Mong cầu năm mới tốt lành

Với ước vọng về một năm mới thuận lợi, suôn sẻ, phát đạt, thành công người Việt thường có các nghi thức, phong tục cầu may đầu năm vô cùng độc đáo. Người kinh doanh thì chọn khách hợp tuổi để mở hàng, người sản xuất thì chọn ngày giờ đẹp để khai máy, người nông dân thì chọn thời điểm phù hợp để xuống đồng, học trò thì chọn ngày khai bút...Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, song những phong tục mang đậm nét văn hóa truyền thống này vẫn được nhiều người tin tưởng, thực hiện.

Chọn ngày đẹp mở hàng – mong cả năm đắt khách

Đầu năm thường là mốc thời gian quan trọng và ý nghĩa, được mọi người đặt làm gốc để khởi đầu mọi việc trong năm. Vì vậy mà ai cũng mong muốn những ngày này được diễn ra suôn sẻ, thuận lợi và bình an, tránh càng xa những điều xui rủi, vận đen càng tốt.

Xem ngày tốt mở hàng đầu năm để mong một năm buôn bán đắt hàng, đại cát đại lợi là một trong những việc được người bán hàng quan tâm sau Tết Nguyên đán. Mong cầu một khởi đầu năm mới Giáp Thìn thịnh vượng, chủ kinh doanh thường chọn ngày mở lại cửa hàng để cầu cho 1 năm sung túc, đủ đầy, buôn may bán đắt.

Chủ kinh doanh thường chọn người hợp tuổi để mở hàng

Với mong muốn có một năm kinh doanh suôn sẻ, thuận lợi, đầu xuôi đuôi lọt, anh Thành Anh, chủ quán cà phê trên phố Lãn Ông đã chọn trước ngày đẹp và đúng sáng mùng 3 Tết, bày biện hoa quả, đồ thắp hương, rồi mở cửa hàng, lấy vía đầu năm.

Anh Thành Anh chia sẻ: "Tôi nghĩ tập quán mở hàng đầu năm là một tập quán vô cùng tốt đẹp của các cụ, ông cha ta. Nó cũng là một yếu tố tâm linh thúc đẩy cho con người, gia đình trong một năm để có hướng phấn đấu làm việc tốt hơn. Để chuẩn bị lễ đầu năm, tôi chuẩn bị thắp hương Thần tài, chủ yếu thắp hương hoa quả bánh kẹo. Lựa chọn hoa quả tốt và ngon để bầy và thắp hương cúng Thần tài. Còn việc lựa chọn người để mở hàng cho mình, theo truyền thống của các cụ thì lựa chọn người hợp tuổi với mình, mở hàng để công việc cả năm hanh thông. Năm vừa rồi công việc kinh doanh chưa được phát triển lắm nên cũng hy vọng sang năm mới nền kinh tế sẽ mở cửa, khách quốc tế đông hơn, công việc làm ăn sẽ phát triển hơn."

Việc mở hàng sớm, một phần là để kiếm thêm thu nhập nhưng quan trọng hơn là để lấy may, theo nghĩa năm mới sẽ bán được gấp 5, 10 lần năm ngoái. Không chỉ lựa chọn ngày khai xuân, nhiều người còn được gia chủ nhờ tới mở hàng vì năm tuổi hợp, tính cách xởi lởi, vui vẻ.

Tương tự với anh Thành Anh, theo chị Nguyễn Thị Cẩm Nhung: "Mọi năm trước dịp Tết mọi người hay xem tuổi rồi nhờ tôi mở hàng. Theo quan niệm của bạn bè thì nhờ người nào vui vẻ, xởi lởi thì nhờ, tôi rất nhiệt tình thôi. Các anh chị nhờ, bạn bè nhờ thì giúp cho mọi người. Quan niệm của người xưa, đầu xuôi thì đuôi lọt, làm ăn cả năm may mắn. Mình phải chỉn chu trước thì mới mang lại may mắn cho chủ nhà. Lúc nào nhận lời mọi người đi mở hàng cũng chỉn chu mình trước, sắp xếp công việc, tâm trạng vui vẻ để khi mình đến cửa hàng mở hàng cho mọi người mang tới may mắn tới cho cửa hàng."

