Một góc nhìn mới về đội quân 'áo vải cờ đào' Tây Sơn

Qua 'Quân đội Tây Sơn – Lịch sử bằng hình ảnh', tác giả trẻ Đào Nguyên Khánh đã hé lộ một góc rất khác về đội quân 'áo vải cờ đào' từng để lại rất nhiều bí ẩn trong lịch sử Việt Nam.

Có rất nhiều cách tiếp cận lịch sử, thế nhưng trực quan và dễ theo dõi nhất có lẽ vẫn là thông qua hình ảnh. Bằng việc lần tìm về các tư liệu trong dòng chính sử cũng như ghi chép của các giáo sĩ nước ngoài, song song với đó là việc tái hiện các mẫu hiện vật đang được trưng bày tại các bảo tàng… cuốn sách lần này cho thấy cái nhìn gần hơn vào một giai đoạn có nhiều biến động, khi việc giành lấy độc lập phải đương đầu với nhiều đối thủ, từ quân Thanh phía Bắc cho đến tàn dư của Nguyễn Ánh và quân viện trợ của Xiêm La ở phía Nam đất nước.

Chia sách ra làm bốn phần, Đào Nguyên Khánh đã khảo sát lại nhiều khía cạnh của quân đội Tây Sơn, từ bộ binh, thủy binh cho đến tượng binh. Gồm 175 tranh ảnh lịch sử và 73 ảnh hiện vật vũ khí, tập sách in màu toàn bộ và được trình bày như các tác phẩm của nhà xuất bản nổi tiếng DK.

Qua các bức tranh, mẫu vật… ở Bảo tàng Quang Trung (Bình Định), Bảo tàng Lịch sử TP.HCM… tác giả đã điểm qua được cách thức tổ chức quân đội, vũ khí sử dụng, chiến thuật và người chỉ huy một cách chi tiết, cho thấy được sự kỹ càng cũng như mức độ hấp dẫn thông qua hai chiến thắng lớn: Rạch Gầm – Xoài Mút và Ngọc Hồi – Đống Đa.

Bìa sách Quân đội Tây Sơn - Lịch sử bằng hình ảnh. Ảnh: NXB Trẻ

Vũ khí đặc trưng

Điểm nổi bật nhất của tác phẩm này là các hình ảnh về vũ khí của bộ binh Tây Sơn. Hình ảnh các loại bạch khí như kiếm, trường kiếm, kiếm cong, đoản đao… với chất lượng cao được trình bày lại, để cho thấy rõ tay nghề của những nghệ nhân thời đó. Tuy được phục vụ cho việc chiến đấu, thế nhưng yếu tố thẩm mỹ cũng được xét đến, từ hình chạm nổi rồng uốn lượn dọc theo lưỡi kiếm, cho đến phần bọc kim loại ở bao kiếm được chạm khắc “dây lá hóa rồng” mang nhiều ý nghĩa…

Không chỉ góp nhặt những gì từng có, tác giả Đào Nguyên Khánh cũng rất cố gắng truy tìm lịch sử của những vũ khí từng rất đặc trưng. Một trong số đó là hỏa hổ, thứ “có bầu lớn dài chừng một thước, khi lâm trận phun lửa, trong ống tống nhựa thông ra, trúng phải đâu, lập tức bốc cháy…”, và “vì lửa cháy dữ dội, nên gọi là hỏa hổ”.

Tác giả cũng truy tìm nguồn gốc của loại “vũ khí nền móng” này, để biết nó đã xuất hiện từ tận thế kỷ thứ 10 ở Trung Quốc với tên hỏa thương, sau đó trở thành Lê hoa thương vào thế kỷ 14.

