Một số điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức cả bên trong và bên ngoài, kinh tế Việt Nam 2023 vẫn có những điểm sáng đáng chú ý.

Đầu tiên, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2023 ước tăng 5,05% so với năm trước và tổng giá trị tăng thêm theo giá cơ bản (GVA) tăng 5,22% so với năm trước. Vì GDP = GVA + thuế sản phẩm (trừ trợ cấp) nên thường tăng trưởng về GDP thấp hơn mức tăng trưởng về GVA. Năm 2023 tỷ trọng GVA bằng 92% GDP theo giá hiện hành và bằng 91% GDP theo giá so sánh. Tỷ trọng này tăng 2 điểm phần trăm so với năm 2010.

Chỉ số giảm phát GDP (GDP deflector) năm 2023 so với năm 2010 là 172%, chỉ số giảm phát GDP năm 2023 so với năm 2010 là 175%. Như vậy, sự thay đổi giá GDP của năm 2023 bình quân so với năm 2022 là 1,9%, trong khi đó chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng so với 2022 là 3,25%. Điều này dường như hợp lý, vì giá nguyên vật liệu đầu vào năm 2023 giảm 1,88%; điều này cũng dẫn đến chỉ số giá xuất khẩu giảm khoảng 0,53%. Tuy nhiên, chỉ số giá của hoạt động vận tải kho bãi năm 2023 tăng so với năm 2022 đến gần 28%, đặc biệt dịch vụ vận tải hàng không tăng 136,3%. Chỉ số giảm phát GDP tăng thấp (1,9%) có thể xem như điểm sáng trong năm 2023.

Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản và nhóm ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng GDP (3,83% và 3,02% so với 5,05%). Đạt được mức tăng trưởng 5,05% là do khu vực dịch vụ (tăng trưởng 6,82%), đặc biệt dịch vụ ăn uống và lưu trú tăng trưởng 12%, tăng trưởng của hoạt động này phần nào do lượng khách quốc tế đến năm 2023 tăng cao, đạt 12,6 triệu lượt khách, gấp 3,4 lần năm 2022, vượt xa mục tiêu đón 8 triệu lượt khách. Điều này cũng góp phần làm kim ngạch xuất khẩu dịch vụ tính chung cả năm ước đạt 19,59 tỷ USD, tăng 44,9% so với năm 2022, trong đó dịch vụ du lịch đạt 9,2 tỷ USD (chiếm 46,7% tổng kim ngạch), gấp 2,9 lần so với năm trước; dịch vụ vận tải đạt 5,5 tỷ USD (chiếm 28,1%), giảm 1,8%. Theo tính toán từ bảng cân đối liên ngành của Việt Nam tăng trưởng của nhóm ngành dịch vụ (ở phía cung) và xuất khẩu dịch vụ (ở phía cầu) lan tỏa tốt nhất đến giá trị tăng thêm và thu nhập trong nước. Đây thực sự là điểm sáng của năm 2023.

Cán cân thương mại hàng hóa năm 2023 ước xuất siêu 28 tỷ USD (năm trước xuất siêu 12,1 tỷ USD). Trong đó, xuất siêu của một số mặt hàng: Điện thoại các loại và linh kiện 44,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ 11,24 tỷ USD; thủy sản 6,4 tỷ USD; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện 5,42 tỷ USD; rau quả 3,62 tỷ USD; dây điện và cáp điện 775 triệu USD; hạt điều 451 triệu USD. Đáng chú ý là chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá hiện hành trong cân đối GDP đạt 820.797 tỷ đồng khoảng 34 tỷ USD. Nếu năm 2022 chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh âm khoảng 48 nghìn tỷ đồng thì năm 2023 chênh lệch này là dương sau nhiều năm. Đặc biệt năm 2016, chênh lệch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ theo giá so sánh âm 176,5 nghìn tỷ đồng; năm 2017 chênh lệch này lên đến xấp xỉ 239 nghìn tỷ đồng; năm 2021, chênh lệch 180,5 nghìn tỷ đồng. Đây có thể xem là một điểm sáng đầy bất ngờ của nền kinh tế Việt Nam năm 2023.

Hai điểm sáng tiếp theo đó là thu nhập bình quân của lao động quý IV.2023 ước đạt 7,3 triệu đồng/tháng, tăng 180 nghìn đồng so với quý trước và tăng 444 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước; tính chung cả năm 2023 đạt 7,1 triệu đồng/tháng, tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022. Cùng với đó, lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu đề ra. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2023 tăng 3,25%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của cả năm 2023.

Những dấu hiệu tích cực này cho thấy nền kinh tế luôn có dư địa tăng trưởng, ngay cả trong bối cảnh khó khăn. Vấn đề “muôn thủa” vẫn là khai thác hiệu quả hơn nữa các động lực tăng trưởng cũ và phát huy tối đa hiệu quả của các động lực tăng trưởng mới.

TS. Bùi Trinh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/mot-so-diem-sang-cua-nen-kinh-te-viet-nam-i357445/