Một điểm đến của nghề trồng hoa ở Gia Nghĩa

Gia đình bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ, tổ dân phố 4, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa), đã duy trì nghề trồng hoa suốt 17 năm qua. Với kinh nghiệm lâu năm, gia đình bà có nhiều bí quyết trong nghề, giúp tạo ra sản phẩm đẹp, mang lại nguồn thu nhập cao.

Theo bà Lệ, năm 2005, gia đình bà chuyển đổi một ít diện tích đất trồng rau sang trồng hoa. Từ đó, gia đình đã bén duyên với nghề trồng hoa. "Lúc đó, ở Gia Nghĩa ít có người trồng hoa để học hỏi kinh nghiệm. Do đó, tôi phải nhờ người thân ở Lâm Đồng hỗ trợ thêm về kỹ thuật, cách chăm sóc hoa”, bà Lệ chia sẻ.

Cũng theo bà Lệ, thời điểm đầu, thị trường tiêu thụ hoa ở Gia Nghĩa rất hẹp, nên bà gặp khó khăn về đầu ra sản phẩm. Từ khi dân cư ở Gia Nghĩa đông đúc hơn, việc tiêu thụ hoa cũng khá thuận lợi.

Có đầu ra, gia đình bà chuyển đổi cả 6 sào đất trồng rau sang trồng hoa. Bà xây nhà lồng để trồng hoa công nghệ cao, bảo đảm sảm phẩm phục vụ thị trường quanh năm.

Trung bình mỗi năm, một sào hoa đem về thu nhập cho gia đình bà tầm 100 triệu đồng trừ chi phí. "So với nhiều loại cây trồng khác, trồng hoa đã đem lại thu nhập cao cho gia đình", bà Lệ cho biết.

Anh Trần Thế Khắc Quyền, con trai bà Lệ, gắn bó với nghề trồng hoa từ lâu và có được nguồn thu nhập cao, ổn định nhờ bí quyết trồng hoa của mình

Để vườn hoa sinh trưởng tốt, bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, gia đình bà Lệ chú trọng đến khâu kỹ thuật, cách thức chăm sóc vườn cây. Gia đình cũng mạnh dạn đưa vào sản xuất nhiều giống hoa mới như lưu ly, hồng Đà Lạt, địa lan...

Bà Lệ đã từng thí điểm áp dụng tưới nước bằng công nghệ phun sương cho vườn hoa trồng trong nhà kính. Tuy nhiên, cách thức này đã không mang lại hiệu quả cao, vì thời gian tưới lâu, hoa dễ nấm bệnh, nụ hoa ngậm quá nhiều nước...

Từ đó, hoa thường hỏng bông, cho vẻ đẹp thiếu tự nhiên, nhanh tàn. Qua kinh nghiệm này, bà chọn cách tưới nước bằng thủ công. "Dù tốn nhiều công sức hơn đôi chút, nhưng tưới thủ công giúp hoa phát triển đều, ít nấm bệnh, bông hoa đẹp tự nhiên. Gia đình xem đây là một trong những bí quyết quan trọng đối với nghề trồng hoa".

Anh Trần Thế Khắc Quyền, con trai của bà Lệ cho biết, anh có nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp hoặc có thể tìm được việc làm có thu nhập cao. Thế nhưng, vì đam mê nghề trồng hoa của gia đình và cho thu nhập khá ổn định, nên anh quyết định gắn bó với nghề này.

Hiện nay, với 2 sào đất trồng hoa được bố mẹ cho, anh Quyền trồng các loại hoa cúc và lay ơn. Anh trồng hoa theo hình thức “gối đầu” để phục vụ thị trường thường xuyên hơn.

Theo anh Quyền, trồng hoa đem lại nguồn thu nhập cao, nhưng cũng không hề dễ. Chẳng hạn, thời gian trồng hoa cúc ở Đà Lạt chỉ 3 tháng, nhưng ở Gia Nghĩa phải mất tới 4 - 5 tháng.

Ngoài mất nhiều thời gian để thực hiện bí quyết nói trên, muốn có sản phẩm hoa đẹp, đủ sức cạnh tranh trên thị trường, anh còn phải đầu tư thêm kỹ thuật, công nghệ chăm sóc hoa. Trong đó, anh phải đầu tư nhà lồng, các kỹ thuật chăm sóc hoa đặc biệt. "Trung bình mỗi năm, với 2 sào hoa, tôi thu về khoảng 200 triệu đồng trừ chi phí", anh Quyền cho biết.

Theo lãnh đạo UBND phường Nghĩa Phú, nhiều năm qua, gia đình bà Lệ đã trở thành điểm đến của nhiều nông dân muốn học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm trồng hoa. Gia đình bà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, các bí quyết sản xuất hoa cho những ai muốn học hỏi.

Nhờ sự hỗ trợ của gia đình bà Lệ, nhiều gia đình ở phường Nghĩa Phú và các địa phương khác đã mạnh dạn đầu tư trồng hoa, tạo nguồn thu nhập ổn định.

Thanh Nga

3,588

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/kinh-te/mot-diem-den-cua-nghe-trong-hoa-o-gia-nghia-91627.html