Mong muốn làm cầu nối, đưa pháp luật đến với người dân

Hội Luật gia là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức thống nhất tự nguyện của các luật gia trên cả nước. Thời gian qua, các cấp hội luật gia trong tỉnh Sóc Trăng đã tích cực hoạt động, góp phần đáng kể trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Sóc Trăng có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Sóc Trăng.

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: KIM NGỌC

Phóng viên: Là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tập hợp những hội viên am hiểu pháp luật, các cấp hội luật gia trong tỉnh đã có những đóng góp, hỗ trợ gì đối với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng: Hội Luật gia tỉnh là thành viên tích cực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; đồng thời cũng là thành viên của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh. Trong năm 2023, hội đã tổ chức được 6 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại 6 xã, phường, thị trấn thuộc 6 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh về các văn bản mới có hiệu lực pháp luật năm 2023 cho hơn 600 lượt người dân, cán bộ, hội viên, công chức cấp xã; trực tiếp tư vấn pháp luật cho 35 lượt câu hỏi của đại diện người dân về các lĩnh vực như: dân sự, hình sự, hành chính, các quy định về Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hội cũng đã chủ trì phối hợp với Trại tạm giam, Công an tỉnh Sóc Trăng tổ chức 4 cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tư vấn pháp luật trực tiếp cho hơn 200 lượt phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam, Công an tỉnh về chính sách tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn các quy định của pháp luật theo yêu cầu của phạm nhân. Đồng thời, hội cũng đã có văn bản chỉ đạo các cấp hội, các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Điều lệ Hội Luật gia Việt Nam và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Thông qua hình thức tư vấn pháp luật tại Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh, trong những tháng qua, các luật gia, luật sư, tư vấn viên pháp luật đã trực tiếp giải đáp thắc mắc, tư vấn pháp luật 149 vụ việc về các lĩnh vực pháp luật có liên quan đến đời sống của người dân như: dân sự, tố tụng dân sự, hình sự, tố tụng hình sự, hành chính, lao động... cho những cá nhân, tổ chức có yêu cầu. Thông qua hình thức viết tin, bài đăng trên Trang thông tin điện tử tổng hợp của Hội Luật gia Việt Nam, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, các luật gia cũng đã góp phần tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và hoạt động của Hội Luật gia tỉnh.

Phóng viên: Hầu hết các hội đặc thù, hội nghề nghiệp trong hoạt động còn gặp khó khăn, nhất là về kinh phí và nhân sự. Hội Luật gia có gặp phải những khó khăn này không, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng: Nhìn chung, hầu hết các hội có tính chất đặc thù, hội nghề nghiệp luôn phải đối mặt với những khó khăn nhất định trong hoạt động, nhất là về kinh phí và nhân sự. Hội Luật gia cũng vậy, hiện tại tuy có nhiều cố gắng, đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động hội nhưng trong thực tiễn, chúng tôi còn gặp một số mặt khó khăn, hạn chế như: về kinh phí tuy được UBND tỉnh hỗ trợ cơ bản đã đảm bảo được hoạt động của hội nhưng đôi lúc chưa đáp ứng được những hoạt động chuyên ngành của hội. Để hoạt động hội có hiệu quả hơn, trong thời gian tới thì cần phải có cơ chế tăng kinh phí hỗ trợ cho Hội Luật gia để hội có điều kiện hoạt động mạnh mẽ hơn, đáp ứng được chất lượng trong tình hình mới. Về nhân sự, hiện nay, UBND tỉnh giao cho hội 3 người làm việc tại Văn phòng Hội Luật gia tỉnh, số lượng này còn ít so với khối lượng công việc mà hội phải giải quyết, hơn nữa Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia hiện nay không có nhân sự để phụ trách mà chỉ có cán bộ của Hội Luật gia kiêm nhiệm nên trong hoạt động tư vấn pháp luật đôi lúc còn bị động, lúng túng. Về nhân sự ở cấp huyện cũng gặp phải những hạn chế nhất định, do hiện nay hội luật gia chỉ mới thành lập được 5/11 huyện hội nên chưa có cơ chế để thu hút những luật gia có uy tín, kinh nghiệm tham gia vào công tác hội ở cấp huyện.

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết, trong thời gian tới, các cấp hội luật gia trong tỉnh sẽ chú trọng những hoạt động nào?

Đồng chí Nguyễn Thúy Hằng: Hội Luật gia tỉnh sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Công văn số 804-CV/TU, ngày 28/8/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Công văn số 189/UBND-NC, ngày 1/2/2023 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới. Đồng thời, các cấp hội luật gia trong tỉnh sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức chính trị - xã hội lồng ghép nhiều chương trình tuyên truyền các văn bản pháp luật; tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng pháp luật. Củng cố, nâng chất lượng hoạt động hội ở cấp cơ sở để hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

KIM NGỌC

Nguồn Sóc Trăng: https://www.baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/mong-muon-lam-cau-noi-dua-phap-luat-den-voi-nguoi-dan-68968.html