Một năm sau thảm kịch giẫm đạp đêm Halloween, vẫn tranh cãi về trách nhiệm

Hoạt động kinh doanh tại hẻm Itaewon đã dần khôi phục nhưng một năm sau khi thảm kịch giẫm đạp xảy ra, gia đình các nạn nhân vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Hẻm Itaewon dần khôi phục hoạt động kinh doanh

Đã một năm trôi qua kể từ thảm kịch giẫm đạp khiến 159 người thiệt mạng khi đám đông tham dự lễ hội Halloween đổ dồn về con hẻm nằm gần ga Itaewon, Seoul vào ngày 29/10/2022.

Đây là thảm kịch khiến nhiều người thiệt mạng nhất tại Hàn Quốc kể từ sau vụ chìm phà Sewol vào năm 2014.

Theo phóng viên hãng tin Korea Times, những ngày này, trên con hẻm Itaewon không còn xuất hiện hàng dài cảnh sát, những chồng hoa trắng, những tấm thiệp chia buồn hay đám đông người tưởng niệm như thời gian vài tháng sau khi thảm kịch xảy ra. Thay vào đó, bầu không khí yên lặng bao trùm cả con hẻm.

Thi thoảng, một vài người đi đường dừng lại dành giây phút mặc niệm, tưởng nhớ các nạn nhân. Một vài người khác cầu nguyện khi đi ngang qua con hẻm rộng 3,2m, dài khoảng 40m này.

Bảng tưởng niệm khắc trên lối đi tại hẻm Itaewon để tưởng nhớ thảm kịch giẫm đạp xảy ra ngày 29/10/2022 (Ảnh: Korea Times).

Theo ghi nhận của phóng viên Korea Times, hẻm Itaewon - từ lâu đã được biết đến như một khu vực vui chơi về đêm sôi động tại Seoul, đang dần khôi phục sức sống sau thảm kịch kinh hoàng một năm trước.

Một nhà kinh doanh giấu tên mở cửa hàng tại khu Itaewon 14 năm về trước cho biết: “Du khách đang dần quay lại khu Itaewon. Theo tôi, lượng du khách hiện tại đến khu phố đã bằng mức 80-90% số lượng du khách vào thời điểm trước thảm kịch”.

Theo dữ liệu mới nhất từ Chính quyền Vùng đô thị Seoul và công ty thẻ tín dụng Shinhan Card, mức chi tiêu tại khu Itaewon hiện đã khôi phục về mức 98,2% so với trước thảm kịch. Dữ liệu về dân số của thành phố Seoul cho thấy số lượng du khách tới quận Itaewon vào ngày 23/9 đạt 26.600 người, tức đạt mức 87% so với con số của năm ngoái.

Quan điểm trái ngược về nguyên nhân thảm kịch

Theo Korea Times, dù Chính phủ Hàn Quốc đã mở các cuộc điều tra thảm kịch nhưng tới nay, tròn một năm sau sự việc ngày 29/10/2022, nguyên nhân gốc rễ dẫn tới vụ giẫm đạp vẫn chưa được xác minh.

Ngoài ra, chưa có quan chức cấp cao nào thuộc Chính phủ Hàn Quốc bị quy kết trách nhiệm cho thảm kịch.

Với mục tiêu làm rõ nguyên nhân dẫn tới thảm kịch, gia đình các nạn nhân đã thành lập một tổ chức đại diện và nhiều lần tiến hành biểu tình nhằm kêu gọi giới chức Hàn Quốc sớm xác minh nguyên nhân dẫn tới vụ giẫm đạp.

“Không có ai xin lỗi. Không có ai bị sa thải. Các cơ quan điều tra không công bố bất cứ thông tin nào. Chúng tôi vẫn không biết lý do vì sao con cái chúng tôi không thể trở về nhà sau thảm kịch”, ông Lee Jeong-min, người đứng đầu tổ chức đại diện cho gia đình các nạn nhân trong thảm kịch Itaewon, cho biết.

