Môi trường đầu tư Việt Nam hấp dẫn doanh nghiệp Trung Quốc

Năm 2023, Trung Quốc đứng thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng mức hơn 3 tỷ USD, dẫn đầu về số dự án đầu tư mới.

Thêm nhiều dự án mới, lĩnh vực mới

Quý I/2024 tỉnh Bắc Ninh đã cấp phép 105 dự án FDI, trong đó có đến 60 dự án là của nhà đầu tư đến từ Trung Quốc. Còn tại Bình Dương - địa phương thu hút mạnh đầu tư trên cả nước, có hơn 1.660 dự án đến từ các doanh nghiệp Trung Quốc với tổng vốn trên 10 tỉ USD.

Trên thực tế, những năm gần đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư Trung Quốc ngày càng gia tăng rót vốn vào thị trường Việt Nam. Theo Lãnh đạo Hội đồng Kinh doanh Trung Quốc - ASEAN, hợp tác đầu tư và ngoại thương Trung Quốc - Việt Nam ngày càng lành mạnh khi xuất siêu của Trung Quốc sang Việt Nam giảm và Trung Quốc tăng mạnh nhập khẩu hàng Việt Nam, tăng đầu tư sang Việt Nam. Ngành nghề đầu tư cũng ngày càng phù hợp với chủ trương khuyến khích đầu tư công nghệ cao của Chính phủ Việt Nam.

Riêng năm 2023, Trung Quốc là nền kinh tế đứng thứ 4 đầu tư tại Việt Nam (sau Singapore, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) với tổng vốn đăng ký 4,5 tỷ USD, tăng gần 80% so với năm 2022. Còn tính đến tháng 3/2024, Trung Quốc có 4.418 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký hơn 27,6 tỷ USD, đứng thứ 6/145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư tại Việt Nam.

Đáng chú ý, Trung Quốc đã vượt qua nhiều nước có nhiều đầu tư như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… để dẫn đầu số dự án đầu tư FDI mới vào Việt Nam với 27,8% trong số 644 dự án mới được cấp phép đầu năm 2024.

Những lĩnh vực thu hút doanh nghiệp Trung Quốc chủ yếu ở các lĩnh vực truyền thống như dệt may, giày da, đồ gia dụng và gần đây có thêm nhiều dự án mới trong các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện tử, máy móc, ô tô…

Công nghiệp hỗ trợ là một trong những lĩnh vực thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc vào Việt Nam. Ảnh minh họa

Lý do hấp dẫn các nhà đầu tư Trung Quốc

Sự ổn định về môi trường chính trị - xã hội, vĩ mô; lực lượng lao động ổn định, đa số là lao động trẻ, có nhiều kỹ năng… là những lý do hàng đầu hấp dẫn doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sở hữu vị trí chiến lược quan trọng, tiếp giáp với Trung Quốc, đáp ứng các điều kiện giúp nhà đầu tư tối ưu chi phí vận chuyển, kết nối ổn định chuỗi cung ứng tại Trung Quốc.

Một nguyên nhân góp phần thúc đẩy nhà đầu tư Trung Quốc tích cực đầu tư vào Việt Nam phải nhắc đến là quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển ngày càng thực chất và toàn diện thông qua nhiều chuyến thăm cấp cao giữa 2 bên, giao lưu nhân dân về văn hóa, thể thao, môi trường đầu tư hấp dẫn...

Chia sẻ với VTV, GS. Hứa Lợi Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á - Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cũng nhận định, “Quan hệ chính trị giữa 2 nước không ngừng cải thiện càng thúc đẩy, trở thành động lực để phát triển kinh tế thương mại hợp tác đầu tư giữa 2 nước càng mật thiết hơn. Nông sản Việt Nam cũng ngày càng được đẩy mạnh bán sang thị trường Trung Quốc”.

Hội chợ thương mại biên giới Việt - Trung được duy trì thường niên từ năm 2001. Ảnh: laocai.gov.vn

Cùng với đó, chính sách "đa phương hóa, đa dạng hóa” trong quan hệ quốc tế giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực, tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư với các nước trên thế giới. Điển hình, 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) đang có hiệu lực, trong đó có EVFTA với hàng hóa sản xuất của Việt Nam vào các thị trường châu Âu với thuế suất bằng 0 hoặc rất thấp vào những năm tới. Vì vậy, đây là thuận lợi đầy hấp dẫn, giúp các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam mở được cánh cửa sang ASEAN và thế giới.

Hiện nay, dư địa đầu tư của Trung Quốc tại Việt Nam còn rất nhiều, đặc biệt là những dự án lớn, trọng điểm. Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao cũng được doanh nghiệp hai nước thúc đẩy mạnh mẽ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, về đầu tư, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng hợp tác đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh như: Đổi mới sáng tạo, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, điện tử, công nghệ, công nghiệp phụ trợ... Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cam kết đồng hành, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Trung Quốc để triển khai đầu tư, hoạt động các dự án thành công, hiệu quả, đôi bên cùng có lợi tại Việt Nam.

Về xây dựng khu thương mại tự do, khu phi thuế quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, phía Trung Quốc chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình kinh tế mới: Khu thương mại tự do, Khu kinh tế mở, Khu phi thuế quan; tham khảo những chính sách đã ban hành...

Diệu An

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/moi-truong-dau-tu-viet-nam-hap-dan-doanh-nghiep-trung-quoc-2273008.html