Moscow 'chi bạo tay' để né trừng phạt, đồng Ruble yếu nhưng ngân khố mạnh, kinh tế Nga còn lâu mới vướng khủng hoảng

Sự phục hồi trong nhập khẩu cho thấy Moscow vẫn hiệu quả trong việc lách các lệnh trừng phạt. Dù khá đắt đỏ và phức tạp, nhưng nếu ai đó tại Nga cần điện thoại iPhone hoặc một chiếc ô tô do phương Tây sản xuất, họ vẫn có thể mua được.

Người phụ nữ đi ngang qua một văn phòng đổi tiền ở Moscow, Nga vào ngày 14/8, ngày đồng Ruble của nước này chạm mức thấp nhất so với đồng USD kể từ ngày 23/3/2022. (Nguồn: AFP)

Sau 5 ngày giảm giá liên tiếp, ngày 14/8, đồng Ruble của Nga đã giảm xuống dưới mốc quan trọng về mặt tâm lý là 100 Ruble đổi 1 USD.

Ruble cũng tiếp tục mất giá so với đồng Euro, với 1 Euro có thời điểm trị giá gần 110 Ruble. Nội tệ Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022 - thời điểm đồng tiền này sụp đổ sau chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine (ngày 24/2/2022).

Tại sao Ruble giảm giá?

Xuất khẩu của Nga đang giảm - chủ yếu do giảm doanh thu bán dầu mỏ và khí đốt tự nhiên - và nước này đang nhập khẩu nhiều hơn. Các đơn vị nhập khẩu phải bán Ruble để lấy ngoại tệ như USD hoặc Euro. Điều đó làm giảm tỷ giá hối đoái của Ruble.

Hiện nay, thặng dư thương mại của Nga đã giảm. Trước đây, quốc gia này có thặng dư thương mại lớn, điều này thường hỗ trợ đồng nội tệ, do giá dầu cao và nhập khẩu thấp hơn.

Tuy nhiên, giá dầu đã giảm trong năm nay và việc bán dầu của Nga trở nên khó khăn hơn do các biện pháp trừng phạt từ phương Tây, bao gồm cả việc bị áp giá trần đối với dầu thô và các sản phẩm dầu như diesel.

Trong khi đó, nhập khẩu bắt đầu phục hồi sau gần một năm rưỡi nổ ra xung đột với Ukraine, trong bối cảnh Moscow tìm cách lách lệnh trừng phạt. Một số giao dịch đã được chuyển hướng sang các nước châu Á không tham gia lệnh trừng phạt. Và các nhà nhập khẩu đã tìm mọi cách để vận chuyển hàng hóa qua các quốc gia lân cận như Armenia, Georgia và Kazakhstan.

Đồng thời, Nga đã tăng cường chi tiêu quốc phòng, chẳng hạn như bơm tiền vào các công ty sản xuất vũ khí. Các công ty này phải nhập khẩu các bộ phận và nguyên liệu thô để duy trì sản xuất.

Chi tiêu của chính phủ, cùng với việc Ấn Độ và Trung Quốc sẵn sàng mua dầu của Nga, đang giúp nền kinh tế quốc gia châu Âu này hoạt động tốt hơn nhiều người mong đợi. Tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định, nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 1,5% trong năm 2023 này.

Tại sao Ngân hàng Trung ương Nga tăng lãi suất?

Trước hết, tăng lãi suất để chống lạm phát.

Đồng Ruble yếu hơn làm trầm trọng thêm lạm phát bằng cách làm cho hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn bằng đồng tiền của Nga. Và sự yếu kém của nội tệ này ngày càng được chuyển thành giá mà người mua phải trả. Lạm phát tại nước này đã ở mức 7,6% trong quý II/2023.

Lãi suất cao hơn khiến việc vay tín dụng trở nên đắt đỏ hơn và điều đó sẽ hạn chế nhu cầu hàng hóa trong nước - bao gồm cả hàng nhập khẩu. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương đang cố gắng hạ nhiệt nền kinh tế trong nước để giảm lạm phát.

Ngày 15/8, trong một cuộc họp khẩn cấp sau khi đồng Ruble giảm giá mạnh, ngân hàng này đã tăng lãi suất cơ bản từ 8,5% lên 12%.

Vậy các lệnh trừng phạt Nga có hiệu quả không?

Các biện pháp trừng phạt đang có tác động ngay cả khi chúng không làm sụp đổ nền kinh tế.

Xuất khẩu của nước này đã giảm do các quốc gia phương Tây cấm vận dầu mỏ Nga và áp đặt giá trần đối với dầu xuất khẩu. Các biện pháp trừng phạt ngăn cản các công ty bảo hiểm hoặc chủ hàng cung cấp dịch vụ cho dầu Nga nếu sản phẩm được bán trên mức giá trần 60 USD/thùng.

Giá trần và lệnh cấm đã buộc Moscow phải bán hạ giá và thực hiện các bước đi tốn kém như xây dựng một "đội tàu chở dầu ma" nằm ngoài tầm trừng phạt.

