Mong manh số phận con người

Chiến tranh, xung đột, thiên tai, thảm họa… hiển nhiên tác động đến mọi người, thậm chí ảnh hưởng trực tiếp tới cả phía bên kia nửa vòng Trái đất trong một thế giới phẳng hiện tại.

Tuy nhiên, nỗi thống khổ và tuyệt vọng nhất chắc chắn sẽ trực tiếp đổ lên đầu những dân thường. Họ đơn giản là những người dễ bị tổn thương nhất trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào.

Có thể nói, 2023 là năm thế giới phải chứng kiến nhiều nỗi đau nhất trong nhiều thập kỷ qua, khi mà đây chính là năm nhân loại đã phải trải qua quá nhiều cuộc khủng hoảng lớn, từ thiên tai, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế và đặc biệt bởi chính những cuộc chiến tàn khốc của con người.

 Cảnh hoang tàn trong trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Cảnh hoang tàn trong trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu năm nay. Ảnh: Reuters

Một cuộc chiến, triệu nỗi đau

Khi thế giới chuẩn bị bước vào tháng cuối cùng của năm 2023, đây cũng là thời điểm bi kịch đến cao trào. Đó là cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc trong chiến sự tại Gaza, khiến hàng nghìn dân thường thiệt mạng bởi bom đạn và tên lửa chỉ vài tuần sau cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát.

Thậm chí, người đứng đầu Liên hợp quốc - Tổng Thư ký Antonio Guterres, còn phải thốt lên: “Chúng ta đang chứng kiến một vụ giết hại dân thường chưa từng có trong bất kỳ cuộc xung đột nào kể từ khi tôi là Tổng Thư ký”. Đó là khi ông nghe tin về những cái chết của trẻ em đang không ngừng tăng lên ở Gaza, gồm cả những em bé sinh non bị mắc kẹt ở bệnh viện.

Chỉ tính đến ngày 20/11, hơn 13.300 người Palestine đã thiệt mạng trong chiến sự, gồm ít nhất 5.600 trẻ em và 3.550 phụ nữ. Trước đó, ít nhất 1.200 người Israel đã bị sát hại theo kiểu hành quyết bởi cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào ngày 10/7 - nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến toàn diện của Israel vào Gaza. Cùng với việc hầu hết 2,3 triệu người dân Israel đã tan hoang nhà cửa, đánh mất gần như tất cả, thì nỗi đau mà cuộc chiến gây ra quả là không thể kể xiết.

 Một phụ nữ than khóc trước ngôi nhà bị tàn phá do động đất ở Thành cổ Marrakesh, Morocco. AFP

Một phụ nữ than khóc trước ngôi nhà bị tàn phá do động đất ở Thành cổ Marrakesh, Morocco. AFP

Cứu lấy những “mầm non”!

Các thảm họa liên quan đến thời tiết đã khiến 43,1 triệu trẻ em phải di dời trong nước ở 44 quốc gia trong khoảng thời gian 6 năm qua, tương đương khoảng 20.000 trẻ em phải di dời mỗi ngày - theo một phân tích của UNICEF được công bố hồi tháng 10 năm 2023. Đây là phân tích toàn cầu đầu tiên về số trẻ em bị phải rời bỏ nhà cửa từ năm 2016 đến năm 2021 do lũ lụt, bão, hạn hán và cháy rừng.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết: “Thật đáng sợ đối với bất kỳ đứa trẻ nào khi một trận cháy rừng dữ dội, bão hoặc lũ lụt tràn vào cộng đồng của các em… Chúng ta phải tăng cường nỗ lực chuẩn bị cho cộng đồng, bảo vệ trẻ em có nguy cơ phải di dời và hỗ trợ những người đã phải rời bỏ quê hương”.

Theo phân tích, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương đã chứng kiến khoảng 19 triệu trẻ em phải di dời do các thảm họa liên quan đến thời tiết từ năm 2016 đến năm 2021, chiếm hơn 44% tổng số trẻ em trên toàn cầu. Hầu hết trẻ em phải di dời ở Đông Á và Thái Bình Dương là do lũ lụt, dẫn đến hơn 12 triệu người phải di dời và bão, khiến hơn 6 triệu người phải sơ tán.

Theo báo cáo nói trên của UNICEF, Việt Nam, cùng với các quốc gia khác trong khu vực như: Trung Quốc, Philippines và Indonesia, nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu ghi nhận số lượng trẻ em phải di dời cao nhất do phải đối mặt với thiên tai, biến đổi khí hậu và những vấn đề khác.

