Moscow cảnh báo 'sắc lạnh' về kịch bản NATO đưa quân đến Ukraine

Quan chức cấp cao của Nga cảnh báo nguy cơ xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Moscow nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đưa quân tới Ukraine.

Ông Alexey Polischuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga. Ảnh: Tass

"Nếu quân đội phương Tây xuất hiện ở Ukraine, nguy cơ xảy ra cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa NATO và Nga sẽ tăng lên gấp bội. Chúng tôi không muốn diễn biến như vậy. Chúng tôi hy vọng lý trí và bản năng phòng vệ cuối cùng sẽ chiếm ưu thế ở phương Tây" - ông Alexey Polischuk, Vụ trưởng Vụ Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nói với hãng tin Tass hôm 8/4.

Ông Polischuk nhấn mạnh, bất chấp nỗ lực của một số quốc gia NATO đang muốn sử dụng liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu như một công cụ đối đầu với Nga, các quan chức NATO dường như vẫn hiểu được mối đe dọa tiềm tàng từ việc liên minh này tham gia vào cuộc xung đột Ukraine và cố gắng không vượt “lằn ranh đỏ” của Moscow.

Trước đó, hôm 26/2, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, đại diện của khoảng 20 nước phương Tây đã đề cập đến vấn đề gửi quân tới Ukraine. Theo nhà lãnh đạo Pháp, mặc dù các bên chưa đạt được đồng thuận về vấn đề này, song phương Tây không loại trừ bất cứ khả năng nào.

Tuy nhiên, một loạt lãnh đạo các nước đồng minh sau đó đã lên tiếng bác bỏ đề xuất đưa quân vào Ukraine của Tổng thống Macron, cho rằng đây là ý tưởng nguy hiểm có thể dẫn đến xung đột trực tiếp Nga – NATO, thậm chí là Thế chiến thứ ba.

Trong diễn biến liên quan, nghị sĩ Pháp Thierry Mariani hôm 8/4 cho biết, Ukraine khó có cơ hội giành chiến thắng trong cuộc xung đột với Nga và nhiều khả năng sẽ phải rút quân trong những tháng tới.

“Tôi tin rằng Ukraine sẽ không thể giành chiến thắng, do đó chính quyền Kiev nên nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow càng sớm càng tốt" - nghị sĩ Mariani nhấn mạnh khi trả lời kênh truyền hình LCI của Pháp.

Ông Mariani cũng kêu gọi các nước phương Tây không “đổ thêm dầu vào lửa” trong cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đồng thời, ông bày tỏ quan điểm phản đối ý tưởng đưa quân đội Pháp tới Ukraine.

Moscow nhiều lần tuyên bố rằng sự hiện diện của quân đội NATO ở Ukraine có thể sẽ khiến cuộc đối đầu trực tiếp giữa Nga và liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu là không thể tránh khỏi.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vào giữa tháng 3 vừa qua xác nhận Moscow biết rằng binh lính phương Tây, bao gồm công dân Pháp, đã tham gia vào cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cảnh báo việc triển khai trực tiếp quân đội phương Tây tới Ukraine sẽ bị Moscow xem là khởi đầu cho một cuộc đối đầu trực tiếp.

Nga sẵn sàng thảo luận đề xuất giải quyết xung đột Ukraine

Đề cập đến cuộc xung đột hiện tại, ông Polischuk khẳng định Nga sẵn sàng thảo luận về các đề xuất thực sự nghiêm túc đối với Ukraine dựa trên lợi ích hợp pháp của Moscow.

"Thật không may, Ukraine và phương Tây đang cố theo đuổi "công thức hòa bình của Tổng thống Volodymyr Zelensky", tiếp tục chuẩn bị một "hội nghị hòa bình" ở Thụy Sĩ… Họ nói rằng Nga cũng sẽ được mời. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố chúng tôi sẽ không tham gia vào các hội nghị như vậy và sẽ không thảo luận về "công thức Zelensky", một công thức rõ ràng đã thất bại cả về tổng quát hay chi tiết" - quan chức Nga nhấn mạnh khi trả lời phỏng vấn hãng tin Tass hôm 8/4.

Theo ông Polischuk, Nga coi sáng kiến của Trung Quốc về giải quyết xung đột ở Ukraine thực tế hơn “công thức hòa bình” của Tổng thống Ukraine Zelensky.

"Công thức hòa bình" được Tổng thống Zelensky đưa ra vào tháng 11/2022 kêu gọi Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Tuy nhiên, Moscow cho rằng đề xuất này của Kiev là phi thực tế.

Moscow nhiều lần tuyên bố sẵn sàng đàm phán chấm dứt xung đột với Kiev nhưng trước hết Ukraine cần hủy sắc lệnh cấm đàm phán với Nga và phải chấp nhận "thực tế mới về lãnh thổ", bao gồm các vùng lãnh thổ cũ của Ukraine mới được sáp nhập vào Nga.

Cùng ngày, hãng Bloomberg đưa tin hội nghị hòa bình Ukraine có thể diễn ra tại thành phố Lucerne vào ngày 16-17/6 tới.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ cho biết, nước này liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi và Ả Rập Saudi, đều là các nước từ khu vực Nam bán cầu mà Geneva đánh giá là đóng vai trò quan trọng trong việc đưa Nga vào tiến trình này.

Bloomberg đưa tin hội nghị hòa bình Ukraine có thể diễn ra tại thành phố Lucerne vào ngày 16-17/6 tới. Ảnh: Reuters

Theo Bloomberg, hiện chưa rõ liệu Trung Quốc có tham gia hội nghị sắp tới hay không. Báo Mỹ trước đó đưa tin, Thụy Sĩ đã mời Trung Quốc tham gia hội nghị thượng đỉnh về “công thức hòa bình” của Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân không xác nhận về việc tham dự của Bắc Kinh, thay vào đó chỉ khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình hòa bình theo cách riêng của mình.

Nguyễn Phương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/moscow-canh-bao-sac-lanh-ve-kich-ban-nato-dua-quan-den-ukraine.html