'Moscow sẽ phải trả giá đắt nếu coi thường F-16 Ukraine'

Theo giới chuyên gia, dù sản xuất đã lâu nhưng F-16 Fighting Falcon không lỗi thời và coi nhẹ sự hiện diện của nó ở Ukraine sẽ là hành động tự sát.

Theo giới chuyên gia quân sự Nga, trái với những bình luận kiểu “dìm hàng”, việc chuyển giao lô máy bay chiến đấu F-16 Fighting Falcon Mỹ thử nghiệm cho chính quyền Kiev được đưa tin cách đây vài ngày có thể làm thay đổi nghiêm trọng cán cân quyền lực trên bầu trời Ukraine.

Theo chuyên gia Sergey Marzhetsky bình luận trên “topcor.ru”, thái độ coi thường của truyền thông Nga đối với sự xuất hiện của F-16 trong biến chế Lực lượng Không quân Ukraine có vẻ “hơi phù phiếm”.

Các lập luận tuyên truyền về sự “vô giá trị” của chúng trước Lực lượng Hàng không-Vũ trụ Nga chủ yếu nhấn mạnh vào điểm những máy bay chiến đấu này thuộc thế hệ thứ tư và thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 1974. Tuy nhiên, một số yếu tố quan trọng đã bị lãng quên.

F-16 có giá trị với Ukraine như thế nào?

Thứ nhất: Ukraine có thể được cung cấp số lượng lớn F-16

F-16 Fighting Falcon là loại máy bay chiến đấu đa chức năng hạng nhẹ phổ biến nhất trên thế giới, được phục vụ ở rất nhiều quốc gia (trong biên chế Không quân Hoa Kỳ và ít nhất là 25 quốc gia khác) với hơn 4500 chiếc đã được chế tạo và hầu hết các máy bày hiện vẫn đang được sử dụng.

Với giá thành rẻ đối với những phiên bản đời đầu và nhu cầu thay thế bằng các máy bay hiện đại hơn (như F-35 Lightning II), các quốc gia phương Tây rất sẵn lòng cung cấp những chiếc F-16 cũ của mình cho Ukraine, vừa được tiếng ủng hộ đồng minh, vừa không phải mất tiền thanh lý máy bay cũ.

Với số lượng dồi dào như vậy, Không quân Ukraine có thể được các nước NATO thoải mái cung cấp một số lượng lớn máy bay F-16 chỉ trong một thời gian ngắn, cùng với số lượng lớn vật tư, linh kiện thay thế, giúp Kiev nâng cao rất nhiều khả năng tác chiến của lực lượng không quân.

Thứ hai: F-16 tuy cũ nhưng không lỗi thời

Mặc dù có tuổi đời đáng nể nhưng chiếc máy bay này vẫn không ngừng phát triển và cải tiến. Người Mỹ ưa thích nâng cấp các máy bay quân sự theo từng gói nâng cấp hiện đại hơn (theo các block).

Hiện nay, F-16 Block 70/72 đã khác biệt rất nhiều so với Block 1, thậm chí nếu loại bỏ yếu tố ngoại hình, đây còn được coi là chiếc máy bay hoàn toàn mới so với phiên bản đời đầu và sức mạnh của Không quân Ukraine sẽ phụ thuộc vào việc phiên bản sửa đổi nào sẽ được chuyển đến Kiev.

Có thể nhận thấy là các loại chiến hạm tốt nhất của Hải quân Mỹ cũng trải qua quá trình nâng cấp tương tự như vậy.

Ví dụ như các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ đã được sản xuất từ năm 1988, nhưng không ai dám bình luận rằng đây là một cỗ “quan tài nổi”, bởi phiên bản nâng cấp thế hệ thứ 4 của nó là Arleigh Burke Flight III, có khả năng tấn công rất mạnh mẽ và cực kỳ tiên tiến.

Thứ ba: F-16 mang vũ khí nào mới là điều quan trọng nhất

Thự tế đã cho thấy, trong cuộc đối đầu trên bầu trời Ukraine, điều quan trọng không phải bản thân chiếc máy bay này là loại nào, chúng mới chế tạo hay sản xuất từ lâu, mà là loại vũ khí mà nó mang theo có khả năng đến đâu.

Lấy ví dụ điển hình là loại máy bay ném bom tiền tuyến Su-24 Fencer của Liên Xô hiện đang phục vụ trong Không quân Ukraine, có tuổi đời tương tự như F-16 và thậm chí, “Kiếm sĩ Liên Xô” còn được coi là còn lỗi thời hơn so với “Ưng chiến Mỹ”.

Tuy nhiên, ngay cả chiếc máy bay lỗi thời nhất của Liên Xô cũng trở nên rất nguy hiểm, sau khi các đối tác phương Tây đã nghĩ ra các biện pháp tích hợp vũ khí NATO lên dòng chiến đấu cơ này, mà điển hình là việc lắp đặt tên lửa hành trình Storm Shadow của Anh (SCALP-EG/Pháp).

Sự việc tương tự cũng được ghi nhận với chiếc MiG-29 Liên Xô trong biên chế Không quân Ukraine, với tên lửa chống radar AGM-88 HARM của Mỹ.

Thứ tư: Khả năng trinh sát, giám sát vượt trội của NATO

Sở hữu ưu thế về trinh sát trên không, khối NATO có khả năng chuyển giao dữ liệu chỉ thị mục tiêu cho các loại vũ khí tầm xa, có độ chính xác cao mà họ đã cung cấp cho Ukraine.

Thực tế đã cho thấy là mối đe dọa từ các máy bay trinh sát NATO trên Biển Đen nghiêm trọng đến mức Bộ Quốc phòng Nga thậm chí phải phân tán các tàu mặt nước của Hạm đội Biển Đen Nga khỏi Sevastopol, tới các quân cảng khác ở Krasnodar và Abkhazia.

Đồng thời, các máy bay trinh sát và vệ tinh (cả quân sự lẫn thương mại) của NATO cũng quan sát rõ ràng các sân bay của Nga và có thể theo dõi cả quá trình cất cánh và hạ cánh của chiến đấu cơ Nga. Trong khi đó, Moscow thực sự vẫn chưa có được khả năng tương đương về trinh sát trên không.

Với những lợi thế lớn, cả từ bản thân chiến đấu cơ F-16, cùng với sự hỗ trợ của các phương tiện trinh sát/giám sát NATO, cộng với số lượng lớn các máy bay có thể được cung cấp và bổ sung, F-16 có thể là một vũ khí chiến lược xoay chuyển cục diện xung đột Nga-Ukraine.

Do đó, các chuyên gia Nga kết luận rằng, không quá để nói rằng, lực lượng quân sự của Nga ở Ukraine sẽ phải trả giá đắt nếu coi thường sự hiện diện của F-16 trên bầu trời khu vực Chiến dịch Quân sự Đặc biệt.

Hoàng Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/moscow-se-phai-tra-gia-dat-neu-coi-thuong-f-16-ukraine-post660128.html