Một lược sử về vạn vật

'Một lược sử về vạn vật' của triết gia Ken Wilber là tác phẩm mới nhất vừa được Phanbook và Nhà xuất bản Hồng Đức giới thiệu, bản dịch của Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng.

Ken Wilber (1949) là một trong những triết gia người Mỹ có sức ảnh hưởng mạnh mẽ nhất hiện nay. Với những công trình học thuật mới mẻ, táo bạo, ông được mệnh danh là “Einstein trong lĩnh vực nghiên cứu ý thức”; là người chủ trương khởi xướng tâm lý học siêu cá nhân và lý thuyết tích hợp, mang đến cái nhìn toàn diện và sâu sắc hơn về hành trình vĩ đại của ý thức nhân loại.

Bao phủ một phạm vi lịch sử rất rộng từ Tiếng Nổ Lớn đến tận xã hội hậu hiện đại cằn cỗi ngày nay, Một lược sử về vạn vật nỗ lực tìm ra ý nghĩa trong những cách thức có tính mâu thuẫn - cơ thể, cảm xúc, trí tuệ, đạo đức, và tinh thần - mà theo đó con người đã tiến hóa.

Bìa cuốn sách Một lược sử về vạn vật. Ảnh: P.B

Dù chứa đựng một phạm vi lớn khi cùng kết hợp rất nhiều lĩnh vực, từ vật lý và sinh học, các ngành khoa học hệ thống và khoa học xã hội, nghệ thuật và mỹ học, tâm lý học phát triển và thần nghiệm triết học, các phong trào triết học đối lập nhau… Nhưng cuốn sách này lại rất cô đọng và tinh gọn.

Không chỉ mở rộng thêm những ý tưởng đã được đưa ra trong những tác phẩm trước đó của Ken Wilber, tác phẩm này còn được viết bằng lối đối thoại đơn giản và dễ tiếp cận. Hầu hết các sách của Wilber thường đòi hỏi người đọc phải biết đôi chút về những truyền thống triết học của phương Đông và tâm lý học phát triển ở phương Tây. Tuy nhiên Một lược sử về vạn vật lại nhắm đến nhóm đối tượng rộng hơn - những người chỉ đơn thuần là cố gắng đi tìm trí tuệ trong đời sống.

Nhận định về tác phẩm này, tờ Publishers Weekly cho rằng: “Với sự tổng hợp đầy ấn tượng từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, Wilber đưa người đọc bước vào hành trình khởi đầu từ Tiếng Nổ Lớn và đi đến tương lai. Ông đã tổ chức và sắp xếp nguồn tài liệu dồi dào của mình sao cho tương hợp với bản chất của quá trình tiến hóa, sử dụng lại chủ đề của những nhà tư tưởng trước đó để xây dựng một ‘lý thuyết hợp nhất’ có tình bước ngoặt trong lịch sử.

Thông qua đó, độc giả sẽ có được một cái nhìn mới mẻ hơn về những gì mình đã biết, hay nghĩ rằng mình đã biết, dù là ở bất kỳ lĩnh vực nào đi nữa.”

Chương trình giao lưu Vòng tay ôm trọn hoàn vũ

Nhân dịp ra mắt cuốn Một lược sử về vạn vật, Phanbook tổ chức chương trình giao lưu Vòng tay ôm trọn hoàn vũ, gặp gỡ và trò chuyện cùng dịch giả cuốn sách - TS. Dương Ngọc Dũng. Người dẫn chương trình là ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (Trưởng Ban Truyền thông trường Đại học Quốc tế (ĐHQG-HCM), Giảng viên thỉnh giảng Khoa Báo chí và Truyền thông trường ĐH KHXH&NV, Chủ biên quyển Tỏa sáng ở trường Đại học).

Tại buổi trao đổi, diễn giả – dịch giả, TS. Dương Ngọc Dũng – sẽ trao đổi thêm về quá trình dịch thuật tác phẩm lần này, cũng như điểm qua những nét chính nhất về sự nghiệp, cuộc đời của triết gia Ken Wilber. Từ đó có dịp giới thiệu Lý thuyết Triết học Dung nạp đã rất nổi tiếng, được đánh giá cao của ông. Đây có thể nói là lần đầu tiên mà khái niệm triết học “có một không hai” và nhiều ảnh hưởng này được giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Chương trình sẽ diễn ra lúc 9 giờ, thứ bảy ngày 22.7.2023. Địa điểm: Sân khấu A – Đường Sách TP.HCM.

PV

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-luoc-su-ve-van-vat-40294.html