Một số chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Trong những năm qua, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, coi đây là một bộ phận của công tác chính trị, tư tưởng, là khâu đầu tiên của thi hành pháp luật, là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị với nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm tăng cường công tác PBGDPL; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Bình< BĐBP Sóc Trăng phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam cho các em học sinh trên địa bàn. Ảnh: Văn Long

Cán bộ Đồn Biên phòng Trung Bình< BĐBP Sóc Trăng phát tờ rơi tuyên truyền về Luật Biên phòng Việt Nam cho các em học sinh trên địa bàn. Ảnh: Văn Long

Trong nhiều văn kiện, Đảng ta đều khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa của công tác PBGDPL; xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp tăng cường công tác này; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện.

Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: “Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật. Tập trung chỉ đạo quyết liệt, đầu tư hợp lý nguồn lực và các điều kiện để thực hiện tốt các nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật”; “Đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế; lấy quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân là trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới”.

Các yêu cầu trên cùng với các quan điểm, chủ trương, chính sách về PBGDPL của Đảng đã được đề ra tại Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; Thông báo Kết luận số 74-TB/TW, ngày 11/5/2007, Kết luận số 04-KL/TW, ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW tạo thành cơ sở chính trị đòi hỏi phải được kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa bằng những giải pháp đổi mới cụ thể. Ngày 20/6/2020, Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 80-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW.

Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật PBGDPL, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013; tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất, góp phần đưa công tác PBGDPL đi vào nền nếp, bài bản, tạo nên những bước phát triển mới. Để thi hành Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP, ngày 4/4/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL; Nghị định số 52/2015/NĐ-CP, ngày 28/5/2015 về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã ban hành các văn bản để quy định chi tiết trong ngành, lĩnh vực quản lý. Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND các cấp đều xác định trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước trong bảo đảm triển khai thực hiện công tác PBGDPL.

Các văn bản trên xác định một số chủ trương, định hướng đối với công tác PBGDPL như sau:

- PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; phát huy sự tham gia chủ động, tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và của mọi công dân trong công tác PBGDPL và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

- Công dân có quyền được thông tin pháp luật và có trách nhiệm chủ động tìm hiểu, học tập pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm quyền được thông tin, tìm hiểu, học tập pháp luật của công dân.

- Đa dạng hóa nguồn lực xã hội cho công tác PBGDPL. Đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng kinh phí, ưu tiên bố trí nguồn lực cho các nhóm đối tượng đặc thù yếu thế, đồng bào dân tộc, người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Kết hợp chặt chẽ công tác PBGDPL với nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; ý thức chấp hành pháp luật là thước đo hiệu quả công tác PBGDPL. Bảo đảm tính đồng bộ, xuyên suốt, hiệu quả giữa PBGDPL với xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật.

- Triển khai công tác PBGDPL gắn với việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm của các lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân; Mặt trận và đoàn thể nhân dân trong công tác PBGDPL.

- Kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp. Chú ý củng cố đội ngũ người làm công tác PBGDPL; có chính sách thích hợp để sử dụng đội ngũ người biết tiếng dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo và phối hợp thực hiện PBGDPL kịp thời, thực chất, hiệu quả.

- Đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức PBGDPL, bảo đảm phù hợp với nhu cầu xã hội và từng nhóm đối tượng. Kịp thời thông tin đầy đủ ngay từ khi soạn thảo các vấn đề có tác động lớn đến xã hội, các vấn đề được xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận cao trong thực thi chính sách, pháp luật. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác PBGDPL; phát huy sức mạnh của các phương tiện thông tin đại chúng; ưu tiên khung giờ thu hút đông đảo khán, thính giả đối với các chuyên trang, chuyên mục về pháp luật; nâng cao chất lượng các hoạt động đối thoại, giải đáp, tư vấn pháp luật. xây dựng và nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả đối với từng chủ đề nội dung, đối tượng, đổi mới toàn diện công tác PBGDPL trong nhà trường.

Có thể đánh giá, thể chế, chính sách về PBGDPL về cơ bản đã hoàn thiện, tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, bảo đảm thực chất, hướng về cơ sở [1] .

[1] Chuyên đề: Vai trò, ý nghĩa và chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác PBGDPL - Tài liệu kỹ năng PBGDPL cho nhân dân, Nxb Lao động, năm 2023.

Đại tá Nguyễn Văn Thắng, Viện trưởng Viện Kiểm sát quân sự BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mot-so-chu-truong-chinh-sach-cua-dang-va-phap-luat-cua-nha-nuoc-ve-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-post469002.html