Mỗi năm một sáng kiến cho Lễ hội Đường sách Tết

Trong buổi tổng kết Lễ hội Đường sách Tết 2024, TP.HCM đặt ra mục tiêu không ngừng sáng tạo để đưa văn hóa đọc đến gần hơn với mọi người dân của thành phố.

Sau Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 với nhiều hoạt động diễn ra xuyên suốt 8 ngày Tết, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã có buổi tổng kết, đánh giá và lắng nghe ý kiến đóng góp để chuẩn bị cho sự kiện vào năm tới.

“Lễ hội đường sách thành công nhất 14 năm”

Lễ hội năm nay được đánh giá là có quy mô lớn nhất trong 14 năm tổ chức. Điều này được thể hiện qua những con số tăng trưởng so với năm trước như: hơn 30 đơn vị tham gia, trên 1 triệu lượt người tham quan (tăng 11,1%), hơn 5.000 tựa sách tương đương 76.158 quyển được bán ra (tăng 22,53%), doanh thu ước đạt trên 10 tỷ đồng (tăng 18,23%).

Ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM. Ảnh: BTC.

Về kết quả thu được năm nay, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng điều quan trọng nhất là sự đánh giá cao và sự hưởng ứng của người dân, thể hiện qua doanh số, số lượng tham gia. Đó là những con số rất lớn đáng để thành phố tự hào.

Để đạt được kết quả này, ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, trưởng ban tổ chức Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn 2024 - cho biết ban tổ chức đã vượt qua nhiều lo lắng, trăn trở. “Nhiều người mất ngủ khi năm thứ 13 Đường sách Tết đã lên một lên một nấc thang mới, thì làm sao để năm thứ 14 này phải sáng tạo hơn, nhiều hoạt động hơn. Đó là một điều cực kì thách thức. Nhưng vượt qua những áp lực đó, cùng với sự đồng hành của nhiều đơn vị, anh chị trong và ngoài ngành xuất bản, chúng tôi cảm thấy rất vui, ấm lòng và có thêm nhiều động lực cho năm tới”, ông chia sẻ.

Tham gia sự kiện Đường sách Tết từ những năm đầu tiên, ông Nguyễn Hữu Hoạt - Tổng Giám Đốc PNC (Nhà Sách Phương Nam) - cho rằng đây là năm thành công nhất trong lịch sử 14 năm của Lễ hội Đường sách Tết. “Có hai điều tôi ấn tượng nhất. Đầu tiên là lì xì sách, một hoạt động mà tôi thấy mang nhiều tính nhân văn và góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Điều thứ hai là công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, đã giải quyết được những vấn đề mà ngày xưa lúc nào cũng có”, ông chia sẻ.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM. Ảnh: BTC.

“Trong bối cảnh mà lâu nay người ta thấy trong dịp Tết việc nhậu hơi nhiều, thì bây giờ đã có thêm việc đọc sách. Đường sách mà lại thu hút rất đông người tham gia, từ nhiều thành phần, điều này vô cùng ý nghĩa và là cơ hội để chúng ta có thêm những giải pháp để tiếp cận, phát huy”, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí, Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy - nhận xét.

Ông Dương Anh Đức cho rằng để đạt được những điều này là nhờ sự phối hợp của nhiều đơn vị. "Cũng trong dịp này, tôi thay mặt lãnh đạo UBND thành phố, rất trân trọng và cảm ơn sự nỗ lực của tất cả. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo đã có một sáng kiến cách đây 14 năm đó là song song với đường hoa Nguyễn Huệ, khi người dân vui chơi Tết thì chúng ta giới thiệu đến họ văn hóa đọc, giúp người dân, đặc biệt là các bạn trẻ, hưởng thụ được nhiều nền văn hóa, qua đó hiểu được sách là một phương tiện rất quan trọng để lưu giữ và truyền bá kiến thức”, ông nói.

Không ngừng sáng tạo phát triển văn hóa đọc

Với tinh thần hào hứng sau thành công của Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn, các đơn vị trong và ngoài ngành xuất bản cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp hướng đến sự kiện vào năm sau.

Đại diện Nhà sách Phương Nam, ông Nguyễn Hữu Hoạt bày tỏ mong muốn được kéo dài thời gian diễn ra sự kiện vì bên cạnh công sức lớn để xây dựng đường sách, đơn vị nhận thấy còn rất nhiều người dân chưa thể tham gia trong những ngày Tết.

Lễ hội Đường sách Tết Giáp Thìn được đánh giá là thành công nhất trong 14 năm tổ chức. Ảnh: Linh Huỳnh.

Ngoài ra, ông Lâm Quang Hiếu - Phó tổng biên tập phụ trách tạp chí Tri thức - ZNews, cũng đưa ra ý tưởng giới thiệu những cuốn sách hay, đoạt giải thưởng tại Lễ hội Đường sách Tết, giúp người dân có cơ hội tham khảo những tựa sách hay, có giá trị. “Năm 2024, giải thưởng Sách Quốc gia sẽ bước sang năm thứ 7. Mỗi năm có khoảng 50 đến 60 tựa sách hay, đáng chú ý có thể được giới thiệu đến 1 triệu du khách tham quan tại Đường sách Tết”, ông chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tô Đình Tuân, Tổng biên tập báo Người lao động, đưa ra ý kiến về việc tận dụng Lễ hội Đường sách Tết tại TP.HCM để góp phần phát triển văn hóa đọc cho những vùng khó khăn cần nhiều sự giúp đỡ hơn. “Điều tôi suy nghĩ và trăn trở rất nhiều đó là chúng ta đang sống ở một trong những thành phố hiện đại nhất của cả nước, có nhiều điều kiện tiếp cận sách, báo. Còn những người, đặc biệt là trẻ em ở những vùng biên cương, hải đảo xa xôi thì rất khó để tiếp cận với văn hóa đọc. Đây thực sự là một điều cần phải được quan tâm. Trong Lễ hội Đường sách sắp tới, tôi nghĩ chúng ta có thể làm một phòng phù hợp cho từng đối tượng, từ sự hỗ trợ của các đơn vị xuất bản, doanh nghiệp… để có thể chuyển một số lượng sách đến họ sau khi kết thúc lễ hội”, ông nói.

Về phía lãnh đạo thành phố, ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM với tư cách là một đô thị đặc biệt, luôn quan tâm và ủng hộ các ý tưởng mới nhằm giúp thành phố vui tươi và có ý nghĩa hơn. “Năm nay là năm thứ hai chúng ta tạm gọi là ra riêng với trục đường Lê Lợi rộng rãi, có rất nhiều đất để dụng võ. Với tinh thần đó, mỗi năm chúng ta sẽ có một sáng kiến để tạo sự thu hút cho người dân. Chúng ta phải nắm bắt được những xu thế của thời đại, những đổi mới trong ngành sách của mình để tạo ra niềm vui hứng thú cho những cuốn sách”, ông nói thêm.

Sau khi ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, ông Lâm Đình Thắng cho biết các ý tưởng sẽ không chỉ được dùng để phục vụ cho Lễ hội Đường sách Tết, mà còn giúp giải quyết những trăn trở để phát triển văn hóa đọc cho toàn thành phố. Theo đó, bên cạnh những hoạt động lớn như Lễ hội Đường sách Tết, TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động mang tính thường xuyên để tạo điều kiện cho người dân ở vùng sâu, vùng xa khó khăn.

Đông Miên

Nguồn Znews: https://znews.vn/moi-nam-mot-sang-kien-cho-le-hoi-duong-sach-tet-post1461603.html