Một đời lính

Tuổi trẻ và khát vọng

Ba là trẻ mồ côi. Hai tháng tuổi mất cha, một năm sau mất mẹ. May thay, còn ông bà ngoại ẵm về chăm nom, yêu thương, lo lắng.

Lớn lên trong không khí sục sôi của những ngày sau Cách mạng Tháng Tám, cậu bé mồ côi khao khát học tập và nung nấu lý tưởng được cống hiến. Hồi đó, việc học khổ sở lắm. À không, phải nói nguy hiểm lắm - cái thời đội bom mà học. Nhưng thời nào cũng vậy, khó khăn phải lùi bước trước ý chí.

Nỗ lực và nỗ lực, năm 1961, ba có giấy báo nhập học của Đại học Bách khoa Hà Nội. Niềm vui vỡ òa! Thời đó, cầm tấm bằng Bách khoa Hà Nội cũng đồng nghĩa cầm chắc tương lai trong tay.

Chàng trai quê trở thành sinh viên một trường đại học có tiếng ở Thủ đô. Ba học như đó là ngày cuối cùng để học. Bi kịch nhân sinh, chắc không có nỗi đau và bất an nào lớn như chiến tranh. Không dễ để tìm sự trọn vẹn trong bom đạn. Học hành chăm chỉ, vẫn hy vọng dù mong manh, những tưởng sẽ đi hết cuộc đời sinh viên,... nhưng không! Đất nước vừa thoát khỏi cuộc chiến này, không bao lâu đã lại phải bắt đầu một cuộc chiến khác. Khi Tổ quốc gọi tên, sinh viên sẵn sàng viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Những lá đơn được “ viết bằng máu” thời trai trẻ - trong đó có lá đơn đầy tâm huyết của ba tôi.

Nhập ngũ, chiếc áo sinh viên thay bằng chiếc áo lính. Chàng bộ đội Trường Sơn chân bước miệng hát: “Đá mòn mà đôi gót không mòn... máu thấm đường ta đi...” (lời nhạc “Bước chân trên dãy Trường Sơn” của Vũ Trọng Hối). Nhiều lần, chỉ đứng cách thần chết trong gang tấc nhưng ba vẫn không thôi nuôi hy vọng tiếp tục giấc mơ giảng đường đại học. Nhưng không, số phận không có nghĩa vụ phải chiều lòng người. Cái “hẹn ngày về” không phải kéo dài vài ba năm mà ngót đến hơn mười năm. Mười năm, làm sao đếm hết những hạt mưa rừng, làm sao đếm xuể những cơn “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi”. Mười năm, thời gian không dài với đời người nhưng đủ dài cho tuổi thanh xuân. Trọn thanh xuân, ba tôi đã đặt lại ở dãy Trường Sơn dữ dội.

Về vùng kinh tế mới

Trở về sau cuộc chiến, vết thương bên mạn sườn vẫn không chịu ngủ yên - chỗ trúng đạn năm đó đêm đêm vẫn nhức nhối. Ba tôi xuất ngũ, về quê. Đùng cái, người cựu sĩ quan quân đội quyết định vào Nam, đi xây dựng vùng kinh tế mới. Mẹ tôi, dù có lo sợ nhưng vẫn toàn tâm chiều chồng như xưa nay vẫn vậy.

Ba đưa gia đình vào vùng kinh tế mới, một huyện miền núi giữa miền Trung nắng gió, đó là năm 1983, khi tôi là thằng con trai tám tuổi.