Câu chuyện chọn ngày, chọn khách mở hàng hợp với mình là để mong cả năm sung túc, đông khách. Nhất là năm vừa qua cũng khó khăn, nên năm này, việc chọn ngày mở hàng càng kỹ lưỡng hơn.

Mua vàng đầu năm – cầu mong phát tài

Còn với các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp và thậm chí là người dân, họ đã có thêm một tập tục du nhập, là vào ngày 10 tháng Giêng âm lịch. Đó là ngày xin vía Thần tài, mua vàng để cầu mong làm ăn phát đạt. Điều này khiến thị trường vàng cũng sôi động hơn hẳn vào các ngày đầu năm mới.

Giá vàng biến động trước ngày vía Thần tài

Theo dân gian truyền lại rằng, Thần tài là vị Thần cai quản tiền tài ở trên trời. Là một vị thần có danh tiếng từ lâu. Trong một lần đi chơi uống rượu, vì say quá nên thần đã rơi xuống trần gian. Khi thần vào nhà nào xin đồ ăn thì gia đình ấy lại trở nên giàu có, kinh doanh buôn may bán đắt. Và đến ngày mùng 10 tháng Giêng thì Thần trở về trời

Đi chùa cầu tình duyên

Trong những ngày đầu năm mới, giới trẻ lại nô nức tới ngôi chùa cầu tình duyên nổi tiếng tại Hà Nội để dâng hương, lễ bái, cầu mong tình duyên như ý. Đa số bạn trẻ lần đầu tới chùa Hà sẽ mua văn khấn tình duyên, có những bạn tự khấn và cầu mong sẽ gặp được mẫu hình người yêu lý tưởng.

Đã 3 năm nay, cứ vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là Hà Trang, 25 tuổi lại cùng bạn mình, tới chùa Hà để cầu bình an và cũng như cầu cho chuyện tình duyên của mình được thuận lợi và lâu bền. Mâm lễ gồm hương vàng, miếng trầu, quả, bánh trái và không thể thiếu hoa hồng - loài hoa đại diện cho tình yêu, tất cả đều với hy vọng năm mới sẽ sớm tìm được một nửa của mình.

Hà Trang cho biết: "Những người bạn rất thân cận ở xung quanh mình thôi, các bạn đến đây và các bạn cầu duyên mình cũng thấy rất linh thiêng nên mình cũng đên đây để xin chút may mắn đầu năm. Chắc chắn là ai đến đây cũng đều mong cho mình một mối duyên lành, mình cũng như vậy cũng mong muốn sang năm mới sẽ tìm được 1 cái người hợp ý và có nhiều điều thuận lợi trong tình duyên trong năm nay”

Các bạn trẻ đi chùa Hà đầu năm để cầu duyên

Không chỉ có các bạn nữ, trong những ngày đầu năm cũng có khá đông nam giới tới chùa Hà để dâng lễ. Người đã thuần thục thứ tự từng nơi khi vào chùa nhưng cũng có những bạn trẻ còn nhiều bỡ ngỡ khi lần đầu tới đây. Đặc biệt, nhiều bạn còn cầm những tờ văn khấn mong rằng việc mình thành tâm mong cầu sẽ linh ứng, mang trong mình hy vọng khi đi lẻ bóng khi về có đôi.

Không chỉ là nơi cầu duyên, với cảnh quan và kiến trúc đẹp, chùa Hà còn là một địa điểm du Xuân được nhiều người lựa chọn trong dịp đầu năm mới. Việc tin tưởng tới chùa Hà cầu duyên là sẽ có người yêu được nhiều bạn trẻ truyền tai nhau và cũng không biết từ bao giờ chùa Hà dần thu hút sự quan tâm của các bạn trẻ đến vậy, dần dần đây đã trở thành một trong những hoạt động văn hóa tín ngưỡng phải có của các bạn trẻ mỗi dịp đầu xuân năm mới.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/mong-cau-nam-moi-tot-lanh-220344.htm