Một số bất cập trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở nước ta chính thức thực hiện trên phạm vi toàn quốc từ ngày 1-1-2011. Sau hơn 10 năm triển khai, chính sách này đem lại những kết quả tích cực cho hoạt động bảo vệ, phát triển hệ sinh thái rừng và kinh tế lâm nghiệp.

Tuy nhiên, hiện nay việc thực hiện chính sách cũng đang gặp không ít bất cập, cần sớm được tháo gỡ.

Bất cập từ sự chênh lệch về giá

Báo cáo của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho thấy, trong hơn 10 năm qua, tổng số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 25.000 tỷ đồng. Trong năm 2021, thu phí dịch vụ môi trường rừng đạt hơn 3.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2020. Từ năm 2011 đến năm 2022, diện tích rừng được nhận tiền dịch vụ môi trường rừng tăng từ gần 1,4 triệu héc-ta lên hơn 7 triệu héc-ta. Phí dịch vụ môi trường rừng được các đơn vị chi trả cho cộng đồng dân cư, người dân tham gia bảo vệ, phát triển rừng giúp giảm thiểu các hoạt động vi phạm trong bảo vệ và phát triển rừng ở nước ta.

Tuy vậy, thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng đang gặp không ít bất cập. Đầu tiên là chênh lệch trong mức chi trả tại các địa phương. Cụ thể, theo ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Nghệ An, đơn giá dịch vụ môi trường rừng có sự chênh lệch lớn ở lưu vực các nhà máy thủy điện. Theo đơn giá tạm tính mà Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đưa ra, lưu vực các thủy điện: Bản Cốc, Bản Vẽ, Hủa Na, Cửa Đạt, Nậm Mô, Nậm Cắn được chi trả hơn 200.000 đồng/ha/năm. Còn ở các lưu vực thủy điện: Bản Cánh, Nậm Nơn, Khe Bố, Sao Va, Nậm Pông lại chỉ có giá dưới 100.000 đồng/ha/năm; thậm chí, ở lưu vực thủy điện Nậm Nơn chỉ có 46.000 đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, định mức chi trả khoán bảo vệ rừng cũng rất khác nhau, chỗ cao, chỗ thấp nên các hộ nhận khoán có sự so sánh về quyền lợi. Việc chi trả còn có sự chênh lệch, thực tế tại các bản có rất nhiều hộ cùng tham gia bảo vệ rừng nhưng đến khi chi trả lại chỉ có một số hộ nhận được. Vì thế, vấn đề phân chia tiền chi trả cho các cộng đồng, thôn, bản dân tộc thiểu số cần có những giải pháp linh hoạt dựa theo nguyện vọng của số đông người dân.

Cộng đồng người Mông ở xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ cúng rừng nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và phát triển rừng. Ảnh: THỪA XUÂN

Ông Đặng Ngọc Vinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Hội Tưới tiêu Việt Nam) cho biết: “Một vấn đề nữa là thu phí dịch vụ môi trường rừng với một số loại hình còn ở mức khá thấp. Chẳng hạn như mức thu phí dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện chỉ là 36 đồng/kWh. Từ đây, mức chi trả cho các cộng đồng dân cư, hộ nhận khoán không cao để họ duy trì cuộc sống và tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng. Giá điện đã tăng lên khá nhiều nên thời gian tới cơ quan chức năng cần có những nghiên cứu, đánh giá cụ thể về vấn đề tăng phí dịch vụ môi trường rừng với một số đối tượng cho phù hợp, trong đó có các nhà máy thủy điện”.

Chính sách cần tạo động lực cho người dân

Cho đến nay, nước ta mới triển khai được hai loại dịch vụ môi trường rừng là dịch vụ về nước và cảnh quan, trong khi đó vẫn còn nhiều dư địa, tiềm năng lớn cho phát triển dịch vụ môi trường rừng như dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng chưa được khai thác. Hiện nay, hoạt động nuôi trồng thủy sản trong các khu rừng ngập mặn, khu bảo tồn đang phát triển mạnh cần nghiên cứu đánh giá để tiến hành thu phí dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp. Bà Trần Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Lâm nghiệp, đề xuất: “Theo tôi, đối tượng cần mở rộng thu là doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản đối với mặt hàng tôm nuôi dưới tán rừng. Bởi vì trong chuỗi tôm sinh thái, giá trị tăng thêm phần lớn nằm ở đây. Thứ hai là nâng mức chi trả với nước, bởi mức thu dưới 50 đồng/m3 (chiếm chưa tới 1% giá 1m3 nước) là quá thấp. Việc chi trả dịch vụ môi trường rừng phải sát với giá trị mà rừng mang lại để có được nguồn tài nguyên nước, tài nguyên sinh vật để chúng ta khai thác sử dụng”.

Để tháo gỡ vướng mắc về chênh lệch trong chi trả phí dịch vụ môi trường rừng giữa các cộng đồng dân cư, nhiều địa phương đã chủ động điều tiết kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho phù hợp. Ví như tỉnh Điện Biên, từ năm 2019, với những lưu vực có đơn giá quá thấp, tỉnh đã nâng lên mức 400.000 đồng/ha/năm đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn khi tham gia nhận khoán bảo vệ rừng. Tuy nhiên, theo bà Phạm Thu Thủy, Trưởng đại diện Tổ chức Lâm nghiệp quốc tế (Cifor), việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm sự chênh lệch trong chi trả dịch vụ môi trường rừng như một số địa phương chỉ là giải pháp ngắn hạn. Để bảo đảm ổn định, lâu dài, Nhà nước cần hoàn thiện những văn bản pháp lý để bổ sung nguồn thu từ các loại dịch vụ môi trường rừng; tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng quản lý cơ sở dữ liệu về rừng; có chính sách phát triển rừng trồng một cách hiệu quả. Các cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động hơn trong việc cụ thể hóa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào đặc thù mỗi địa phương.

Bà Phạm Thu Thủy phân tích: “Theo tôi, chúng ta không chỉ chú trọng nâng cao diện tích rừng mà những chính sách đưa ra phải tạo thêm động lực để người dân cải thiện và nâng cao chất lượng rừng. Cũng tương tự như vậy, muốn tăng nguồn thu thì chúng ta phải có sự cam kết mạnh mẽ của những người sử dụng dịch vụ môi trường rừng. Muốn làm được điều này thì cần có những bằng chứng khoa học để cho họ thấy tiền họ bỏ ra là xứng đáng và họ sẵn lòng chi trả. Đấy là hai thách thức tôi thấy cần phải giải quyết căn cơ”.

Sau hơn 10 năm đi vào thực hiện, đã có hàng trăm nghìn hộ dân, các tổ chức được chi trả phí để bảo vệ và phát triển rừng. Nhằm phát huy tốt hiệu quả của chính sách này, cần giải pháp đồng bộ, bắt kịp với những thay đổi trong cơ cấu, quy mô sử dụng tài nguyên từ rừng của các đơn vị sản xuất. Từ đây cần có điều chỉnh phù hợp về mức thu phí để tăng kinh phí chi trả cho những người tham gia bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt, cơ quan quản lý nhà nước cần phối hợp với các đơn vị có thêm những chương trình nghiên cứu, đánh giá về cộng đồng, dân cư tham gia bảo vệ rừng để có được mức chi trả phù hợp với tình hình, tạo điều kiện cho người dân tích cực tham gia bảo vệ và phát triển rừng.

TUẤN PHONG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/mot-so-bat-cap-trong-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung-728701