Ông Lee Jeong-min (giữa) cầm biểu ngữ có dòng chữ: "Chúng tôi sẽ nhớ mãi thảm kịch Itaewon vào ngày 29/10" trong một họp báo tại khu Itaewon vào ngày 26/10 (Ảnh: Yonhap).

Tuy nhiên, Chính phủ Hàn Quốc lại có quan điểm khác. Phái đoàn Hàn Quốc tham dự cuộc họp thường niên của Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ vào trung tuần tháng 10 cho biết chính phủ nước này đã xác minh nguyên nhân gốc rễ dẫn tới thảm kịch sau các cuộc điều tra toàn diện của cảnh sát, công tố viên.

Phái đoàn Hàn Quốc khẳng định chính phủ nước này đã thành lập tổ chức hỗ trợ gia đình các nạn nhân, tổ chức cuộc họp định kỳ với các gia đình để cung cấp thông tin liên quan tới quá trình điều tra.

Ngoài ra, Chính phủ cũng xây dựng kế hoạch nhằm ngăn chặn nguy cơ tái diễn thảm kịch.

Tuy nhiên, thông báo của phái đoàn Hàn Quốc chỉ khiến các gia đình nạn nhân thêm phẫn nộ. Các luật sư đại diện cho gia đình nạn nhân và một số chuyên gia về an toàn cho rằng những nhân tố căn bản nhất của thảm kịch đã không được điều tra.

Tổ chức đại diện cho các gia đình nạn nhân đã công bố 30 nhiệm vụ mà cảnh sát, công tố viên và giới chức về đảm bảo an toàn chưa thực hiện. Theo đó, các gia đình chỉ ra sai sót của lực lượng chức năng trong phản ứng với tình huống khẩn cấp, kiểm soát đám đông và thiếu duy trì liên lạc, trao đổi với gia đình nạn nhân.

Trong thời gian tới, các gia đình nạn nhân dự định thúc đẩy mở cuộc điều tra tìm ra sự thực do một tổ chức độc lập tiến hành và có sự tham gia của gia đình các nạn nhân.

Ngăn chặn nguy cơ tái diễn thảm kịch

Trong khi đó, các tiểu thương tại hẻm Itaewon tin rằng con hẻm hiện đã an toàn hơn sau khi cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp an toàn và kiểm soát đám đông.

Ngay chính gia đình các nạn nhân cũng hy vọng khu Itaewon sẽ sớm phục hồi và nhiều người dân, du khách sẽ quay trở lại khu giải trí về đêm này trong thời gian tới.

Bởi lẽ, các gia đình hiểu rằng khu Itaewon hay lễ hội Halloween không phải là nguyên nhân dẫn tới cái chết của người thân. Các gia đình chỉ mong muốn người dân Hàn Quốc nhớ rõ những gì đã xảy ra trong thảm kịch để ngăn chặn các sự việc tương tự tái diễn và nhằm đảm bảo an toàn cho thế hệ tương lai.

“Tôi hy vọng nhiều người sẽ tới và tham dự các lễ hội tại khu Itaewon như trước đây. Ngoài ra, chúng ta cần chú ý xem liệu những người chịu trách nhiệm về an toàn của cộng đồng có còn tiếp tục vô trách nhiệm như những gì diễn ra năm ngoái hay không”, ông Lee nói.

Tại bảng tưởng niệm khắc trên lối đi tại hẻm Itaewon có dòng chữ bằng tiếng Hàn Quốc với nội dung: “Chúng ta có những cái tên để nhớ mãi”.

Đồng quan điểm trên, ông Lee thỉnh cầu: “Hãy lắng nghe câu chuyện của những người sống sót và của gia đình các nạn nhân thiệt mạng và một lần nữa hồi tưởng lại thảm kịch Itaewon. Nếu những ký ức hồi tưởng đó được kết nối với nhau, thảm kịch tương tự sẽ không tái diễn ở đất nước chúng ta và sẽ không có thêm các gia đình phải gánh chịu nỗi đau mất đi người thân nữa”.

Hoàng Hương

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/1-nam-sau-tham-kich-giam-dap-dem-halloween-van-chua-ro-cau-tra-loi-192231029164730291.htm