Tám tuổi nhưng ký ức ngày hôm đó vẫn chưa bao giờ phai nhạt. Đoàn chúng tôi hơn 10 người. Xe đến nơi cần dừng lúc đêm còn đen đặc. Núi rừng heo hút, tôi hoảng sợ. Đêm đông trên núi lạnh nhức tay. Đoàn người đi theo cây đèn pin nhỏ, sáng vàng vọt yếu ớt. Ánh sáng mong manh đó làm cho đêm trở nên tăm tối hơn. Tiếng bước chân của đoàn người rã rượi làm thời gian, không gian đông cứng và yên lặng. Lấn lướt tất cả là tiếng ếch nhái kêu ran, tiếng con thú rừng gầm gừ, nghe rờn rợn. Những đứa trẻ ít ỏi trong đoàn bấu chặt tay mẹ. Đôi chân bước nhưng cứ muốn khựng lại, cảm giác sẽ đến một nơi tương tự như... địa ngục, phải bước tới là quá sức với một đứa trẻ. Tôi giậm chân khóc: Đừng đi nữa, mình về ba ơi... Ba dỗ, không sao, đừng sợ, có ba đây! Chỉ vậy thôi tôi đã nín và không buông tay ba một giây nào trong suốt hành trình đêm.

Về nơi heo hút được 3 năm, ba được tín nhiệm bầu làm chủ tịch xã. Ba là chủ tịch xã, nhà tôi vẫn là một căn nhà ván gỗ, sau xây gạch nhưng chưa đủ kinh phí để tô. Bởi, ba tôi “làm quan” vùng đất ít người, nhiều thú; núi đồi hoang vu, cư dân đói nghèo, thưa thớt. Nói chung, nhìn quang cảnh hồi ấy, cho tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu bằng cách nào chúng tôi đã sống sót được.

Tôi nhớ mãi một chuyện thời ba còn “đương chức”. Năm đó mất mùa, nạn đói hoành hành, trái sung cũng không đủ mà ăn. Nhiều người dân đói quá, đành liều xuống nông trường huyện kề đó... nhổ trộm sắn và bị bảo vệ nông trường phát hiện, bắt giữ. “Con dại cái mang”, đích thân ông chủ tịch xã phải xuống tận nơi, hạ mình năn nỉ đội bảo vệ để “xin” cho dân được về.

Nỗi lòng người cha

Mẹ tôi là nông dân, một chữ bẻ đôi không biết. Ba mẹ cưới nhau vì sự sắp đặt của người lớn nhưng thật lạ, tình yêu sau hôn nhân của họ thắm thiết tới mức khiến người khác phải ganh tị. Càng “ganh tị” hơn khi mọi thứ ở mẹ đều toát lên vẻ yêu kiều nền nã. Mẹ ít nói nhưng đã nói thì dịu dàng và ấm áp. Chồng ra chiến trường, viết thư, làm thơ gửi về, mẹ ở nhà lo chăm sóc, hương khói cho nhà chồng. Ba lâu lâu về thăm nhà, gần nhau trong tích tắc nhưng hương lửa vẫn mặn nồng.

Mẹ sinh nở ba lần, đứa con nào cũng mặt mũi khôi ngô nhưng đường học ngắn ngủi quá.

Đầu tiên là anh Hai.

Anh Hai sớm trổ mã, đẹp trai có, thông minh có nhưng điểm yếu chết người là không hứng thú chuyện học bằng chuyện chơi. Kết quả, cầm tấm bằng lớp 12 rồi là nhất quyết không học nữa. Anh tập lêu lổng rồi đi học lái xe, ba mẹ không thích cũng đành lòng. Tôi nghe tiếng ba rì rầm trong đêm với mẹ: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. Nghe giọng nói, tôi biết ba chưa bao giờ hết lo lắng cho thằng con cả. Rất nhanh sau đó, anh Hai chưa cầm được bằng lái thì tay đã bị tra còng vì cố ý đánh người gây thương tích. Ba tôi còn biết làm gì ngoài đắng cay nuốt nước mắt khi mới biết vợ bị bệnh K, giờ thêm thằng con ngồi tù. Người lính già vừa chăm vợ ốm, vừa lóc thóc vào tù thăm con.