Thần công thời Tây Sơn. Ảnh trích từ sách

Các loại hỏa khí được dùng ở nước ta. Ảnh trích từ sách

Bên cạnh những hình ảnh thật, tập sách cũng có các tranh minh họa được phỏng dựng lại bởi hai nghệ sĩ Trần Thế Anh (Thế Art) và Hoàng Minh Thư để khắc họa rõ cách thức làm việc của các loại vũ khí, cũng như phương thức kết hợp chiến đấu giữa các loại này. Những hình ảnh ấy chưa từng có trong tư liệu để lại, qua đây cũng là một cách trực quan để ta có thể hình dung về kết cấu quân đội thời đó.

Một điểm sáng khác là Đào Nguyên Khánh đã cho thấy được lịch sử sử dụng tượng binh không chỉ trong nước mà còn rộng hơn là cả quốc tế. Theo đó trận chiến đầu tiên có sử dụng voi là Kurukshetra ở Ấn Độ vào năm 3102 TCN, trong khi lần đầu chạm trán với quân châu Âu trước nhất có lực lượng này là Gaugamela do Alexander Đại Đế chiến đấu với quân đội Ba Tư vào năm 331 TCN. Bằng cách tiếp cận sâu rộng, độc giả sẽ có cái nhìn toàn vẹn về lịch sử phát triển của một binh chủng đặc biệt.

Phần về tượng binh nổi tiếng của quân Tây Sơn. Ảnh: NXB Trẻ

Tại Việt Nam, lực lượng tượng binh có mặt đã từ rất sớm, từ năm 40-43 của Hai Bà Trưng, đến Bà Triệu, cuộc chiến chống quân Minh của nhà Hồ, khởi nghĩa Lam Sơn rồi đến chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa vang danh vào năm 1789. Tác giả qua những ghi chép của các giáo sĩ phương Tây cho thấy được sự chênh lệch của đội quân này giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài ở thời bấy giờ. Những ghi chép khác về cách huấn luyện voi, cách tổ chức chiến đấu trên lưng voi… cũng được thể hiện thông qua hình ảnh một cách trực quan, có sự so sánh với quân đội Xiêm La.

Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút cũng gắn liền với lực lượng thủy binh của Tây Sơn tam kiệt. Tác giả cuốn sách bằng cách tiếp cận đa chiều đã cho thấy được lịch sử chiến thuyền từ lúc khởi phát cho đến khi chúng ngày càng cải tiến, đạt đến trình độ hiện đại thông qua Con đường gia vị mà người phương Tây vào để buôn bán. Có sự phát triển từ chiến thuyền Mông Đồng (TK 9 – TK 18), thủy binh nhanh chóng trở thành thuyền hải đạo, thuyền đa tác (triều Nguyễn)… với các trang bị quân sự, kèm theo khả năng sát thương.

Tranh ảnh tại Bảo tàng Quang Trung (Bình Định) cho thấy lực lượng tham gia đấu tranh ở thời bấy giờ. Ảnh NXB Trẻ

Làm rõ những điều ít biết

Trong tác phẩm này, những điều hiếm khi xuất hiện ở trong chính sử cũng được nghiên cứu một cách tỉ mỉ. Chẳng hạn tác giả đã cho ta thấy người Chăm với kinh nghiệm hàng hải, kỹ thuật đóng thuyền và chiến đấu trên biển; cùng với “hải phỉ” Tàu Ô đã được thu phục… chính là lực lượng đặc biệt của quân đội Tây Sơn. Những nhóm hải phỉ này được coi như là cướp biển “hợp pháp”, mà từ thế kỷ 16 nước Anh đã có những đội như thế. Đây là một sự tương đồng còn chưa được phân tích nhiều, và rất lý thú để mở ra các công trình khác để nghiên cứu sâu hơn.

Cuối cùng, hai trận nổi tiếng Rạch Gầm – Xoài Mút và Ngọc Hồi – Đống Đa cũng được kể lại. Với “sức mạnh” của việc kể chuyện thông qua hình ảnh, tác giả Đào Nguyên Khánh đã so sánh lực lượng của cả hai bên thông qua tranh ảnh của cả hai nước, từ đó làm rõ tương quan lực lượng cũng như diễn biến của các trận chiến một cách sinh động. Nó cũng góp phần đi sâu khai thác và phân tích tiềm lực quân sự của quân Xiêm trong trận Rạch Gầm Xoài Mút, cũng như nhận định thật chính xác hơn về sức mạnh của đội quân này.

