Món ăn ngon miệng ngày Tết

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, mỗi mâm cỗ cúng ông bà tổ tiên đều không thể thiếu các món ăn truyền thống như: Thịt gà luộc, bánh chưng, thịt đông, nem rán, chả nướng, bát canh, đĩa miến xào...Bên cạnh những bữa ăn nhiều chất đạm, chất béo ngày Tết, rau sắn muối chua nấu với cá, móng giò hoặc xương lợn là món ăn 'độc, lạ', làm thay đổi khẩu vị ngày Tết...

Người dân hái rau sắn để muối chua

Là con dân Đất Tổ Vua Hùng, không người dân nào là chưa từng được thưởng thức món canh rau sắn muối chua, bởi đây là một món ăn dân giã, dễ làm. Vừa nêm nếm gia vị cho nồi canh rau sắn muối chua nấu với móng giò để thết đãi khách từ Hà Nội lên chơi Tết, bà Lê Thị Quyết ở phường Thanh Miếu, thành phố Việt Trì vừa vui chuyện: "Năm nào trước Tết tôi cũng muối một vại rau sắn để mời khách Thủ đô. Món ăn dân giã này rất “hút” khách bởi hương vị thanh mát, lại ngon miệng"

Để có được một nồi canh rau sắn muối chua thơm ngon, bà Quyết chọn hái những ngọn rau sắn mập mạp trồng trong vườn nhà mang về rửa sạch rồi vò cho ra hết nhựa. Rau vò xong phải rửa lại nhiều lần với nước cho tới khi nào nước không còn đục, tức là rau hết nhựa mới thôi. Để rau ráo nước rồi cho vào chum, vại muối với nước đun sôi để nguội, hòa một chút muối để rau nhanh chua mà không bị nổi váng. Đợi chừng năm đến bảy ngày là có thể mang rau sắn ra nấu canh được.

Rau hái về chỉ chọn búp và lá non, bỏ cẫng và lá già rồi đem rửa sạch, vò nát, cho vào vại muối

“Trước khi nấu rau sắn phải vắt khô nước rồi bỏ vào nồi cùng với chân giò xào cho săn, nêm nếm chút gia vị thôi vì rau sắn đã được muối tương đối vừa rồi, sau đó cho nước vào ninh nhừ là được”- bà Quyết chia sẻ.

Không giống với các loại canh khác, canh rau sắn muối chua hầm càng nhừ càng ngon, bởi khi đó vị béo, vị ngon, ngọt của chân giò hoặc của xương, của cá sẽ ngấm vào rau sắn, còn vị chua từ rau sắn cũng thấm sâu vào chân giò, vào cá, làm cho chân giò không còn ngấy nữa và nếu nấu rau sắn muối chua với cá thì cá sẽ hết hẳn mùi tanh dù chẳng nêm thêm một thứ gia vị gì khác.

Sau vài ngày, khi rau sắn có mùi thơm, màu vàng đem ra nấu với cá, tép hoặc móng giò, xương lợn

Ông Nguyễn Huy Bắc, 60 tuổi, việt kiều ở Đức về ăn Tết cùng gia đình tại huyện Cẩm Khê bộc bạch: "Lâu lắm rồi tôi mới lại được thưởng thức lại cái mùi thơm nồng đặc trưng, vị bùi bùi, chua chua của rau sắn, ngọt đậm đà của cá tươi. Ăn bát canh rau sắn muối chua nấu với tép, tôi lại nhớ về những ngày thơ ấu đầy thiếu thốn. Rau sắn muối chua là món ăn mộc mạc, đơn sơ mà thắm đượm tình người của vùng đất trung du Phú Thọ.

Món canh rau sắn muối chua trở thành món ăn ngon miệng trong những ngày Tết

Là món ăn dân giã khi xưa, rau sắn muối chua giờ trở thành món đặc sản hút khách. Ông Trần Văn Công - Giám đốc HTX nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản Liên Gia Trang xã Thụy Liễu, huyện Cẩm Khê cho biết: “Với mong muốn lưu giữ sản phẩm truyền thống đặc trưng vùng đất Tổ, năm 2019, chúng tôi đã sản xuất sản phẩm rau sắn muối chua bán ra thị trường và được người tiêu dùng ưa chuộng, tìm mua, coi như món ăn lạ mà ngon đậm chất quê”

Món rau sắn nấu với móng giò ăn rất ngon vì có vị thanh mát, đậm đà

Từ năm 2021, sản phẩm rau sắn muối chua đã được công nhận sản phẩm OCOP ba sao. Hiện nay, sản phẩm rau sắn muối chua được tiêu thụ trong các hệ thống siêu thị lớn như: Go!, WinMart, Co-opmart... ở Phú Thọ, các tỉnh lân cận và trên các sàn giao dịch thương mại điện tử. Doanh thu từ sản phẩm rau sắn muối chua của HTX đạt 500 triệu đồng/năm, giải quyết việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương.

Sản phẩm rau sắn muối chua được đóng hộp và đã có mặt trong các hệ thống siêu thị lớn

Từ một món ăn dân giã thôn quê, món canh rau sắn muối chua đã được người dân khắp mọi miền đất nước và cả nước ngoài ưa chuộng. Ông Nguyễn Huy Bắc, việt kiều ở Đức cho biết thêm: "Lần nào về Việt Nam chơi, quà tôi mang sang Đức là những túi rau sắn muối chua hút chân không. Con dâu tôi người Đức cũng rất thích món ăn này và gọi món rau sắn muối chua là đặc sản của đất Tổ, Việt Nam".

Chi Hương

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phong-vi-dat-to/mon-an-ngon-mieng-ngay-tet/205613.htm