Chuyện này giải quyết chưa xong đã tới chuyện kia. Bé Hân lên lớp 8 đã sớm đẹp xiêu lòng người. Đôi mắt to, môi đầy đặn như cánh hồng nhung lại thêm nụ cười ma mị. Đẹp gái, học giỏi - đúng là viên kim cương của ba. Học lớp 10 trường chuyên của tỉnh, ba mừng không tả được. Vậy mà, lên lớp 11, em bỏ học giữa chừng. Không phải thương ba mẹ chắt chiu từng đồng mà bị anh Hai đốt sạch vào sòng bài mà em nghỉ học để phụ ba mẹ. Em cũng thương, có điều thương,... thằng con trai lông bông dưới phố. Không biết cơ duyên nào mà chúng gặp nhau rồi dắt nhau bỏ xứ. Đi được 1,5 năm, em mò về với bộ dạng tay xách giỏ đồ, tay ẵm con. Ba mẹ tôi tự nhiên không ai mời rượu cũng có cháu ẵm bồng. Tạm thời phải nuôi cả mẹ lẫn con.

Còn tôi, chắc đổ đốn hơi muộn. Nhưng vẫn là điều trăn trở lớn của ba. Đương nhiên cũng đẹp trai, học từ nhỏ đến lớp 9 luôn nhận giấy khen xuất sắc toàn trường nhưng lên cấp ba trường huyện lại quay ra coi thường việc học. Sau những ngày ham mê chơi nhởi, tôi đã vấp giọt nước mắt của ba chứ không phải những lời chửi mắng. Tôi chịu quay đầu, thi vào Đại học Sư phạm. Học được 2 năm, mâu thuẫn bạn bè không thể giải quyết bằng lời nói, khi bị thằng bạn đểu đem bán đứng, tôi nổi điên nhào vô đấm cho vỡ cái mặt láo. Kết quả tôi bị đuổi học. Ngày tôi cuộn đồ về nhà, ba nhìn tôi bằng ánh mắt đứt ruột.

Về quê chặt mía, cuốc mì, vì có cái mã bảnh trai nên quen được một em dưới phố nõn nà sau mấy lần cùng bạn cũ tụ tập. Được hai đứa con thì nàng tuyên bố hết chịu nổi cảnh “hoa nhài cắm bãi phân trâu”. Biết sao giờ, đồng tiền làm mướn đắng lắm, tôi làm sao lo dây chuyền, đầm, váy cho nàng được. Mọi cố gắng từ một phía đều vô ích khi hôn nhân đang trên bờ vực thẳm. Vậy là, đường tình đôi ngả, nàng ôm hết hai con xuống phố.

Sau tan đàn xẻ nghé, tôi buồn bã nên tìm đến bia rượu, ba tôi lo phần tiền cấp dưỡng cho cháu từ tiền nhuận bút hàng tháng cho một số tờ báo và tiền hỗ trợ theo chế độ. Mỗi tháng, ba thu xếp khăn gói, đón xe xuống phố thăm cháu một lần. Ông già lụm khụm đem tiền và bánh kẹo, áo quần xuống, nàng dâu nhận tiền xong cầm cái túi vứt ra cửa rồi cạnh khóe, con nàng là châu là ngọc nên không dùng những thứ rác rưởi trên núi.

*

* *

Ngày mẹ mất, ba tiều tụy, khom xuống hôn lên khuôn mặt méc xanh nhợt nhạt rồi bình tĩnh dặn: Bà xuống trước đợi tui. Hai tuần sau, ba không bệnh mà mất.

Đã sinh ra đời làm một người lính thì phải sống và chết như một người lính - ba từng nói. Đó là đến lặng lẽ, sống dữ dội và ra đi nhẹ nhàng...

Ngày ba mất, tôi thành kính đặt trên bàn thờ quyển nhật ký một thời máu lửa và những bài thơ tình vụng dại. Tôi cố không lộ vẻ đau đớn bi lụy, tôi muốn mình phải ở trạng thái minh mẫn nhất để sám hối, để ghi tạc: Mình là con trai của ba…/.

Nguyễn Thị Bích Nhàn

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/mot-doi-linh-a133831.html