Mỗi năm Hà Nội giảm hơn 4.000 trẻ sơ sinh

Trong 3-4 năm gần đây, tỉ lệ trẻ sơ sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội đang ngày càng tụt giảm. Trung bình giảm từ tới trên 4.000 trẻ sau mỗi một năm. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, nếu không được cải thiện sớm, việc giảm tỉ lệ sinh sẽ kéo theo rất nhiều hệ quả về sau đối với xã hội.

Số liệu thống kê từ Chi cục Dân số, Sở Y tế cho thấy, nếu như năm 2020, số trẻ sinh mới trên địa bàn toàn Thành phố là trên 121.600 trẻ thì năm 2023, con số này đã giảm mạnh, xuống chỉ còn trên 105.000 trẻ. Trung bình giảm tới 4.146 trẻ sau mỗi năm. Trong đó, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng là ba quận có mức giảm sâu nhất trong ba năm qua với mức giảm từ khoảng 1.100 trẻ tới 1.600 trẻ sinh mới.

Nếu như năm 2020, số trẻ sinh mới trên địa bàn toàn Thành phố là trên 121.600 trẻ thì năm 2023, con số này đã giảm mạnh, xuống chỉ còn trên 105.000 trẻ

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trung tâm Y tế quận Ba Đình cho biết: "Tình trạng này tại quận Ba đình thì đang là báo động đỏ. Qua hai năm trở lại đây thì mỗi năm giảm từ 300-400 trẻ. Đây là mức giảm rất sâu. Trong khi đó, mức sinh thay thế giảm, nếu 2019 vẫn đảm bảo ở tỉ lệ 2,01 thì 2023 mức sinh thay thế đã giảm xuống 1,41.

Mức sinh thay thế là tỉ lệ sinh bé gái của một phụ nữ đảm bảo thế hệ kế cận có thể duy trì sinh sản. Con số này cùng với số trẻ sinh mới đều giảm đối với khu vực nội đô, các quận vùng lõi của Hà Nội. Điều này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tới bởi nhiều nguyên khác nhau.

Ông Vũ Duy Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Dân số, sở Y Tế thành phố Hà Nội cho biết: "Một phần là do áp lực kinh tế. Người phụ nữ hiện đại thường tham gia nhiều vào các hoạt động xã hội, bận rộn nhiều công việc nên không muốn sinh nhiều. Ngoài ra, thống kê hàng năm thì đều cho thấy, tỉ lệ vô sinh ngày càng xuất hiện nhiều".

Mức sinh thấp gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc về cơ cấu, quy mô dân số, gây thiếu lớp kế cận, già hóa dân số…

Nhiều nghiên cứu khẳng định, mức sinh thấp gây ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc về cơ cấu, quy mô dân số, gây thiếu lớp kế cận, già hóa dân số… Từ đó, kéo theo nhiều gánh nặng cho xã hội.

Mức sinh thấp cũng làm suy giảm tỉ lệ dân số trong độ tuổi lao động. Theo nghiên cứu, cứ sau 15 năm sẽ thiếu hụt lực lượng lao động, tác động mạnh quá trình di cư.

Thời gian qua, Thành phố và ngành Y tế Thủ đô đã có nhiều nỗ lực để tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về việc đảm bảo tỉ lệ sinh với mỗi gia đình là hai con. Tuy nhiên, mỗi người dân, hộ gia đình, và các bạn trẻ ở độ tuổi kết hôn cần xác định và nhận thức rõ, đây còn là trách nhiệm của mình với gia đình và với xã hội.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/moi-nam-ha-noi-giam-hon-4000-tre-so-sinh-233152.htm