Một ngày tại Washington, hai thái cực về quyền súng đạn

Sáng 23/6, Tòa Tối cao Mỹ ra phán quyết có lợi cho người sở hữu súng. Ngay tối cùng ngày, Thượng viện Mỹ thông qua dự luật giới hạn quyền súng đạn.

Thủ đô Washington, D.C. hiếm khi được chứng kiến những gì vừa xảy ra. Cùng trong ngày thứ năm, hai nhánh chính quyền Mỹ đã ngả theo hai hướng ngược nhau trong cùng một vấn đề.

Khoảng 22h ngày 23/6, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật có sự ủng hộ lưỡng đảng về vấn đề kiểm soát súng đạn. Dù không đột phá, đây vẫn là biện pháp đảm bảo an toàn súng đạn đáng kể nhất trong hàng chục năm qua tại Mỹ.

Nhưng 12 tiếng trước đó, Tòa Tối cao Mỹ đã giáng đòn mạnh vào quy định kiểm soát súng đạn. Phán quyết đã đẩy chính sách của nước Mỹ trong vấn đề này nghiêng về phía cánh hữu và tác động của nó sẽ có lẽ kéo dài trong nhiều năm tới.

 Người biểu tình tại Washington, D.C. để ủng hộ các biện pháp an toàn súng đạn hồi đầu tháng 6. Ảnh: New York Times.

Người biểu tình tại Washington, D.C. để ủng hộ các biện pháp an toàn súng đạn hồi đầu tháng 6. Ảnh: New York Times.

Phương hướng chính sách súng đạn Mỹ ngày càng rối

Ngày 23/6 đánh dấu chiến thắng cột mốc tại tòa án cho phong trào quyền súng đạn. Đồng thời, nó cũng mang lại thành tựu quan trọng về mặt lập pháp cho những người yêu cầu chính quyền cần phản ứng trước các vụ xả súng gần đây ở Buffalo và Uvalde.

Tuy nhiên, đối với toàn nước Mỹ, diễn biến hôm thứ năm thể hiện phương hướng chính sách về súng đạn tại đây ngày càng rối rắm, trong bối cảnh tội phạm leo thang, xả súng vẫn diễn ra, và phe bảo thủ cố vận động mở rộng quyền súng đạn.

“Quả là một ngày đầy diễn biến”, Adam Skaggs, Giám đốc pháp lý Trung tâm Luật Giffords, thuộc tổ chức Giffords hoạt động vì an toàn súng đạn, nói. “Thượng viện cuối cùng cũng đạt được sự thống nhất lưỡng đảng về các biện pháp cải cách, chủ yếu là vì một số thượng nghị sĩ Cộng hòa nghe thấy lời thúc giục hành động từ cử tri”, ông Skaggs nói.

“Nhưng Tòa Tối cao làm lu mờ mọi thứ bằng lối diễn giải quyền súng đạn không hề thống nhất với mong muốn của đảng viên Dân chủ, đảng viên độc lập và thậm chí là của nhiều đảng viên Cộng hòa”, ông Skagss chỉ ra. “Mọi thứ từ đây sẽ ra sao?”.

Cụ thể, Tòa Tối cao Mỹ đã bác đạo luật 100 năm tuổi của bang New York, vốn giới hạn quyền mang súng tại nơi công cộng. Trước mắt, phán quyết này sẽ buộc 5 bang, bao gồm New York, California và New Jersey, phải nới lỏng đáng kể quy định kiểm soát súng.

 Súng đạn được trưng bày tại một cửa hàng ở Mỹ. Ảnh: AP.

Súng đạn được trưng bày tại một cửa hàng ở Mỹ. Ảnh: AP.

Trong phần ý kiến số đông của phán quyết, thẩm phán Tòa Tối cao Clarence Thomas cho biết các tiểu bang vẫn có thể tiếp tục cấm súng ở nơi công cộng “nhạy cảm”, như trường học, tòa án và văn phòng chính quyền. Nhưng ông cảnh báo nhà chức trách địa phương không nên có định nghĩa quá rộng.

