Một đời mắc nợ lẫn nhau

BPO - “Má bị ba bây lừa suốt mấy chục năm qua. Vàng của ổng là vàng da, vàng mắt”. Má nở nụ cười hiền nói với anh em tôi khi nhắc về lời hứa của ba ngày trước...

Hồi đó, má theo ba vào vùng kinh tế mới, bốn bề toàn là rừng rậm với vài căn nhà dọc theo đường ray xe lửa. Đêm đầu tiên nằm trên chiếc giường ghép lại bằng mấy tấm ván bìa, má không tài nào chợp mắt. Một phần má thấy tủi thân khi nhìn “căn nhà” của mình trống trước trống sau, không có gì đáng giá ngoại trừ mấy cái cưa, búa, rựa... để ba đi làm. Một phần má sợ khi nghe tiếng heo rừng sột soạt bên cạnh vách nhà và căn bệnh sốt rét như bóng ma ám ảnh. Vài hôm, ngỡ như đã quen thì tiếng kẻng vang lên báo hiệu voi về quấy phá, má phải theo ba chạy ngược lên hướng nhà ga, nơi có đông người cùng gõ kẻng, đốt lửa mong rằng “ổng” sợ mà tránh xa. Mới ở chỉ hơn mười ngày, má không chịu nổi nên nằng nặc đòi về quê với ngoại. Ba năn nỉ: “Thôi mình ráng ở sẽ quen. Mai mốt tui mua cho mình chỉ vàng để cất”. Không biết lúc đó má “trẻ người non dạ” nghe lời ngọt ngào của ba dụ dỗ hay thương ba một mình ở nơi xứ lạ mà xuôi lòng ở lại.

Năm sau má sinh tôi, rồi thêm 4 đứa nữa lần lượt chào đời. Lời hứa của ba cứ như một món đồ nằm im trong ngăn tủ, má không buồn lục ra, nhắc lại khi nhìn ba vất vả ngược xuôi. Ba lấy ngắn nuôi dài, hết đi rừng kiếm củi lại cặm cụi phát rẫy khai hoang; mong có thể biến mảnh đất sát bìa rừng thành vườn, thành rẫy.

Nhớ hồi nhỏ, tôi vẫn thường nhìn thấy má đùm cơm trong lá chuối cùng ít con cá khô cho ba vào rừng mỗi sáng. Cuối ngày, ba trở về trên vai gánh vài bó củi khô. Ba xếp mấy bó củi buộc bằng dây rừng vào một góc nhà đợi chuyến tàu khuya. Khi tàu hàng dừng tránh ở ga vào một - hai giờ sáng, cũng là lúc mấy bó củi nhanh chóng được ba chuyển lên giúp má, rồi trở về lo cái rẫy chưa thành hình.

Mà cũng lạ, má quên thì thôi, không ngờ chính ba là người nhắc lại. Như cái năm voi không về quấy phá, bắp được mùa có giá, ba lại nói: “Năm nay, tôi mua cho bà chỉ vàng để cất, phòng khi đau ốm…”. Má chưa kịp mừng thì đứa em gái đổ bệnh ngay ngày giáp tết. Vậy là bao nhiêu tiền bạc tích cóp trong năm cũng theo má, theo em vào bệnh viện. Lời hứa của ba thêm một lần dang dở.

Chúng tôi lớn dần lên, mảnh vườn điều ba trồng ngày nào bắt đầu thu hoạch, cũng là lúc phải đi xa để tiếp tục học hành. Tôi đi trước, mấy đứa em tiếp bước theo sau khi chỉ mới mười một, mười hai tuổi đầu. Ở đây không có trường cấp hai, muốn học phải đi vài mươi cây số đường rừng nên không còn cách nào khác là về quê với ngoại. Ba má lại chắt chiu từng đồng rồi gửi về phụ ngoại nuôi mấy anh em.

Rồi chúng tôi trưởng thành, có gia đình riêng, lập nghiệp ở xa. Ba má đã già nhưng lời hứa của ba năm xưa vẫn chưa thành hiện thực. Có khi về quây quần, nghe má nhắc chuyện cũ, anh em tôi bàn nhau góp lại để ba làm quà tặng má, hoàn thành lời hứa của ba năm nào. Còn chưa kịp mua, má hay tin vội cản liền: “Ba bây hứa với má mấy chục năm rồi chưa trả. Cứ để cho ổng nợ má cả đời cũng được”. Nói xong, má nhìn ba nở nụ cười mãn nguyện. Chúng tôi chợt hiểu ra, má cần ba “mắc nợ” hơn là trả cho sòng phẳng, bởi khi nợ rồi thì cứ vậy nhớ nhau, thương nhau, sống bên nhau trọn đời trọn kiếp.

Tỷ như bây giờ, mỗi bận chúng tôi đưa má vào thăm con, cháu, má mới đi chưa được hai ngày đã thấy ba gọi điện hỏi đủ thứ từ hũ đường, lọ mắm... Rồi má lại giả vờ than: “Vắng má là ba bây không làm gì được hết. Không biết má mắc nợ gì ổng mà trả hoài không hết”. Biết ý, không đứa nào dám giữ má ở lại thêm, đành phải vội vàng đưa má về ngôi nhà của hai người già - nơi mà họ một đời mắc nợ lẫn nhau.

Quốc Việt

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/150175/mot-doi-mac-no-lan-nhau