'Một nửa thế giới' vào cuộc phân loại rác

Năm 2024, UBND tỉnh đặt mục tiêu 20% hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Để đạt mục tiêu này, rất cần sự vào cuộc của các bà nội trợ - đối tượng vừa thực hiện vừa là chủ thể tuyên truyền hiệu quả nhất trong gia đình, tổ chức hội.

Hội viên Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ phân loại rác tái chế. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Phân loại CTRSH tại nguồn giúp giảm lượng rác cần xử lý, tận dụng nguồn rác có thể tái chế và tái sử dụng, bảo vệ môi trường.

* Đã có các mô hình điểm

Nhiều năm trước, tỉnh đã triển khai thí điểm rồi nhân rộng Chương trình Phân loại CTRSH tại nguồn. Nhận thấy đây là hoạt động góp phần bảo vệ môi trường hiệu quả, ngày 24-3-2020 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn và thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian triển khai, đã xuất hiện những mô hình tương đối hiệu quả.

Điển hình trong số này là thành phố Long Khánh. Với mục tiêu trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp và hiện đại, Phòng Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với các đơn vị liên quan và phường, xã thực hiện. Ban đầu, mỗi phường chọn một tổ dân phố, tổ trưởng cùng cán bộ hội phụ nữ, đoàn thanh niên, mặt trận đến từng nhà tuyên truyền, hướng dẫn người dân. Sau đó, mô hình được nhân rộng ra các tổ, khu phố khác. Nhờ đó, đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ dân đăng ký thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn đạt hơn 80%, cao nhất trong các địa phương.

Tại huyện Thống Nhất, một mô hình cũng được duy trì hiệu quả đó là sự phối hợp giữa giáo xứ, nhà thờ với giáo dân. Theo đó, các giáo dân thay vì đem bỏ hoặc bán ve chai chất thải có khả năng tái chế thì gom lại, đưa đến nhà thờ, giáo xứ để các bạn trẻ bán mua sách vở cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn hoặc làm khu vui chơi. Theo đánh giá của huyện, đây là mô hình khá hiệu quả, được đồng bào Công giáo rất ủng hộ.

Trong các cấp hội phụ nữ, chương trình cũng được triển khai sâu rộng. Bà Phí Thị Thu Hà, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh chia sẻ, nhiều năm qua, các cấp hội đã triển khai không ít hoạt động vì môi trường như: thu gom rác tái chế, thu gom chất thải nguy hại, giảm sử dụng túi ny-lông và bao bì nhựa, phân loại CTRSH tại nguồn…

Chỉ tính riêng hoạt động phân loại CTRSH để tái sử dụng, tái chế đã có hàng chục mô hình. Có thể kể đến huyện Cẩm Mỹ với 5 mô hình Ngôi nhà xanh, 4 mô hình Biến rác thải thành tiền, 5 mô hình Phân loại và xử lý rác bằng phương pháp IMO. Huyện Long Thành với 14 mô hình Ngôi nhà xanh, 1 mô hình Phân loại rác tại nguồn vì sức khỏe phụ nữ và cộng đồng, 1 mô hình Tiết kiệm bán rác thải tái chế hỗ trợ phụ nữ bảo vệ môi trường. Thành phố Biên Hòa cũng có 7 mô hình Tổ phụ nữ thu gom rác thải tái chế bỏ heo hỗ trợ học bổng cho học sinh khó khăn, 8 mô hình Phụ nữ phân loại rác từ gia đình để bán phế liệu cho hoạt động của chi, tổ hội…

Mặc dù cho đến nay kết quả thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn chưa như mong đợi nhưng từ các mô hình trên có thể thấy việc triển khai, nhân rộng ra cộng đồng trong các đoàn thể là khả quan.

* Phụ nữ đi trước, là nòng cốt

Theo Phó chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phí Thị Thu Hà, đầu tháng 2 vừa qua, Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 6718-CV-TU về việc chấp thuận đề xuất của Ban Dân vận Tỉnh ủy về thực hiện mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh sẽ chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.

“Là đơn vị nòng cốt thực hiện mô hình dân vận khéo này, Hội Liên hiệp phụ nữ thấy được vai trò, trách nhiệm của mình và sẽ thực hiện với tinh thần quyết tâm cao, chủ động, tích cực để mô hình lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân và đạt được mục tiêu, ý nghĩa đề ra” - bà Hà chia sẻ.

Đồng Nai hiện phát sinh khoảng 2,1 ngàn tấn CTRSH/ngày. Năm 2024, UBND tỉnh đặt mục tiêu 20% hộ gia đình và 100% cơ quan thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn nhằm cải thiện môi trường.

Về cách làm, theo bà Hà, hội phụ nữ và các đoàn thể, địa phương sẽ truyền thông, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác có khả năng tái chế, tái sử dụng sau đó cho hộ gia đình ký cam kết thực hiện. Hàng tuần xe thu gom đến hộ gia đình lấy rác đưa về điểm tập kết. Chất thải này đem bán để gây quỹ hoạt động cho hội.

Phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Trần Trọng Toàn cho rằng, phân loại CTRSH tại nguồn là mô hình đã triển khai nhiều năm nhưng dân vận khéo phân loại chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng trên phạm vi cả tỉnh thì chưa có địa phương nào triển khai. Do đó, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cần lập kế hoạch chi tiết về cách thức tuyên truyền, phương án thu gom chất thải tái chế. Phòng tài nguyên và môi trường các địa phương hỗ trợ tuyên truyền đến từng hộ gia đình chủ trương của Tỉnh ủy, mô hình và bố trí điểm tập kết chất thải tái chế.

Ông Toàn cũng hy vọng, với sự tham gia tích cực, chủ động của “một nửa thế giới”, việc phân loại CTRSH tại nguồn sẽ được cải thiện, góp phần vào mục tiêu chung là bảo vệ môi trường sống và môi trường sinh thái.

Phó trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Thị Vẹn cho hay, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về bảo vệ môi trường, đầu năm nay Ban Dân vận đề xuất và được Tỉnh ủy chấp thuận mô hình dân vận khéo Phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tại nguồn. Đây là mô hình một việc làm ba mục đích: bảo vệ môi trường; tiết kiệm tài nguyên, chống rác thải nhựa; gây quỹ hoạt động, xây dựng quỹ an sinh xã hội cho tổ chức đoàn, hội ở cơ sở.

Bà Vẹn mong muốn các cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và đoàn thể xem đây sẽ là mô hình điển hình thể hiện tài dân vận khéo của mình để góp phần xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, khu dân cư văn minh hiện đại.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202403/mot-nua-the-gioi-vao-cuoc-phan-loai-rac-eb13ead/