Mong sớm đến ngày công nhận liệt sĩ cho 8 chiến sĩ văn công ở Nàn Ma

Câu chuyện về 11 chiến sĩ văn công anh dũng trong trận chiến tiễu phỉ năm 1952 mà chúng tôi đề cập hôm qua vẫn còn nhiều điều để suy ngẫm.

>> Nàn Ma: Chứng tích tiễu phỉ và sự hy sinh của 11 chiến sỹ văn công

12 chiến sĩ đa phần là nhạc công, ca sĩ từ Hà Nội đầu quân cho trung đoàn thiện chiến vùng rừng núi mà quân Pháp gọi là Trung đoàn 148 Sơn Cước của Quân khu Tây Bắc, tức Quân khu 2 những năm 1950. Họ đã sống, phục vụ, chiến đấu và đã hy sinh cho Tổ Quốc, nhưng đến hôm nay, họ vẫn chưa được Tổ Quốc chính thức ghi công, hồ sơ thì thất lạc. Tuy nhiên, vẫn còn có cán bộ và nhân dân các dân tộc vùng cao nhớ về họ và mong mỏi có thêm các minh chứng, sớm ngày công nhận liệt sĩ cho 8 chiến sĩ văn công còn lại.

Trong căn nhà nhỏ này, người con gái duy nhất của cặp vợ chồng Liệt sĩ Lê Văn Chương, Nguyễn Thị Hảo vẫn không giấu nổi xúc động khi nhắc nhớ về những tháng ngày rong ruổi hành quân, biểu diễn văn nghệ cùng bố mẹ và các chú trong đội Tuyên Văn. Nỗi mất mát quá lớn, nhưng với bà Lê Thị Hảo, ấm lòng là được cầm trong tay 2 tấm bằng Tổ quốc ghi công sự hy sinh to lớn của bố mẹ, chứ không phải như các chiến sĩ còn lại, tinh thần, khí phách, xương thịt, mãi mãi tuổi 18, đôi mươi lạnh lẽo trên vùng cao xa xôi.

Nhưng những tư liệu về họ không còn nhiều, thậm chí có nơi hoàn toàn mất dấu. Sau hơn 70 năm, những nhân chứng cuối cùng của trận đánh giữa bộ đội và thổ phỉ gần như đã không còn. Những trang hồ sơ nơi quản lí các chiến sĩ trong đội Tuyên Văn cũng thất lạc.

3 tấm bằng Tổ quốc ghi công này ghi danh 3 liệt sĩ, mỗi tấm cách nhau 2 năm, dù họ mất cùng 1 ngày. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong sự xa xót, tiếc nuối.

Vùng đất Nàn Ma hôm nay đã thay da đổi thịt nhưng mỗi một tấc đất, mỗi ngọn cỏ đều thấm máu, xương của các chiến sĩ đội Tuyên văn. Và hôm nay, trong lớp lớp tươi xanh của núi rừng, các lớp thế hệ người Nàn Ma lại tay trong tay hạnh phúc. Với họ, dù không còn máu và nước mắt trong trận chiến năm xưa nhưng hình ảnh các anh ngã xuống, cho đất nước đứng lên, vẫn đọng lại trong ánh mắt, vẫn nhắc nhớ trong niềm tự hào.

Trong lúc chờ đợi những bằng chứng xác thực về các chiến sĩ còn lại, nghĩa trang kia, khu tưởng niệm này, các thế hệ đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới Xín Mần vẫn lặng lẽ chăm sóc để các anh không cảm thấy cô quạnh.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

Bích Hạnh - Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/mong-som-den-ngay-cong-nhan-liet-si-cho-8-chien-si-van-cong-o-nan-ma-201450.htm