Một năm sôi động của ngoại giao Việt Nam

Năm vừa qua chứng kiến nhiều chuyến công du 'chất lượng cao' của lãnh đạo Việt Nam và ở chiều ngược lại ta cũng đón nhiều lãnh đạo và nguyên thủ các nước trên thế giới.

Thông qua đây, những dấu mốc lịch sử trong quan hệ và hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế được xác lập, thể hiện rõ cam kết, tầm nhìn của ta hướng tới một nền kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng trưởng bao trùm và lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.

Những chuyến thăm mang tính lịch sử

Trong một loạt sự kiện ngoại giao năm vừa qua không thể không kể đến chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam tháng 9/2023, mở ra trang sử mới trong quan hệ hai nước khi nâng quan hệ hai nước thêm hai bậc, lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. Ảnh: Nhật Bắc

Quyết định nâng cấp quan hệ là thành quả từ sự phát triển trên nhiều mặt trong quan hệ Việt - Mỹ sau 10 năm của khuôn khổ Đối tác toàn diện. Theo đó, nhiều thương vụ, sáng kiến hợp tác đầu tư được các DN Việt Nam và Mỹ ký kết, nhằm hiện thực hóa, thúc đẩy mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm.

Có thể kể đến thỏa thuận ghi nhớ trị giá 10 tỷ USD trong lĩnh vực dịch vụ hàng không giữa Vietnam Airllines và Boeing để mua 50 tàu bay 737 Max. Hay thỏa thuận 0,55 tỷ USD giữa Hãng hàng không Vietjet và Tập đoàn tài chính lớn nhất của Mỹ Carlyle. Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng, VPBank cho biết nhận khoản vay song phương 300 triệu USD có kỳ hạn 7 năm do Tập đoàn DFC cấp.

Chuyến thăm mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước khi hai bên cùng hiện thực hóa nguyện vọng của người dân về một tương lai tươi sáng và năng động, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên toàn thế giới.

Cũng trong tháng 9/2023, ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã có chuyến công tác tham dự Tuần lễ Cấp cao Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 78, kết hợp hoạt động song phương tại Mỹ và thăm chính thức Brazil.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính có khoảng 70 hoạt động tại 5 TP và gần 20 cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế, các chính trị gia. Trong các bài phát biểu, Thủ tướng đã nêu ra 5 nhóm giải pháp chính mang tính toàn cầu, đặc biệt nhấn mạnh tăng cường lòng tin, đoàn kết, hợp tác đa phương, phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm…

Một điểm nhấn khác là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng, Nhà nước Trung Quốc. Chuyến thăm lần này cùng với chuyến thăm lịch sử tới Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 1/11/2022, ngay sau Đại hội lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, để lại dấu ấn lịch sử.

Trong chuyến thăm lần này, lãnh đạo hai bên nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại. Hai bên đã ra Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện.

Tuyên bố chung đã đề ra 6 phương hướng hợp tác lớn trong thời gian tới, bao gồm: tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng - an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát và giải quyết tốt hơn. 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực, ở các cấp T.Ư và địa phương, tạo khuôn khổ quan hệ hợp tác lâu dài, làm phong phú nội hàm hợp tác giữa hai nước.

Nhìn chung, qua chuyến thăm lần này, Đảng, Nhà nước, Nhân dân Trung Quốc và cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn những thành tựu Việt Nam đã đạt được, đường lối đối ngoại của Việt Nam, trong đó có trường phái "ngoại giao cây tre", cũng như chính sách quốc phòng "bốn không" của Việt Nam (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế).

Sáng tạo đổi mới là trọng tâm

Một trong những nội dung đáng chú ý trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Việt Nam - Mỹ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện là hai bên quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ “tầm mới”.

Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Joe Biden đã ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn và bày tỏ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Trong trao đổi, lãnh đạo hai nước nhất trí bên sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu. Việt Nam và Mỹ tuyên bố khởi động các sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn, trong đó Chính phủ Mỹ sẽ cấp khoản tài trợ gieo mầm ban đầu trị giá 2 triệu USD, cùng với các khoản hỗ trợ từ Chính phủ Việt Nam và khu vực tư nhân trong tương lai.

Cũng với tinh thần như vậy, năng lượng xanh và đổi mới sáng tạo cũng là những “từ khóa” xuyên suốt chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte.

Hình ảnh Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte đạp xe trên những cung đường Hà Nội cũng phần nào phản ánh tinh thần hướng tới nếp sống xanh, sử dụng năng lượng sạch. Trong trao đổi, Thủ tướng Hà Lan bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm sẽ là khởi đầu mới, đột phá mới về hợp tác công nghệ cao, thúc đẩy tăng trưởng xanh để Việt Nam và Hà Lan cùng trở thành "rồng xanh".

Lãnh đạo Việt Nam và Hà Lan nhấn mạnh khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là các lĩnh vực mang tính đột phá, nhất trí hai bên sẽ khai thác tối đa các tiềm năng hợp tác hai nước về công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, xây dựng nền tảng số và hệ sinh thái viễn thông, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Thông điệp về một Việt Nam mạnh mẽ trong tiến trình chuyển đổi số và phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng đã được lan tỏa trong năm qua, đặc biệt trong bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế Sáng kiến Vành đai và Con đường lần thứ ba tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Trước hàng ngàn đại biểu có mặt tại phiên thảo luận cấp cao ngày 18/10/2023, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định Việt Nam coi trọng các con đường kết nối với thế giới cả trên đất liền, trên không, trên biển và trên không gian số. Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến liên kết kinh tế, kết nối khu vực, góp phần xây dựng nền kinh tế thế giới đa kết nối, mở, bao trùm, bền vững với người dân là trung tâm.

Nhiều khung khổ hợp tác trong lĩnh vực kinh tế số cũng được xác lập thông qua các chuyến thăm cấp cao vừa qua như Quan hệ Đối tác kinh tế số - kinh tế xanh giữa Bộ KH&ĐT Việt Nam và Bộ Công Thương Singapore, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.

Khai mở những thị trường tiềm năng

Năm qua cũng chứng kiến sự kiện lịch sử - Hội nghị cấp cao lần đầu tiên giữa ASEAN và Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại Saudi Arabia. Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tham dự hội nghị và thăm Saudi Arabia.

Thông qua các bài phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ kỳ vọng hai bên cần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khơi thông các nguồn lực, đưa hợp tác bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới, trở thành điểm sáng khu vực và toàn cầu.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị ASEAN và Hiệp hội hợp tác các Tiểu Vương quốc Ả Rập vùng vịnh (GCC) cùng nhau tạo thuận lợi hơn nữa để kinh tế, thương mại và đầu tư trở thành trụ cột chính, là động lực kết nối hai khu vực, bổ trợ cho nhau cùng phát triển.

“Đây cũng là cơ hội thắt chặt hơn mối quan hệ với tất cả các quốc gia vùng Vịnh, một khu vực có tổng GDP lên đến 2.200 tỷ USD” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đánh giá về chuyến thăm.

Liên Hà

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/mot-nam-soi-dong-cua-ngoai-giao-viet-nam.html