Tuy nhiên, trong một báo cáo được phát hành hồi đầu tháng 8 này, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, giá dầu cao hơn gần đây đã khiến chi phí cung ứng của Moscow vượt mức giá trần.

Theo Trường Kinh tế Kiev, mặc dù doanh thu từ dầu giảm 23% trong nửa đầu năm nay nhưng Nga vẫn thu về 425 triệu USD mỗi ngày từ việc bán sản phẩm này.

Sự phục hồi trong nhập khẩu cho thấy Nga đang tìm cách né các lệnh trừng phạt. Mặc dù đắt đỏ và không dễ, nhưng nếu ai đó tại Nga cần điện thoại iPhone hoặc một chiếc ô tô do phương Tây sản xuất, họ vẫn có thể mua được.

Nga đang khủng hoảng kinh tế?

Câu trả lời là “Không”.

Ông Chris Weafer, Giám đốc điều hành của Macro Advisory Partners cho biết: "Đồng Ruble giảm giá một phần phản ánh tác động của các biện pháp trừng phạt, nhưng nó không chỉ ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tiềm ẩn".

Lạm phát tại Nga ở mức 7,6% trong quý II/2023. (Nguồn: Reuters)

Đồng Ruble giảm giá thực sự đã giúp chính phủ tăng thu ngân sách. Nghĩa là có nhiều Ruble hơn cho mỗi USD thu được từ bán dầu và các sản phẩm khác. Việc này cũng thúc đẩy chi tiêu cho quân đội và các chương trình xã hội nhằm giảm bớt tác động của các biện pháp trừng phạt đối với người dân Nga.

Cũng theo chuyên gia này, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt và hạn chế chuyển tiền ra khỏi đất nước, tỷ giá hối đoái của đồng Ruble phần lớn nằm trong tay Ngân hàng Trung ương. Do đó, các nhà xuất khẩu lớn có thể được biết khi nào nên đổi từ đồng USD sang đồng nội tệ Nga.

Trong khi đó, ông Janis Kluge, một chuyên gia kinh tế Nga tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế của Đức, cho biết, sự sụt giảm của đồng Ruble là "điều không được hoan nghênh" đối với Điện Kremlin.

Ông Kluge nói: “Mặc dù không phải là một cuộc khủng hoảng toàn diện, nhưng đây là lần gần nhất chúng ta gặp một vấn đề kinh tế thực sự kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine”.

Chuyên gia này cho biết thêm: “Sự hỗn loạn khi bắt đầu các lệnh trừng phạt còn tồi tệ hơn nhiều, nhưng kể từ đó, sự sụt giảm của đồng Ruble hiện nay “là lần đầu tiên có điều gì đó dường như không nằm trong tầm kiểm soát”...

Bất cứ điều gì tạo ấn tượng về một nền kinh tế yếu kém hoặc không ổn định đều không được chính phủ Nga hoan nghênh. Ở nước này, tỷ giá hối đoái luôn được coi là chỉ báo quan trọng nhất về sức khỏe của nền kinh tế”.

Điều này có ý nghĩa gì đối với người Nga?

Lạm phát do đồng Ruble mất giá tác động mạnh đến những người có thu nhập thấp vì họ chi tiêu nhiều hơn cho các nhu yếu phẩm như thực phẩm.

Trong khi lãi suất cao hơn sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế, giảm bớt một số áp lực lên giá cả, chính phủ khó có thể giảm bớt chi tiêu quân sự.

Du lịch nước ngoài - chủ yếu được một bộ phận nhỏ dân cư ở các thành phố lớn như Moscow và St. Petersburg yêu thích - trở nên đắt đỏ hơn nhiều trong bối cảnh đồng Ruble yếu hơn.

Bác sĩ thú y Dina Solovyova, 51 tuổi, cho biết: “Sự bất ổn của đồng tiền quốc gia luôn có tác động không tốt. Chúng ta sẽ chờ xem”.

Trong khi đó, Nikolay Rubtsov, một sinh viên 20 tuổi, cho biết anh không lo lắng nhiều về sự mất giá của đồng Ruble: "Tất cả chỉ là tạm thời. Tôi nghĩ mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Tôi không nghĩ nó có thể tồn tại lâu”.

Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine và vướng vào các lệnh trừng phạt từ phương Tây, đồng Ruble đã giảm khá mạnh. Nội tệ trượt giá đã góp phần gia tăng ngân sách của Điện Kremlin. Tuy nhiên, một loại tiền tệ yếu hơn cũng đặt ra mối đe dọa về giá cả cao hơn cho cuộc sống của người dân và chính phủ Nga đã và đang hành động để hạn chế tác động tiêu cực.

(theo ABC News)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/moscow-chi-bao-tay-de-ne-trung-phat-dong-ruble-yeu-nhung-ngan-kho-manh-kinh-te-nga-con-lau-moi-vuong-khung-hoang-238578.html