 Một đứa trẻ tự bảo vệ mình khỏi cơn mưa lớn bằng chiếc ghế nhựa. Ảnh: AFP

Một đứa trẻ tự bảo vệ mình khỏi cơn mưa lớn bằng chiếc ghế nhựa. Ảnh: AFP

Người dân luôn phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của chiến tranh và xung đột, dù họ đều vô tội. Hầu hết các chính khách lớn trên thế giới, kể cả từ các quốc gia đồng minh của Israel như Mỹ, Pháp hay Canada, đều đã lên án việc quá nhiều dân thường, đặc biệt trẻ em ở Gaza bị sát hại; cáo buộc rằng đó là một “sự trừng phạt tập thể” không thể chấp nhận được.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố vào ngày 14/11 rằng: “Thế giới đang chứng kiến việc giết hại phụ nữ, trẻ em và trẻ sơ sinh. Việc này phải chấm dứt”. Tổng Thư ký Guterres nói rằng: “Gaza đang trở thành nghĩa địa cho trẻ em. Hàng trăm bé gái và bé trai đã bị giết hoặc bị thương mỗi ngày”. Tổng thống Joe Biden cũng thẳng thừng tuyên bố về vụ Israel phong tỏa bệnh viện lớn nhất ở Gaza: “Mỹ kiên quyết ủng hộ việc bảo vệ dân thường trong cuộc xung đột”.

Rõ ràng không ai muốn thỏa hiệp hay ủng hộ việc giết hại dân thường trong giao tranh. Nhưng thực tế đó vẫn đang diễn ra một cách tàn khốc trong các cuộc chiến của năm 2023, bởi sự vô tình của bom đạn hay bởi sự hận thù quá mức của những bên tham chiến?

Bi kịch của dân thường

Bi kịch đó thực ra đã xảy ra trong vô vàn cuộc chiến trong lịch sử nhân loại, nhưng có thể nói chỉ đến năm 2023 thế giới hiện đại mới lại cảm nhận được rõ rệt nỗi ám ảnh này ở mức độ toàn cầu. Như đã biết, năm 2023 còn chứng kiến cuộc xung đột Nga - Ukraine, cuộc chiến lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, bước sang năm thứ 2.

Chỉ khoảng 3 tháng sau khi chiến sự bùng phát vào ngày 24/2/2022, gần 6 triệu người tị nạn đã chạy trốn khỏi Ukraine, ngoài ra còn có khoảng 8 triệu người khác đã phải di dời trong nước. Có tới 90% người tị nạn Ukraine là phụ nữ và trẻ em, trong khi hầu hết đàn ông Ukraine trong độ tuổi từ 18 đến 60 đều phải ra chiến trường. Có nghĩa, đó là thời điểm mà hầu hết hơn 33 triệu dân Ukraine đều trở thành nạn nhân của chiến tranh.

Theo công bố của Văn phòng Nhân quyền Liên hợp quốc vào cuối tháng 11 năm 2023, hơn 10.000 thường dân đã thiệt mạng ở Ukraine trong cuộc xung đột với Nga từ tháng 2 năm 2023, với khoảng một nửa số ca tử vong xảy ra ở xa chiến tuyến, thậm chí con số thực tế sẽ “cao hơn đáng kể”. Cuộc chiến đã gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Mỗi một số phận ở Ukraine là một câu chuyện đau thương, khi mà họ đã đánh mất tất cả tài sản, cơ nghiệp, thậm chí cả người thân và cả tương lai. Với tất cả những ai đang không ở trong một cuộc chiến, thì việc đánh mất một thứ gì đó trong cuộc đời, đã thật khủng khiếp. Vậy mà, hàng triệu dân thường vô tội ở Ukraine và cả ở Gaza nữa đã đánh mất tất cả.

Nhưng nỗi khổ của người dân đâu chỉ có ở Gaza, Israel hay Ukraine, mà còn ở hàng chục vùng chiến sự khác vẫn đang diễn ra ngày đêm trong năm 2023. Ví như cuộc nội chiến ở Sudan tính đến tháng 10 năm 2023 cũng có từ 9.000 đến 10.000 người thiệt mạng và 6.000 đến 12.000 người khác bị thương. Ngoài ra, hơn 4,8 triệu người phải di cư trong nước và hơn 1,3 triệu người khác đã rời khỏi đất nước với tư cách là người tị nạn.

 Hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và cả Nga đã tử trận hoặc bị thương sau gần 2 năm xung đột. Ảnh: Reuters

Hàng chục nghìn binh sĩ Ukraine và cả Nga đã tử trận hoặc bị thương sau gần 2 năm xung đột. Ảnh: Reuters

Cơn thịnh nộ của Mẹ thiên nhiên

Cũng không có ngôn từ hay thống kê nào có thể lột tả được nỗi khổ mà người dân phải chịu trong các vụ lũ lụt, cháy rừng, tác động của biến đổi khí hậu và các trận động đất kinh hoàng diễn ra triền miên trên thế giới trong năm 2023, như muốn cho thấy Mẹ thiên nhiên đang nổi cơn thịnh nộ đối với con người.

Trận động đất lịch sử ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria có thể nói đã tái hiện nguyên vẹn hình ảnh của ngày tận thế trong các bộ phim khoa học viễn tưởng. Khi cả một vùng đất rộng tới 350.000 km2, tương đương diện tích của Đức hoặc Việt Nam, đã trở thành đống tro tàn chỉ trong khoảnh khắc. Ước tính có khoảng 14 triệu người, tương đương 16% dân số Thổ Nhĩ Kỳ bị ảnh hưởng và khoảng 1,5 triệu người bị mất nhà cửa.

Số người chết được xác nhận là gần 60.000 ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở Syria. Đây là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm nhất trong lịch sử hiện đại Thổ Nhĩ Kỳ. Nó cũng là thảm họa khiến nhiều người chết nhất ở Syria kể từ năm 1822, bất kể nước này vừa trải qua hàng thập kỷ nội chiến.

Dư âm trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề nguôi đi thì một thảm họa khác đã đổ lên đầu những người dân ở Libya, khi một trận đại hồng thủy được gây ra bởi cơn bão Daniel đã đi cuốn trôi cả 1/4 thành phố ven biển Derna. Số người chết trong thảm họa này lên tới từ 18.000 đến 20.000 người, tương đương 1/5 dân số thành phố. Nhiều ngày sau thảm họa, người dân vẫn phải đi tìm kiếm thi thể các nạn nhân trôi dạt vào bờ biển. Thực tế cơn bão Daniel còn đã gây ra tác hại trên một khu vực rộng lớn ở Địa Trung Hải, từ Libya, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập hay Israel - cũng gây ra vô vàn những nỗi đau.

Gần như ngay khi trận đại hồng thủy ở Libya chỉ vừa kịp rút đi, một thảm họa nữa đã xảy ra ở Morocco vào tháng 9. Trận động đất ở cao nguyên High Atlas đã tàn phá 2.930 ngôi làng với tổng dân số 2,8 triệu người, giết chết hơn 2.900 người; ít nhất 59.674 ngôi nhà bị hư hại, trong đó 32% bị sập hoàn toàn. Không có gì nói lên hết được nỗi đau mà dân thường phải chịu trong những thảm họa khủng khiếp như vậy.

Tất nhiên năm 2023 còn chứng kiến vô vàn thảm họa đã kéo theo hàng triệu người khác xuống “địa ngục” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng của từ này. Các trận cháy rừng ở Canada, Hawaii hay Hy Lạp; các trận động đất kinh hoàng khác ở Nepal, Afghanistan hoặc Philippines; các trận lũ lụt chết người ở nhiều quốc gia đều đã cướp đi sinh mạng hoặc tương lai của hàng triệu người.

Bốn mối nguy hiểm, hàng triệu nạn nhân trẻ thơ

Theo nghiên cứu mới nhất được Liên hợp quốc công bố vào tháng 10/2023, bên cạnh chiến tranh, thì dưới đây là 4 nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ thơ không có được một cuộc sống bình yên như đáng ra các em phải có:

+ Lũ lụt: 10 quốc gia có nhiều trẻ em phải di dời do lũ lụt nhất, bao gồm lũ lụt ven biển và lũ quét từ năm 2016 đến năm 2021 là: Bangladesh, Trung Quốc, Ethiopia, Ấn Độ, Indonesia, Nigeria, Philippines, Somalia, Nam Sudan và Sudan.

