Món quà ý nghĩa dành tặng đoàn viên, công nhân môi trường

Một năm có 365 ngày, thì cả 365 ngày trên mọi cung đường, ngõ phố của Thủ đô không khi nào vắng bóng các công nhân vệ sinh môi trường. Khó có thể kể hết những đặc thù của nghề này khi bất kể đêm đông giá rét, hay những ngày hè nắng như đổ lửa, tiếng chổi tre xao xác, tiếng xe đẩy nặng nề của những công nhân vệ sinh môi trường vẫn văng vẳng. Những đóng góp thầm lặng đó luôn được các cấp Công đoàn Thủ đô ghi nhận với nhiều hoạt động quan tâm, chăm lo.

"Mái ấm" mới cho đoàn viên, người lao động

Theo Phó Chủ tịch Công đoàn Công TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội Hoàng Thị Bích Hạnh, hiện nay công ty có khoảng 5.000 công nhân vệ sinh môi trường, trung bình mỗi ngày thu gom 6.000 tấn rác thải, do lượng rác thải quá lớn, dẫn đến đội ngũ công nhân vệ sinh môi trường làm việc không kể ngày đêm. Không chỉ chịu đựng khó khăn, vất vả do thời tiết, và đặc thù điều kiện lao động ngoài đường phố, chủ yếu vào ban đêm..., nhiều công nhân vệ sinh môi trường còn đối diện nguy cơ bị tai nạn giao thông và thậm chí bị cướp tài sản và bị hành hung bởi các đối tượng xấu.

Trước thực tế này, Công đoàn Công ty đã có sáng kiến lắp đặt “Nhà ở lưu động” để công nhân có thêm chỗ lưu trú mỗi khi giao ca. Sau khi rà soát trên toàn bộ địa bàn, một nhà nghỉ lưu động đã được khẩn trương lắp ráp tại địa chỉ số 15-17 đường Hồng Hà, quận Ba Đình.

"Nhà nghỉ lưu động" của đoàn viên, người lao động Tổ 1, Chi nhánh Ba Đình.

"Nhà nghỉ lưu động" của đoàn viên, người lao động Tổ 1, Chi nhánh Ba Đình.

"Nhà nghỉ lưu động" được lắp đặt thí điểm lần này gồm 1 contanner có 6 giường, 1 điều hòa công suất 12.000 BTU, 1 nhà vệ sinh khép kín có đầy đủ trang thiết bị từ vòi sen, chậu rửa mặt đến bồn vệ sinh. Theo chị Nguyễn Hồng Huệ, từ ngày đưa nhà nghỉ lưu động cho công nhân rất phấn khởi, đã được cải thiện một phần điều kiện làm việc của người lao động trong quá trình sản xuất những ngày nắng nóng, mưa gió công nhân có chỗ để tạm trú, nghỉ ngơi sau những giờ làm việc nặng nhọc. Hoặc những ngày tổ kết thúc ca làm việc muộn mà sáng hôm sau phải tổng vệ sinh sớm với UBND phường, một số công nhân nhà (cách chỗ làm 10 - 20km) đã có chỗ để ngủ lại không phải đi về trong đêm hạn chế được rủi ro khi tham gia giao thông.

Được biết, để tăng thêm tiện ích cho "mái ấm" mới, tổ môi trường số 1, Chi nhánh Ba Đình đã tự vận động trang bị thêm 1 chiếc ti vi, bộ loa đài, quạt đứng, cùng nhiều chăn chiếu, gối… Mặc dù tất cả chỉ là đồ cũ nhưng cũng đã làm cho "mái ấm" mới của tổ thêm phần ấm cúng.

Đến nay, sau hơn 1 tháng vận hành "thí điểm", nhân dịp Tháng Công nhân 2024, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thi Hà Nội phối hợp cùng LĐLĐ thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội chính thức khánh thành "Nhà nghỉ lưu động" cho công nhân môi trường Tổ 1, Chi nhánh Ba Đình.