“Nói đơn giản, New York không có cơ sở lịch sử để tuyên bố toàn bộ đảo Manhattan là ‘nơi nhạy cảm’ chỉ vì nơi này đông dân và chịu sự bảo vệ tổng thể của Phòng Cảnh sát New York”, ông Thomas viết.

Tuy phán quyết không trực tiếp nhắc tới quy định liên bang về súng đạn, luật sư cho Bộ Tư pháp Mỹ đang rà soát lại hệ quả của nó. Họ tin rằng một số hạn chế như cấm đem súng vào tòa án vẫn sẽ có hiệu lực, nhưng họ không chắc chắn về quy định cấm mang súng vào địa điểm khác, như bưu điện hay bảo tàng.

Động thái làm suy yếu luật súng đạn cấp tiểu bang được nhiều bên lường trước, nhưng Tòa Tối cao đã gây ngạc nhiên với thời điểm công bố phán quyết. Hầu hết phụ tá tại Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng đều tin rằng phán quyết sẽ tới vào tuần sau, gần cuối kỳ làm việc của tòa.

Phán quyết tiếp sức cho dự luật?

Tuần này, sự chú ý đổ dồn hết vào Thượng viện Mỹ và đến ngày 23/6, cơ quan này đã có thể thỏa hiệp về gói quy định kiểm soát súng đạn. Với diễn biến ấy, hôm 23/6 đã trở thành một trong những ngày quan trọng nhất trong lịch sử trải dài nhiều thế kỷ chứa đầy rắc rối của Mỹ với súng đạn.

Dự luật mới sẽ mở rộng phạm vi kiểm tra lý lịch đối với người muốn mua súng dưới 21 tuổi, khuyến khích các bang thông qua luật cho phép tạm tước súng của người bị tòa cho là nguy hiểm… Văn bản này vẫn cần được Hạ viện Mỹ bỏ phiếu phê chuẩn, nhiều khả năng là vào tuần sau.

 15 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã liên minh với phe Dân chủ để thông qua dự luật mới vào ngày 23/6. Ảnh: New York Times.

15 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã liên minh với phe Dân chủ để thông qua dự luật mới vào ngày 23/6. Ảnh: New York Times.

Do được công bố trước, phán quyết của Tòa Tối cao Mỹ được cho là đã giúp củng cố lập luận của các đảng viên Dân chủ về sự cần thiết phải thông qua đạo luật kiểm soát súng đạn.

“Bối cảnh quy định pháp lý ngăn ngừa bạo lực súng đạn của ngày hôm nay khác hẳn so với chỉ 48 tiếng trước đó”, bà Kris Brown, Chủ tịch tổ chức ủng hộ kiểm soát súng đạn Brady, nói. “Phán quyết của tòa chỉ càng làm nổi bật lên việc Thượng viện Mỹ cần phải hành động và thông qua dự luật”.

Phán quyết của Tòa Tối cao Mỹ cũng phần nào đem lại “chiếc ô che chắn” cho những thượng nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo trên.

Chẳng hạn, ngay sau khi tán dương sự thống nhất lưỡng đảng giúp thông qua dự luật kiểm soát súng đạn, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, đảng viên Cộng hòa từ bang Nam Carolina, đã có tuyên bố mạnh mẽ ủng hộ quyền sở hữu súng.

“Một ngày tuyệt vời cho tu chính án thứ hai (quy định trong hiến pháp Mỹ cho phép người dân mang vũ khí - PV)”, ông Graham viết. “Phán quyết của tòa tối cao là một ví dụ nữa củng cố quan niệm tu chính án thứ hai là quyền cá nhân có gốc rễ từ năng lực bảo vệ bản thân và tài sản”.

Khoảnh khắc nghị sĩ Mỹ rút súng giữa cuộc họp về kiểm soát súng đạn Hạ nghị sĩ Greg Steube thuộc phe Cộng hòa lần lượt tra các loại băng đạn khác nhau vào súng để ra lập luận phản bác dự luật kiểm soát súng đạn.

Quốc Đạt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mot-ngay-tai-washington-hai-thai-cuc-ve-quyen-sung-dan-post1329505.html