'Một ngày làm sinh viên': Cách hướng nghiệp thực tế, sinh động

Hình thức đưa học sinh cuối cấp đi tham quan, trải nghiệm môi trường học tập tại các trường đại học là một trong những cách thức hướng nghiệp đang được nhiều trường THPT trong nước thực hiện. Nắm bắt xu hướng này, mới đây Trường THCS & THPT Bến Quan phối hợp với Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm 'một ngày làm sinh viên'. Mô hình định hướng nghề nghiệp khá sinh động và thực tế này đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng những bạn học sinh vùng cao huyện Vĩnh Linh.

Giảng viên Trường Đại học Khoa học hướng dẫn học sinh Trường THCS&THPT Bến Quan làm xà phòng thơm trong phòng thí nghiệm -Ảnh: M.L

Học sinh hào hứng tham gia

Em Lê Thị Hiếu, học sinh lớp 12B1, Trường THCS &THPT Bến Quan nhớ lại, trước chuyến đi, thầy cô ở trường có thông báo là học sinh sẽ được trải nghiệm các hoạt động tại trường đại học theo từng nhóm. Khi ấy, nhìn vào danh sách Hiếu thấy có hoạt động trải nghiệm “Kiến tạo hành tinh xanh” nên rất tò mò và đăng ký tham gia.

“Em được trải nghiệm làm giấy tái chế từ rơm. Tham gia hoạt động này em mới biết từ một phụ phẩm nông nghiệp, rơm đã trở thành nguồn tài nguyên có giá trị giúp giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm rác thải nhựa khi rơm là nguyên liệu để tạo nên những sản phẩm thân thiện với môi trường như giấy vẽ, túi đựng, bookmark, quạt...

Em rất vui vì mình được tận tay làm ra sản phẩm từ dự án “Chuyến đi của rơm”, một dự án rất có ý nghĩa của các anh chị sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học và có sản phẩm mang về làm kỷ niệm”, Hiếu chia sẻ.

Không chỉ làm giấy tái chế từ rơm, trong thời gian một ngày, gần 100 học sinh Trường THCS & THPT Bến Quan còn được trực tiếp tham gia các hoạt động trải nghiệm khác như: làm MC truyền hình tại hệ thống trường quay ảo; làm xà phòng thơm từ phòng thí nghiệm với nguyên liệu thân thiện với môi trường; điều khiển xe tự động dò đường và lập trình điều khiển hệ thống nhúng; tham quan rừng ngập mặn Rú Chá.

Em Võ Văn Đức Tài sau khi được trải nghiệm làm MC truyền hình tại hệ thống trường quay ảo của Khoa Báo chí, Trường Đại học Khoa học thì quyết định đây sẽ là một trong những ngành học mình đăng ký xét tuyển trong kỳ tuyển sinh đại học sắp tới.

Em Lê Thị Hiếu (hàng đầu, ngoài cùng bên trái) hào hứng với trải nghiệm làm giấy tái chế từ rơm -Ảnh: M.L

“Ngoài việc tiếp cận với các thiết bị, dụng cụ học tập phục vụ chuyên ngành, em còn được trải nghiệm thực tế một buổi ghi hình thử làm MC dẫn một bản tin trên sóng truyền hình. Dù lần đầu thực hiện công việc này nhưng em cảm thấy không quá khó, không bị run khi ngồi trước ống kính của máy quay vì được các anh chị động viên và có máy nhắc chữ, thiết bị hỗ trợ cho MC... Ngoài ra, em được đặt câu hỏi về lĩnh vực mình quan tâm và được các giảng viên trực tiếp giải đáp cũng như khơi nguồn đam mê với ngành học này”, Tài hào hứng nói.

Cần thêm nhiều trải nghiệm thực tế

Hình thức đưa học sinh tham quan, trải nghiệm “một ngày làm sinh viên” là một trong những cách thức hướng nghiệp hiệu quả hiện nay của nhiều trường THPT và đại học trong nước. Tuy nhiên, với học sinh cấp THPT ở tỉnh Quảng Trị thì vẫn còn khá mới mẻ, một phần do trên địa bàn không có các trường đại học quy mô, đa dạng ngành nghề trong khi việc tổ chức cho học sinh đến tham quan các trường đại học ở các tỉnh, thành phố trong nước không dễ bởi liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó khó khăn nhất là chi phí đi lại. Đây cũng là một thiệt thòi cho học sinh Quảng Trị.

