Một mảnh đất, 2 chủ sở hữu?

Theo đơn của ông Bùi Văn Thêm (SN 1958, trú tại 358/1 Hùng Vương, phường Hội Thương, TP. Pleiku), giữa năm 2016, khi thực hiện dự án xây dựng kè chống sạt lở suối Hội Phú (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Nguyễn Tri Phương), cơ quan chức năng đã quyết định thu hồi một phần diện tích đất khai phá của gia đình ông theo phương án có bồi thường. Khi lập phương án thu hồi, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Pleiku và UBND phường Hội Thương đã xác định diện tích đất bị thu hồi là 186,8 m2 để thực hiện việc bồi thường.

Đồng thời, ông Thêm cũng kê khai tứ cận, cây trồng và hoa màu trên thửa đất. Tuy nhiên, sau đó, cơ quan chức năng không bồi thường diện tích đất bị thu hồi cho gia đình ông với lý do... đây là đất của cộng đồng dân cư, cụ thể là của chi hội Phụ nữ tổ 1, phường Hội Thương.

Về nguồn gốc diện tích đất này, ông Thêm cho biết: Năm 1984, vợ chồng ông được UBND tỉnh Gia Lai-Kon Tum (cũ) cấp cho mảnh đất với diện tích 285 m2 tại địa chỉ nói trên. Trong quá trình sinh sống, gia đình ông đã khai phá thêm 265 m2 đất phía sau nhà, giáp với suối Hội Phú. Từ đó đến năm 2016, gia đình ông sử dụng ổn định, liên tục trên diện tích đất khoảng 550 m2, sau này được xác định là thuộc thửa số 34, tờ bản đồ số 1 mà không có ai tranh chấp. Cũng theo phản ánh của ông Thêm, có một điều lạ là UBND phường Hội Thương xác nhận diện tích đất 186,8 m2 thuộc thửa số 34, tờ bản đồ số 1 là của chi hội Phụ nữ tổ 1 nhưng UBND TP. Pleiku lại cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE113270 cho bà Đỗ Thị Xưởng chồng lấn qua cả phần diện tích đất này.

Ông Bùi Văn Thêm bên lô đất bị thu hồi. Ảnh: T.H

Ông Bùi Văn Thêm bên lô đất bị thu hồi. Ảnh: T.H

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, phần diện tích đất 186,8 m2 bị thu hồi nằm phía sau nhà ông Thêm. Để ra khu đất này chỉ có một lối đi duy nhất từ sau bếp nhà ông Thêm vì xung quanh là con suối, hai bên có bờ rào phân định ranh giới với các nhà kế cận. Ông Thêm cho biết, trước đây, trên diện tích này, gia đình ông trồng các loại cây ngắn ngày như: rau muống, rau lang, khoai môn, chuối, nghệ...

Để xác thực thông tin, chúng tôi đã làm việc với UBND phường Hội Thương và được cho biết: Năm 1976, chi hội Phụ nữ tổ 1 đã khai phá và canh tác trên diện tích này. Ông Thêm chỉ ở đây từ năm 1984. Vì hai bên đều không có bìa đỏ nên để xác định sở hữu phải dựa vào việc lấy ý kiến của khu dân cư. Cụ thể: Tại cuộc họp ngày 6-7-2016, dưới sự chủ trì của ông Lê Bảy-Tổ trưởng tổ dân phố 1 có sự tham dự của đại diện UBND phường Hội Thương, bà Lê Thị Thanh và Huỳnh Thị Mận (tổ dân phố 1), biên bản ghi rõ: Năm 1976, chi hội Phụ nữ tổ 1 khai phá trồng hoa màu cho đến năm 1993 rồi giao cho hội viên chi hội thu hoạch môn để chăn nuôi heo. Khi chúng tôi đặt câu hỏi: Chi hội Phụ nữ làm thế nào để xác định vị trí lô đất bị thu hồi và diện tích bao nhiêu thì được cán bộ phường Hội Thương giải thích chung chung rằng, dù không canh tác nhưng vẫn phân định được ranh giới (?). Còn với câu hỏi, muốn ra thửa đất đó thì đi bằng cách nào trong khi nhà ông Thêm được xây dựng từ năm 1984 và trên thực tế chỉ có lối duy nhất đi ra từ nhà ông Thêm, cán bộ phường cho rằng có rất nhiều lối đi nhưng hiện trạng đã thay đổi do quy hoạch.

Về việc xác định diện tích đất 186,8 m2 bị thu hồi là của ông Thêm hay cộng đồng dân cư theo Công văn số 1413/UBND-NC của UBND tỉnh, bà Võ Thị Hằng-Chủ tịch UBND phường Hội Thương-khẳng định: Dựa vào giấy tờ thu thập được (phiếu lấy ý kiến của khu dân cư ngày 6-7-2016) thì diện tích đất 186,8 m2 trên là thuộc sở hữu của chi hội Phụ nữ tổ 1. Vì vậy, năm 2016, cơ quan chức năng đã bồi thường hơn 34 triệu đồng cho người đại diện của chi hội Phụ nữ tổ 1 là bà Nguyễn Thị Ánh Sáng.

Câu trả lời của phường là vậy nhưng tại Công văn số 1413/UBND-NC của UBND tỉnh do Chánh Văn phòng UBND tỉnh Ngô Ngọc Sinh ký ngày 24-6-2019 thể hiện, cả ông Bùi Văn Thêm và chi hội Phụ nữ tổ dân phố 1 đều không đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không được bồi thường khi thu hồi đất. Công văn này cũng nêu rõ, việc UBND TP. Pleiku khi triển khai công tác thu hồi, bồi thường về đất liên quan thửa đất số 34 nhưng không xem xét, xử lý đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AE113270 đã cấp cho bà Đỗ Thị Xưởng là không đúng quy định.

Cũng trong công văn này, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP. Pleiku thực hiện thu hồi Quyết định số 2258/QĐ-UBND ngày 16-12-2016 của UBND TP. Pleiku về việc thu hồi đất của cộng đồng dân cư đối với diện tích tại thửa đất số 34. Đồng thời, thu hồi Quyết định số 267/QĐ-UBND ngày 5-3-2019 của Chủ tịch UBND TP. Pleiku về việc giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Thêm vì “nhận định lô đất số 34 là của chi hội Phụ nữ tổ dân phố 1 và bồi thường cho chi hội Phụ nữ tổ dân phố 1” là không đúng quy định; yêu cầu xác định chính xác chủ thể bị thu hồi đất và được bồi thường.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo này, ngày 31-7-2019, UBND TP. Pleiku có công văn trả lời ông Thêm về việc giao các cơ quan kiểm tra, xác minh lại nguồn gốc, đối tượng sử dụng đất đối với thửa đất 34, tổ dân phố 1. Tuy nhiên, theo ông Thêm, đến nay, việc xác định đây là đất của ông hay cộng đồng dân cư vẫn chưa được các cơ quan chức năng trả lời.

Trần Hằng

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1625/201910/mot-manh-dat-2-chu-so-huu-5651958/