Một loại củ bán hơn 94% sang Trung Quốc, kỳ vọng thu 2 tỷ USD vào 2030

Ngành sắn vẫn đang phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc, với thị phần chiếm hơn 94% trong tổng lượng xuất khẩu của các nước.

Xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng trở lại trong tháng 3/2024. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu được 314,86 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 142,09 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 14,7% về lượng và tăng 35,5% về trị giá.

Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn kỳ vọng đạt 1,8 - 2 tỷ USD vào 2030.

Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944,93 nghìn tấn, trị giá 430,44 triệu USD, giảm 3,3% về lượng, nhưng tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 3/2024, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,24% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 299,61 nghìn tấn, trị giá 133,56 triệu USD, tăng 50,7% về lượng và tăng 55,1% về trị giá so với tháng 2/2024; So với tháng 3/2023 tăng 33,2% về lượng và tăng 59,6% về trị giá.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn sang Trung Quốc ở mức 445,8 USD/tấn, tăng 2,9% so với tháng 2/2024 và tăng 19,8% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc 890,55 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, với trị giá 400,12 triệu USD, tăng 0,7% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn sang thị trường Trung Quốc và Malaysia đều tăng trưởng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2023; trong khi xuất khẩu sang các thị trường như: Đài Loan, Philippines, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản đều giảm.

Theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện nhiều nhà máy đã nghỉ sản xuất do nguồn nguyên liệu về không đều. Dự báo, mùa Hè năm 2024 đến sớm hơn năm 2023, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắn cho ngành thực phẩm chế biến trực tiếp từ sắn đang có tín hiệu giảm dần khi thời tiết nắng nóng ngay từ đầu tháng 4/2024.

Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tổ chức thu mua sắn lát nhập kho với số lượng ít do dự báo năm 2024 đầu ra sắn lát tiêu thụ giảm (ước tính giảm trên 10% so với năm 2023). Do đó, một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có định hướng khai thác mặt hàng nông sản khác đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp.

Mới đây, Bộ NN&PTNT đã phê duyệt Đề án 'Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của Đề án đến năm 2030, sản lượng sắn tươi cả nước đạt khoảng 11,5 - 12,5 triệu tấn, trong đó sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm khoảng 85%. Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn chất lượng đạt 40 - 50%. Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững đạt 50%. Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2050, ngành hàng sắn của Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững, 70 - 80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol, mỳ chính...) chiếm trên 90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 2,3 - 2,5 tỷ USD.

Về giải pháp thị trường cho mặt hàng sắn, cần giữ vững thị trường tiêu thụ sắn hiện có (Trung Quốc, Hàn Quốc...). Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (EU, Đông Bắc Á...), tháo gỡ rào cản thương mại tạo điều kiện thuận lợi cho sản phẩm sắn Việt Nam được tiêu thụ rộng trên thị trường thế giới.

Thy Lê

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/mot-loai-cu-ban-hon-94-sang-trung-quoc-ky-vong-thu-2-ty-usd-vao-2030-1099499.html