Chia sẻ về vấn đề này, thầy giáo Hồ Duy Hậu, Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Bến Quan cho biết, cuối tháng 2/2024, Khối thi đua các trường THPT trên địa bàn tỉnh tổ chức cho hiệu trưởng các trường THPT & các trung tâm thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị đến tham quan một số trường đại học ở Huế và Đà Nẵng.

“Sau chuyến đi này, tôi rất tâm đắc với môi trường học tập của các trường đại học nên mong muốn cho học sinh của trường được trực tiếp tham gia, tạo động lực cho các em nỗ lực phấn đấu”, thầy Hậu nói. Từ ý tưởng này, thầy Hậu đã kết nối, đặt vấn đề với lãnh đạo Trường Đại học Khoa học để đưa học sinh vào trải nghiệm môi trường học tập của trường.

Với số lượng học sinh lớp 12 của trường tương đối ít (dưới 100 em), trong đó có nhiều học sinh là người dân tộc thiểu số, sống ở địa bàn vùng sâu vùng xa, ít có cơ hội tiếp cận với giảng viên, sinh viên các trường đại học cũng như các thông tin tuyển sinh nên đề xuất của thầy Hậu được Ban giám hiệu Trường Đại học Khoa học đồng ý. Để tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan, trải nghiệm, Trường Đại học Khoa học đã hỗ trợ toàn bộ chi phí cho học sinh của Trường THCS & THPT Bến Quan trong chuyến đi này.

“Đây là lần đầu tiên trường phối hợp tổ chức một hoạt động trải nghiệm cho học sinh ngoại tỉnh nhằm mục đích đồng hành với các em trong học tập, hướng nghiệp. Nhà trường tạo điều kiện để học sinh một địa bàn vùng khó được tìm hiểu thực tế về môi trường học tập, sinh hoạt và rèn luyện ở Trường Đại học Khoa học, nơi có nhiều học sinh tỉnh Quảng Trị đang theo học. Hoạt động này giúp học sinh cuối cấp THPT hiểu hơn về năng lực của bản thân; hình dung đầy đủ hơn về các ngành nghề, tạo niềm tin cho các em khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Từ đó, các em sẽ quyết tâm cao hơn nữa để có kết quả tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp đến”.

PGS. TS Trần Ngọc Tuyền

Đồng hành với học sinh của trường suốt hành trình trải nghiệm, cô giáo Thái Thị Hương Nga, Bí thư Đoàn Trường THCS & THPT Bến Quan cho biết, chuyến đi mang lại nhiều thông tin hữu ích cho các em học sinh và thầy cô giáo của trường. Không chỉ tận mắt chứng kiến cơ sở vật chất của trường đại học, tìm hiểu về chương trình học, học sinh còn được cung cấp thông tin về các phương thức tuyển sinh, chính sách học bổng, môi trường học tập, cơ hội nghề nghiệp tại đây.

“Phương thức tư vấn truyền thống như tập trung học sinh để hỏi đáp tại các cơ sở giáo dục phổ thông hay qua phương tiện truyền thông để thông tin đến học sinh những vấn đề về công tác tuyển sinh không gợi mở hết những gì các em muốn biết, muốn hỏi.

Học sinh không thể cảm nhận ngành nghề mình chọn sẽ học như thế nào, cuộc sống sinh viên cần có những kỹ năng gì, phương pháp học của sinh viên có gì khác... Được trực tiếp đến trường đại học, học sinh không chỉ được giải đáp cặn kẽ về những vấn đề liên quan mà được trải nghiệm thực tế làm sinh viên nên rất thu hút, lôi cuốn các em”, cô Nga chia sẻ.

Theo PGS.TS Trần Ngọc Tuyền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học, những năm gần đây, Trường Đại học Khoa học tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm như thế này cho học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Từ năm học 2023 - 2024, trường tiếp tục triển khai đồng thời hoạt động OPENDAY tại trường và các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, trường cũng chú trọng các trường ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn học sinh ít có cơ hội được tiếp cận với thông tin tuyển sinh, giảng viên, sinh viên các trường đại học.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/mot-ngay-lam-sinh-vien-cach-huong-nghiep-thuc-te-sinh-dong-185174.htm