Món canh từng chỉ được ăn vào ngày Mùng một Tết ở Hàn Quốc

Bánh Tteok có màu trắng tượng trưng cho vẻ đẹp và sự thanh khiết, còn hình bầu dục của các miếng bánh Tteok tượng trưng cho hình tròn của đồng tiền xu với ý nghĩa cầu mong tài lộc.

Ngày nay, phong tục ăn Tteokguk không còn quá nghiêm ngặt như ban đầu, người dân có thể ăn quanh năm chứ không chỉ riêng ngày đầu tiên của năm mới. Ảnh: Korea Tourism Organization.

Với người dân đất nước kim chi, Tteokguk (hay còn gọi là canh bánh gạo) là món không thể thiếu trong ngay đầu tiên của năm mới Âm lịch.

Ban đầu, Tteokguk là món chỉ được ăn vào ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán của Hàn Quốc để thể hiện sự may mắn và thêm một tuổi mới. Bạn sẽ hiểu phong tục này hơn nếu tìm hiểu ngôn ngữ Hàn Quốc: Thêm một tuổi được diễn đạt là “ăn thêm một năm nữa”, theo CNN Travel.

Ở Hàn Quốc, tuổi được tính từ ngày đầu tiên của năm Âm lịch chứ không phải ngày sinh thông thường. Bằng cách ăn Tteokguk trong ngày Mùng Một Tết, người Hàn Quốc thực sự đánh dấu mình thêm một tuổi và khôn ngoan hơn. Những người mới quen nếu hỏi tuổi nhau có thể dùng câu hỏi "Bạn đã ăn bao nhiêu tô Tteokguk rồi?".

Tuy nhiên, ngày nay, món ăn gồm những lát bánh gạo hình bầu dục, trứng, rong biển khô và đôi khi là dumpling thả trong nước dùng làm từ thịt này, hiện được ăn quanh năm, bất kể tuổi tác hay mùa.

Những người mới quen nếu hỏi tuổi nhau có thể dùng câu hỏi "Bạn đã ăn bao nhiêu tô Tteokguk rồi?". Ảnh: BBC.

Trong tiếng Hàn Quốc, “Tteok” là một loại bánh được làm từ bột gạo và được thái mỏng, còn “Guk” là từ dùng để chỉ các món canh.

“Tất cả các món ăn Hàn Quốc đều chứa đựng tính biểu tượng”, tiến sĩ ẩm thực Sook Ja Yoon - Giám đốc Học viện Thực phẩm truyền thống Hàn Quốc Seoul và Bảo tàng Tteok - nói với BBC.

Tiến sĩ Yoon, Giám đốc Học viện Thực phẩm truyền thống Hàn Quốc Seoul và Bảo tàng Tteok

Bà Sook Ja Yoon là tác giả của hàng chục cuốn sách dạy nấu ăn về ẩm thực cung đình và truyền thống Hàn Quốc. Bà có bằng tiến sĩ về ẩm thực và dinh dưỡng.

“Món Tteok này tượng trưng cho ba điều. Dải bột gạo dài tượng trưng cho tuổi thọ. Những lát bánh có hình dạng giống như những đồng tiền tượng trưng cho sự giàu có. Và màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và khởi đầu trong lành cho năm mới”, bà Sook giải thích.

Mỗi vùng tại Hàn Quốc lại có một kiểu làm món Tteokguk riêng với các nguyên liệu của địa phương. Tỉnh Jeolla có Tteokguk gà, đảo Jeju cho thêm rong biển vào canh.

Các hiện vật được trưng bày tại Bảo tàng Tteok nêu bật lên cần thiết phải có tính cộng đồng khi làm món Tteokguk. Đàn ông và phụ nữ thay nhau cầm chày giã bột gạo nếp và chế nước để tạo thành bột nhào.

Mối liên hệ giữa món Tteokguk và Tết Nguyên đán được lưu giữ trong một cuốn sách về phong tục Hàn Quốc co tên Dongguk Sesigi vào giữa những năm 1800. Tiến sĩ Yoon cho rằng truyền thống này có lẽ còn xa xưa hơn so với những điều được viết trong cuốn sách, bởi bánh gạo đã là một món ăn chính của ẩm thực Hàn Quốc suốt hơn 2.000 năm.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/mon-canh-tung-chi-duoc-an-vao-ngay-mung-mot-tet-o-han-quoc-post1454842.html