Một số giải pháp triển khai nhanh, kết thúc sớm các vụ việc kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo trong Công an nhân dân

Ngày 08/12/2020, Bộ trưởng Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 129/2020/TT-BCA về quy trình giải quyết tố cáo trong Công an nhân dân. Tuy nhiên, tới nay sau gần 4 năm triển khai thông tư, trong thực tế hiện vẫn còn gặp phải khó khăn, vướng mắc.

Thông tư số 129/2020/TT-BCA quy định quy trình giải quyết tố cáo, giải quyết lại vụ việc tố cáo trong Công an nhân dân, bao gồm việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung tố cáo; việc xử lý kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo và công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Tại Điều 9 Thông tư có quy định, khi nhận nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền, trong thời hạn 07 ngày làm việc, người giải quyết tố cáo phải tự mình hoặc giao cho cơ quan, đơn vị, cá nhân có chức năng tiến hành kiểm tra, xác minh về họ tên, địa chỉ người tố cáo; làm việc trực tiếp với người tố cáo và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (nếu cần thiết) để xác định các điều kiện thụ lý tố cáo theo quy định tại Điều 29 Luật Tố cáo; trường hợp phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm hoặc phải ủy quyền cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, xác minh thì thời hạn kiểm tra có thể kéo dài hơn nhưng không quá 10 ngày làm việc.

Tuy nhiên, quá trình triển khai Thông tư số 129/2020/TT-BCA trong thực tế đang gặp phải khó khăn, vướng mắc do một số các đơn vị tiến hành kiểm tra điều kiện đều chậm so với thời gian quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật tố cáo.

Nguyên nhân của những khó khăn này ngoài việc cán bộ được phân công kiểm tra xác minh thông tin người tố cáo và điều kiện thụ lý cùng một lúc phải đảm đương, tham gia kiểm tra, xác minh nhiều vụ việc khác nhau còn do một số vụ việc gặp khó khăn trong đánh giá tài liệu, xác định căn cứ, cơ sở để tham mưu lãnh đạo Bộ Công an thụ lý hoặc không thụ lý tố cáo cần phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn.

Bên cạnh đó, đối với các vụ việc không thụ lý tố cáo nhưng xác định Công an các đơn vị, địa phương còn thiếu sót (ví dụ trong phân loại, xử lý đơn, còn một số đơn vị phân loại nhầm từ đơn tố cáo thành kiến nghị, phản ánh hoặc khiếu nại, vi phạm trong trình tự, thủ tục xử lý đơn...), qua công tác kiểm tra chưa thể đánh giá ngay được, cần phải nghiên cứu, trao đổi với Công an địa phương, thu thập thêm thông tin, tài liệu cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm muộn.

Những nguyên nhân này làm ảnh hưởng đến hiệu lực thực thi của Thông tư số 129/2020/TT-BCA trong quy trình giải quyết đơn tố cáo. Trong thời gian tới, để tăng cường hiệu quả của Thông tư số 129/2020/TT-BCA, đồng thời triển khai nhanh, kết thúc sớm các vụ việc kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo theo đúng quy định, lực lượng thanh tra Công an nhân dân cần tăng cường một số giải pháp sau:

Một là, ngay từ khâu xử lý đơn đã phải xác định và tóm tắt đơn đúng, đủ nội dung tố cáo, đề xuất xử lý nội dung có cơ sở để kiểm tra, không đưa quá nhiều thông tin, dữ liệu không có cơ sở, không căn cứ để kiểm tra, tập trung tóm tắt ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, có căn cứ kiểm tra.

Hai là, Đối với đơn phải kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo, trong thời gian xử lý đơn phải xây dựng kế hoạch kiểm tra, văn bản, tài liệu có liên quan, phân công lực lượng để khi xử lý đơn xong thì có thể triển khai ngay công tác kiểm tra điều kiện thụ lý tố cáo.

Ba là, khi làm việc với người tố cáo phải giải thích để người tố cáo biết nội dung tố cáo nào có cơ sở và nội dung nào không có cơ sở, tài liệu chứng minh để người tố cáo biết và có thể sẽ rút nội dung tố cáo không có cơ sở.

Bốn là, khi thu thập các tài liệu có liên quan đến nội dung tố cáo, nếu phát hiện có sai sót, phải chỉ ra và phân tích, đánh giá nguyên nhân để tập thể, cá nhân thấy rõ thiếu sót của mình, tạo sự đồng thuận khi xử lý, đồng thời lập biên bản ghi nhận nội dung làm việc để tập hợp báo cáo kết quả kiểm tra.

Năm là, trường hợp gặp khó khăn trong đánh giá tài liệu, thông tin xác định căn cứ, cơ sở để thụ lý hoặc không thụ lý nội dung tố cáo, cần thiết phải xin ý kiến cơ quan chuyên môn thì phải kịp thời có văn bản xin ý kiến ngay để trên cơ sở kết quả trả lời của cơ quan chuyên môn, tập hợp báo cáo thụ lý hoặc không thụ lý theo quy định.

Sáu là, trường hợp gọi điện thoại với người tố cáo xác nhận các nội dung tố cáo là do người đó viết, ký tên; nội dung tố cáo liên quan trực tiếp đến người có đơn, tài liệu đủ cơ sở để thụ lý tố cáo thì có thể trao đổi với Công an xã, phường, thị trấn nơi người có đơn cư trú để xác nhận có cá nhân đó cư trú tại địa phươnghay không và có văn bản xác nhận việc cư trú của công dân (thực hiện ủy quyền kiểm tra, xác minh theo quy định tại Điều 24 Luật Tố cáo), thì không cần thiết phải làm việc trực tiếp với người tố cáo. Có thể yêu cầu Công an địa phương có liên quan đến nội dung tố cáo cung cấp thông tin, tài liệu liên quan, nếu đủ cơ sở để thụ lý tố cáo ngay thì không cần thiết phải triển khai kiểm tra, xác minh thực tế tại địa phương.

Bảy là, báo cáo kết quả tập trung xác định các yếu tố, điều kiện sau: (1) Có người viết đơn tố cáo không? Nếu có thì người đó có đủ năng lực hành vi dân sự không? (2) Vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của ai? (3) Nội dung có cơ sở để xác định người vi phạm không? (4) Nội dung, tài liệu có cơ sở để xác định hành vi vi phạm pháp luật? Nếu không thụ lý nhưng đã làm rõ được trách nhiệm, vi phạm, thiếu sót thì nêu cụ thể căn cứ, lý do không thụ lý. Trường hợp thụ lý thì chưa cần đánh giá cụ thể trách nhiệm, tính đúng sai của nội dung tố cáo vì việc này được thực hiện trong giai đoạn xác minh kết luận nội dung tố cáo.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/mot-so-giai-phap-trien-khai-nhanh-ket-thuc-som-cac-vu-viec-kiem-tra-dieu-kien-thu-ly-to-cao-trong-cong-an-nhan-dan-post574315.antd