỳ), Ủy ban Hành chính (Kazkhastan, Belarus), Ủy ban Thành phố (Nga)...

- Người đứng đầu thành phố: Thị trưởng (Nga, Pháp, Kazkhastan), Chủ tịch Ủy ban Hành chính (Belarus, Kazkhastan), Phó Thủ hiến (Ấn Độ)...

Hầu hết các nước đều quy định cơ quan dân cử có chức năng lập pháp. Ví dụ, Quy chế thành phố Moscow (khoản 1 Điều 5) quy định Hội đồng thành phố Moscow là cơ quan lập pháp cao nhất và duy nhất của thành phố. Hoặc Luật Thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ quy định Hội đồng Thủ đô là cơ quan ra quyết định của Thủ đô (Điều 12). Riêng Luật Thủ đô Cộng hòa Kazkhastan và Quy chế của Belarus có quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Đại biểu. Nhìn chung, đây là những chức năng, quyền hạn bổ sung, ngoài các chức năng, nhiệm vụ đã được quy định trong Hiến pháp, luật quốc gia. Về kỹ thuật lập pháp, có hai cách quy định: thiết kế một điều về các chức năng chung, sau đó thiết kế các điều khác để quy định về nhiệm vụ của từng cơ quan cụ thể; quy định ngay trong các điều cụ thể.

Tương tự như đối với cơ quan dân cử, luật, quy chế của các nước cũng quy định về nhiệm vụ cụ thể của cơ quan hành chính Thủ đô. Theo các quy định này thì nhìn chung cơ quan hành chính có các nhóm nhiệm vụ, quyền hạn trong các lĩnh vực chính sau: lập kế hoạch; chính sách tài chính, tiền tệ; quản lý tài sản công; quan hệ với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài thành phố; xây dựng, kiến thiết thành phố, sử dụng đất và quỹ nhà công cộng; xã hội và bảo vệ môi trường; tổ chức điều hành.

Đa số luật, quy chế về thủ đô có các điều quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của người đứng đầu. Luật của Thổ Nhĩ Kỳ quy định cụ thể về địa vị của Thị trưởng, theo đó Thị trưởng là người đứng đầu cao nhất của thủ đô nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của thủ đô (khoản a, Điều 18). Hoặc Điều 26 Quy chế của Belarus quy định: Chủ tịch Ủy ban Hành chính thành phố là người có chức vụ cao nhất và là người đứng đầu cơ quan hành pháp của thành phố.

Về nhiệm vụ chính của người đứng đầu thủ đô: thực hiện chiến lược, kế hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; áp dụng các biện pháp để bảo đảm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được pháp luật giao; bảo vệ lợi ích của Thủ đô; ký kết hợp đồng, thỏa thuận thay mặt cho Thủ đô; thay mặt Thủ đô trong các quan hệ đối nội, đối ngoại của Thủ đô.

Về cơ chế bầu, bổ nhiệm người đứng đầu Thủ đô: tại Belarus, Chủ tịch Ủy ban hành chính do Tổng thống bổ nhiệm và Hội đồng Đại biểu thành phố phê chuẩn, tại Thổ Nhĩ Kỳ thì chức danh này cử tri trong địa giới Thủ đô trực tiếp bầu (Điều 17 Luật Thủ đô), còn ở Liên bang Nga do toàn dân bầu (khoản 2 Điều 40 Quy chế thủ đô Moscow). Như vậy, có bốn cơ chế: hành pháp bổ nhiệm, cơ quan dân cử bầu, cử tri Thủ đô bầu, cử tri toàn quốc bầu.

______

Trang báo được hoàn thành dựa trên tài liệu của Bộ Tư pháp

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nghi-vien-the-gioi-viet-nam-va-the-gioi/mot-so-quy-dinh-co-ban-i350605/