+ Bão tố: 10 quốc gia có nhiều trẻ em phải di dời do bão nhất, bao gồm bão nhiệt đới, lốc xoáy, bão tuyết và bão cát từ năm 2016 đến năm 2021 là: Bangladesh, Trung Quốc, Cuba, Honduras, Ấn Độ, Madagascar, Mozambique, Philippines, Mỹ và Việt Nam

+ Hạn hán: Hạn hán khác với hầu hết các mối nguy hiểm khác ở chỗ chúng phát triển chậm, thậm chí qua nhiều năm và sự khởi phát của chúng thường khó phát hiện. 10 quốc gia có nhiều trẻ em phải di dời nhất do hạn hán từ năm 2017 đến năm 2021 là: Afghanistan, Angola, Brazil, Burundi, Ethiopia, Ấn Độ, Iraq, Madagascar, Somalia và Nam Sudan.

+ Cháy rừng: Cháy rừng có thể được kích hoạt bởi sét hoặc hành động của con người. 10 quốc gia có nhiều trẻ em phải di dời nhất do cháy rừng từ năm 2016 đến năm 2021 là: Úc, Canada, Trung Quốc, Pháp, Hy Lạp, Israel, Tây Ban Nha, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.

 Phần lớn thành phố du lịch Lahaina ở đảo Maui, Hawaii đã bị phá hủy bởi cháy rừng. Ảnh: AFP

Phần lớn thành phố du lịch Lahaina ở đảo Maui, Hawaii đã bị phá hủy bởi cháy rừng. Ảnh: AFP

Hãy dừng lại nếu có thể!

Chưa bao giờ số phận con người trong kỷ nguyên hiện đại lại mong manh như vậy trong năm 2023 nói riêng và trong những năm gần đây nói chung. Khi mà đâu đâu người ta cũng nói về người di cư chạy trốn khỏi xung đột, khỏi thiên tai và những tác hại của biến đổi khí hậu. Ngay tại biên giới Mexico, hàng nghìn người di cư từ các quốc gia khác nhau đã phải sống trong cảnh “màn trời chiếu đất” để chờ ngày sang Mỹ, thậm chí đã có hàng nghìn người bỏ mạng hoặc mất tích trong các vụ cháy nhà, trong các vụ tấn công của băng đảng tội phạm.

Chỉ tính tới tháng 9 năm 2023, đã có ít nhất 2,8 triệu người di cư sang Mỹ. Chưa biết tương lai của họ sẽ ra sao, nhưng đó là thêm 2,8 triệu nỗi đau nữa mà nhân loại đã phải chứng kiến trong năm 2023.

Năm 2023 đúng là một năm cuộc khủng hoảng người di cư lên đến đỉnh điểm, khi biên giới rất nhiều nước đều có người di cư xin tị nạn. Ngoài Mỹ hoặc Canada, còn có hàng loạt các nước khác ở châu Âu như Ba Lan, Phần Lan, Thụy Điển, Tây Ban Nha và đặc biệt là Ý. Hàng nghìn người di cư đã bỏ mạng trên biển Địa Trung Hải, trong dòng người di cư khổng lồ từ Trung Đông và Bắc Phi.

 Một phụ nữ than khóc trước ngôi nhà bị tàn phá do động đất ở Thành cổ Marrakesh, Morocco. AFP

Một phụ nữ than khóc trước ngôi nhà bị tàn phá do động đất ở Thành cổ Marrakesh, Morocco. AFP

Riêng Ý đã ghi nhận lượng lớn người di cư đến châu Âu một cách “bất thường” trong năm nay, với 55.160 người dù chỉ tính tới giữa tháng 6. Con số này cao hơn gấp đôi so với 21.884 người trong cùng kỳ năm 2022. Tính đến thời điểm trên, ít nhất 1.039 người được cho là đã mất tích khi cố vượt qua biển Địa Trung Hải trong năm nay. Tính chung, Tổ chức Di cư Quốc tế đã thống kê hơn 27.000 người di cư đã bỏ mạng hoặc mất tích ở Địa Trung Hải kể từ năm 2014.

Như vậy, sau nhiều năm bất ổn, 2023 đã chứng kiến nền hòa bình cơ bản của thế giới đã bị phá vỡ bởi hàng loạt cuộc chiến và thảm họa xảy ra trên khắp các châu lục; gây ra hàng triệu triệu nỗi đau tận cùng của con người. Chúng ta hãy cảm nhận từng nỗi đau đó, để hiểu rằng thế giới cần phải dừng lại các cuộc chiến; hãy chung tay xây dựng một thế giới xanh và bền vững hơn. Nếu không, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân kế tiếp!

Trần Hòa

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/mong-manh-so-phan-con-nguoi-post278856.html