Mối nguy 'bất mãn'

Bàn về đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: 'Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng'. Vậy nhưng hiện nay, không khó để chúng ta bắt gặp những trường hợp hẹp hòi, ích kỷ, cá nhân, chỉ biết đến lợi ích của mình mà xem nhẹ lợi ích của Đảng, của tập thể. Khi lợi ích cá nhân không đạt được, đã có những trường hợp hậm hực, cay cú, nảy sinh bất mãn.

Trong một lần lướt mạng xã hội, tôi tình cờ bắt gặp tài khoản của người quen bình luận trên một trang facebook được các đối tượng phản động điều hành bằng những lời lẽ a dua, đồng tình với nội dung sai trái được tung ra. Do ít tương tác nên thực lòng tôi cũng không theo dõi thường xuyên tài khoản mạng xã hội của cậu bạn này. Người này vốn là một cán bộ đầy nhiệt huyết, từng năng nổ tham gia các hoạt động của Đảng, của Đoàn. Chính vì vậy, khi đọc được những dòng bình luận sặc mùi “dân chủ”, tôi không khỏi bất ngờ. Tôi tiếp tục bấm vào trang cá nhân để tìm hiểu thêm thì thấy nhiều bài viết mang nặng tính bất mãn đã được người bạn này đăng tải. Trong đầu tôi tự hỏi: Điều gì đã khiến một người thay đổi nhiều đến vậy? Thông qua một vài người quen, tôi được biết người bạn kia vốn được quy hoạch vào vị trí lãnh đạo tại đơn vị đang công tác. Khi đơn vị còn một “ghế” trống, cậu bạn của tôi cũng được đưa lên “bàn cân” cùng một số trường hợp khác để xem xét bổ nhiệm. Kết quả, cậu bạn của tôi không được bổ nhiệm. Cho rằng bản thân là người tài năng nhưng lại không được bổ nhiệm chức vụ quản lý là không công bằng và thiếu minh bạch (dù chẳng có căn cứ nào) nên người bạn của tôi đã nảy sinh bất mãn, có nhiều lời nói, hành động không chuẩn mực, thậm chí đi ngược lại lời thề khi vào Đảng.

Đáng buồn thay, những trường hợp bất mãn như nêu trên không phải là hiếm trong xã hội hiện nay!

Bất mãn được hiểu là trạng thái tâm lý không hài lòng, không đồng tình đối với một sự vật, sự việc nào đó trong cuộc sống. Tôi đã đọc đâu đó câu nói: “Không có lời nguyền nào lớn hơn sự bất mãn”. Ở mức nhẹ, bất mãn khiến người ta sa sút ý chí phấn đấu; phai nhạt niềm tin vào sự lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Nặng hơn, người bất mãn trở nên vô kỷ luật, không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên; suy thoái về đạo đức, lối sống, gây mất đoàn kết nội bộ. Nghiêm trọng nhất, những người từ bất mãn đã “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “trở cờ”, xuyên tạc vai trò lãnh đạo của Đảng, thậm chí là móc nối, câu kết với các thế lực thù địch, phản động để chống phá đất nước.

Vậy đâu là lý do làm nảy sinh bất mãn? Có nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có thể kể đến là: Thứ nhất, ngay từ ban đầu, người vào Đảng đã không có động cơ trong sáng. Khi tham gia học lớp cảm tình Đảng, chúng ta đã được quán triệt rõ “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài” và “mỗi người trong Đảng đều phải hiểu rằng: lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng”. Vậy nhưng, thực tế cho thấy có những người vào Đảng không phải để phấn đấu, không phải để cống hiến, không phải để góp sức mình phụng sự Tổ quốc. Họ vào Đảng để “mong làm chức này, chức kia”, đam mê, tham vọng chính trị, quyền lực đến khi không đạt được mục đích thì trở mặt. Thứ hai, có những người vào Đảng nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, mắc vào căn bệnh kiêu ngạo, hiếu danh, hẹp hòi. Những người này tự cho mình là giỏi, là đúng, là người kiệt xuất và người khác phải phục tùng, vuốt ve, yêu chiều đối với mình. Đến khi người khác hơn mình hoặc khi lợi ích của cá nhân không được thỏa mãn thì những người này hậm hực, cay cú, cho rằng mình là “nạn nhân” của Đảng, của chế độ và trở nên bất mãn, chống đối. Thứ ba, xét ở một góc độ nhất định, việc bất mãn trong một số trường hợp cũng bắt nguồn từ những sai lầm, khuyết điểm, thậm chí là tiêu cực trong công tác cán bộ nói riêng và công tác xây dựng Đảng nói chung. Đã có lúc, có nơi xảy ra trường hợp người có năng lực không được coi trọng, không có cơ hội để phát huy khả năng cũng như thăng tiến trong công việc. Trong khi đó, người thiếu uy tín, không đủ chuyên môn lại được cất nhắc vào các vị trí lãnh đạo một cách thiếu công bằng và sau đó đè nén, chèn ép những người có năng lực khiến họ phai nhạt niềm tin. Nói tóm lại, dù với lý do gì đi chăng nữa thì sự bất mãn cũng là một mối nguy hại lớn đối với sự phát triển của Đảng ta.

Sức mạnh của Đảng trước hết bắt nguồn từ sự đoàn kết, nhất trí một lòng trong chính nội bộ. Việc đảng viên bất mãn dù về bất cứ vấn đề gì cũng đều khiến mối đoàn kết có nguy cơ bị rạn nứt. Chính vì vậy, loại trừ căn bệnh bất mãn là điều không thể xem nhẹ. Khi bàn về phận sự của đảng viên và cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Không ai bắt buộc ai vào Đảng làm chiến sĩ xung phong. Đó là do sự “tự giác”, lòng hăng hái của mỗi người mà tình nguyện làm đảng viên, làm chiến sĩ xung phong. Đã vậy thì mỗi người đảng viên phải cố gắng xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc”. Ngay từ khi vào Đảng, mỗi người cần xác định cho mình động cơ, mục đích đúng đắn. Khi đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, từng đảng viên phải không ngừng học tập, giữ gìn kỷ luật, rèn luyện tính Đảng, giữ trọn lời thề tuyệt đối trung thành với Đảng. Đối với những đảng viên bất mãn, không còn đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng thì phải kịp thời đưa ra khỏi Đảng. Về phần mình, tổ chức Đảng phải thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ đảng viên giữ vững niềm tin vào Đảng; kịp thời rèn luyện, giáo dục với các đảng viên có dấu hiệu dao động; có cơ chế cất nhắc cán bộ một cách công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho mỗi đảng viên có cơ hội phấn đấu một cách công bằng.

Anh Tú

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/542/154505/moi-nguy-bat-man