Lược đồ trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh trích từ sách

Theo đó vào cuối thế kỷ 18, khi Đại Việt đang trong tình trạng nội chiến gay gắt thì vương quốc Xiêm lại đang trên đà phục hưng. Vua Rama I đã đề ra nhiều chính sách để xây dựng nhà nước quân chủ trung ương tập quyền vững mạnh, góp phần phát triển kinh tế đất nước, mở rộng ngoại thương. Vua Xiêm còn cho thi hành các chủ trương bành trướng mạnh mẽ nhằm củng cố và nâng cao vị thế quốc gia. Qua các hình ảnh về cuộc chiến giữa vương triều Ayutthaya và Lanna vào thế kỷ 15 ở quốc gia này, tác giả khẳng định đây là đội quân gần như thiện chiến và khó đối phó.

Hình ảnh vũ khí của đội quân này cũng được sưu tầm và trình bày lại, cho thấy một sự khác biệt so với quân trang của nhà Tây Sơn. Tuy vẫn là đao, kiếm, dao găm… có các chức năng tương tự, thế nhưng Xiêm La có cách trang trí tương đối khác biệt. Không còn “dây lá hóa rồng”, họ thường gắn thêm ngà voi vào các chuôi dao, cũng như sử dụng họa tiết xoắn ốc tinh xảo, giúp phần tây cầm được chắc chắn hơn.

Tác giả cũng sưu tầm thêm các thông tin về Binh thư Xiêm La vào thế kỷ 19 để so sánh với Binh thư yếu lược hiện đã thất truyền của Trần Quốc Tuấn và Hổ trướng khu cơ của Đào Duy Từ, từ đó làm rõ thế lực hai bên quân đội.

Các loại vũ khí của người Thượng (người Chăm) được thể hiện trong sách. Ảnh: NXB Trẻ

Với cách mô tả sinh động tương quan lực lượng, hoạch định chiến lược, diễn biến chiến trận và nghệ thuật tác chiến, hai trận đấu này đã được tái hiện sáng rõ, từ đó làm rõ những chi tiết nhỏ mà rất có thể lịch sử chính thống chưa đề cập. Ở trận Ngọc Hồi – Đống Đa, tác giả đã cho thấy được phương án tiến binh của quân Thanh khi nói rõ hơn về lực lượng hậu cần (dân phu, đài trạm quân sự), cách bố phòng cũng như đồn lũy viễn chinh của quân đội này…

Bằng những tìm kiếm trong sự đa dạng tư liệu và các hình ảnh trực quan, sinh động, Quân đội Tây Sơn – Lịch sử bằng hình ảnh đã thể hiện được một góc riêng biệt về các khía cạnh quân sự của lực lượng này. Là một người trẻ khát khao truyền đi tình yêu lịch sử đến cho người trẻ, tác giả Đào Nguyên Khánh qua tác phẩm này có cách nhìn mới, từ đó tạo ra cung cách tiếp cận gần gũi, lý thú và sát sao hơn.

Đào Nguyên Khánh (1987) sinh tại TP. Quy Nhơn (Bình Định). Anh hiện làm việc trong ngành marketing của một công ty đa quốc gia.

Là con trai của nhiếp ảnh gia Đào Tiến Đạt, anh có niềm đam mê đặc biệt với lịch sử nước nhà. Sau nhiều năm ấp ủ và thực hiện cuốn sách lịch sử về triều đại Tây Sơn, anh cùng NXB Trẻ đã hoàn thành quyển sách để gửi đến bạn đọc.

Minh Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mot-goc-nhin-moi-ve-doi-quan-ao-vai-co-dao-tay-son-40416.html