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm "nhà nghỉ lưu động" của công nhân môi trường tại đường Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Lãnh đạo LĐLĐ thành phố Hà Nội thăm "nhà nghỉ lưu động" của công nhân môi trường tại đường Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội.

Chia sẻ niềm vui và chúc mừng các đoàn viên, người lao động tại đơn vị, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu, đánh giá cao sự đóng góp của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống và an toàn cho người lao động. Đây là bước đi quan trọng, minh chứng cho sự quan tâm và chia sẻ của cộng đồng đối với người lao động, góp phần tạo nên một môi trường làm việc tích cực và an toàn hơn cho tất cả.

"Việc triển khai lắp đặt "Nhà nghỉ lưu động" cho công nhân không chỉ đem lại những điều kiện làm việc tốt hơn, mà còn góp phần giảm bớt gánh nặng và rủi ro cho các công nhân", Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Chính Hữu nhấn mạnh.

Cần hơn nữa những sự quan tâm

Mặc dù luôn được các cấp Công đoàn Thủ đô, Ban Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị quan tâm, chăm lo nhưng cũng phải thừa nhận rằng hiện nay đời sống của hầu hết công nhân môi trường vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc thù môi trường làm việc thì tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi chế độ, chính sách với nghề vẫn chưa thực sự phù hợp.

Được biết, nghề công nhân vệ sinh môi trường được hưởng lương theo sản phẩm trên cơ sở các định mức kinh tế kỹ thuật theo Quyết định 6060/QÐ-UBND ngày 28/11/2023 của UBND thành phố Hà Nội, nếu tính mức thu nhập một tháng chỉ được khoảng hơn 6 triệu đồng/người. Trong khi, công nhân môi trường được xếp vào cấp độ bốn trong số sáu nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, chưa kể, đã từng có một số đơn vị môi trường ở ngay chính Hà Nội để xảy ra tình trạng chậm trả lương kéo dài…

Nghề công nhân môi trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nằm trong lĩnh vực nghề độc hại, tuy nhiên lại có thu nhập chưa cao.

Nghề công nhân môi trường luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro và nằm trong lĩnh vực nghề độc hại, tuy nhiên lại có thu nhập chưa cao.

"Công tác duy trì vệ sinh môi trường chủ yếu làm việc trong môi trường độc hại. Thời gian làm việc luân phiên 24/24 giờ trong ngày, tập trung nhiều nhất là làm vào ban đêm, địa bàn làm việc chủ yếu là trên các đường phố, thường xuyên phải tiếp xúc trực tiếp với các yếu tố độc hại, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, tai nạn giao thông… Luật quy định làm thêm giờ, làm thêm vào ngày lễ tết sẽ được hưởng thêm lương… bản thân chúng tôi cũng rất muốn hỗ trợ thêm cho người lao động nhưng không tìm đâu ra cơ chế. Công ty cũng đã có văn bản gửi Sở Tài chính, UBND Thành phố xin hướng dẫn nhưng mãi vẫn chưa có hồi âm", một lãnh đạo Công ty môi trường cho biết.

Thực tế, nếu như cách đây khoảng chục năm, độ tuổi trung bình của các công nhân lần đầu tuyển dụng vào đơn vị dao động khoảng 20 - 22 tuổi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, độ tuổi trên đã dao động ở mức trên dưới 45 tuổi… nhưng cũng rất khó khăn để tuyển dụng được, do thu nhập không tương xứng với những vất vả, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, các đơn vi chức năng với ngành nghề này.

Nhiều ý kiến cho rằng, nghề công nhân vệ sinh môi trường, nhất là những người làm thu gom rác có môi trường làm việc vất vả, độc hại. Do vậy, không chỉ lương, thưởng, các khoản thu nhập cần được cải thiện, mà các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... phải được bảo đảm. Chỉ như vậy, đời sống của hàng nghìn công nhân mới được nâng cao, giúp họ gắn bó lâu dài với nghề, điều này đồng nghĩa với việc môi trường Thủ đô sẽ được bảo đảm sạch sẽ, văn minh, hiện đại.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/mon-qua-y-nghia-danh-tang-doan-vien-cong-nhan-moi-truong-170716.html